Vấn đề thi hành án: người có quyền nuôi con sau ly hôn

(ĐHVO). Khi đã không thể ở bên nhau để xây dựng một gia đình hoàn chỉnh, hạnh phúc, các cặp vợ chồng sẽ lựa chọn ly hôn để đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình. Đặc biệt đối với người khuyết tật, quyền nuôi con sau ly hôn phần lớn bị xâm phạm mặc dù đã có bản án/quyết định. Vậy trường hợp đã có bản án/quyết định về việc giao con cho một bên cha/mẹ nuôi, nhưng bên còn lại không thực hiện thì pháp luật có quy định ra sao? Sau đây, xin mời bạn đọc cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này!

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Câu hỏi: Xin chào Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt, em tên là Nguyễn Thị A, 27 tuổi, là người khuyết tật nặng, em muốn hỏi Luật sư một vấn đề sau: Năm 2019 em và chồng em thuận tình ly hôn theo Quyết định của Tòa án nhân dân quận H, con chung của hai vợ chồng sẽ do em nuôi dưỡng. Tuy nhiên, sau đó em được cử ra nước ngoài bồi dưỡng 06 tháng nên em và chồng có thỏa thuận với nhau rằng: trong khoảng thời gian 06 tháng này chồng cũ sẽ nuôi con. Năm 2020, kết thúc khóa học em trở về Việt Nam, em có nói chuyện với chồng cũ để đón con về nhưng chồng cũ không đồng ý, nói rằng em đã bỏ con thì anh ấy có quyền nuôi dưỡng. Bây giờ em cần phải làm gì để lấy lại được quyền nuôi con? Em rất mong nhận được sự giải đáp của luật sư, em xin chân thành cảm ơn.

I. Căn cứ pháp lý

– Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;

– Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014:

“Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân

2. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.

Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.”

Như vậy, khi quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực thì chị và chồng cũ của chị phải có trách nhiệm chấp hành theo quyết định đó. Cụ thể ở đây, chồng chị phải tôn trọng quyết định của Tòa án và giao lại con cho chị nuôi khi chị đã trở về Việt Nam.

Theo điểm a, khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014:

“Điều 7. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án

1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;”

Mặt khác, Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:

Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.”

Pháp luật không quy định hạn chế quyền nuôi con, chăm sóc con sau ly hôn đối với người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật cũng được đảm bảo quyền được nuôi con sau ly hôn thậm chí người khuyết tật còn được bảo vệ, hỗ trợ trước những hành vi vi phạm, xâm phạm quyền lợi của đối tượng yếu thế. Như vậy, trường hợp của chị vẫn còn thời hiệu yêu cầu thi hành án, khi chồng cũ không giao lại con cho chị thì chị có thể yêu cầu thi hành bản án có hiệu lực của Tòa án về ly hôn bằng cách nộp đơn yêu cầu thi hành án hoặc trình bày trực tiếp tại Cơ quan thi hành án quận H; chị nộp kèm theo đơn yêu cầu bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, đơn yêu cầu thi hành án bao gồm những nội dung sau:

– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

– Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

– Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

– Nội dung yêu cầu thi hành án;

– Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và tài liệu của chị, cơ quan thi hành án sẽ xem xét và ra quyết định thi hành án.

Căn cứ Điều 45,46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, chồng chị có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để tự nguyện thi hành án. Trường hợp chồng chị không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của chị. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng với những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp, chị sẽ lấy lại được quyền nuôi con của mình.

Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt qua Hotline: 1900.6248.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top