Thanh Sơn, Phú Thọ: Cần giải quyết dứt điểm vụ chiếm đất của gia đình nạn nhân chất độc da cam

(DHVO).Hoàn cảnh gia đình chị Hà Thị Khánh ở xã Yên Lương, Thanh Sơn, Phú Thọ  hết sức bi đát: Người mẹ già đang bị suy thận giai đoạn ba; chị là nạn nhân chất độc da cam, bị khuyết tật về trí tuệ. Một gia đình có hoàn cảnh như vậy rất cần được chính quyền và xã hội quan tâm giúp đỡ. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, khu đất rừng của gia đình chị bị lấn chiếm, dẫn đến tranh chấp, với 6 bản án, đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Chị Hà Thị Khánh, năm nay 40 tuổi, nạn nhân chất độc da cam.

Vụ việc diễn ra như sau: Năm 1997, UBND xã Yên Lương theo kế hoạch của Nhà nước tiến hành giao đất đồi rừng cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Khi đó sẽ căn cứ vào vị trí và tình trạng đất sẽ giao với các mục đích khác nhau, có thể là khoanh nuôi, phủ xanh đất trống đồi núi trọc…Gia đình chị Khánh cũng thuộc một trong số đó và được giao 37,8 ha đất đồi rừng tại Đá Giã, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Và đến năm 1998, gia đình chị đã được UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với thửa đất được giao: thửa số 24, tờ bản đồ số 6051 có diện tích: 37,8 ha, đất đồi rừng, mục đích sử dụng: Khoanh nuôi. Kể từ đó, gia đình đứng ra trông nom, chăm sóc, bảo vệ rừng được giao. Đến năm 2005 thì phát hiện gia đình ông Đinh Văn Cởi – họ hàng với nhà chị Khánh – có hành vi lấn chiếm đất nhà mình. Gia đình chị Khánh cũng đã qua nói chuyện nhiều lần và ông Cởi hứa sau khi thu hoạch cây xong sẽ trả lại đất nên gia đình cũng yên tâm. Bẵng đi một thời gian, do ông Yên – bố chị Khánh bị bệnh ung thư nên cả gia đình tập trung toàn bộ để chăm sóc và đưa ông Yên đi chữa trị nên cũng không để ý đến vấn đề đó nữa.

Trong khi ông Cởi chưa trả đất thì đến năm 2008, gia đình chị Khánh lại bất ngờ phát hiện ông Hồ Ngọc Thái (Sinh năm 1966, trú tại Thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) vào phát cây trong diện tích đất lâm nghiệp của gia đình được giao khoanh nuôi. Qua tìm hiểu, gia đình chị Khánh mới biết được diện tích đất này là do hộ ông Nguyễn Anh Bảo (Sinh năm 1945, trú tại Khu 5, xã Yên Lương) chuyển nhượng cho ông Thái vào năm 2007. Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ thì hiện nay, gia đình chị Khánh chỉ còn đang sử dụng 5,2 ha. Hộ ông Bảo sử dụng vào phần đất nhà chị Khánh là 13,2 ha (sau đó chuyển nhượng cho ông Thái); còn lại 10,2 ha do hộ ông Cởi sử dụng.

Sự việc đã được đưa ra chính quyền địa phương để yêu cầu giải quyết nhưng không đạt được kết quả. Vì vậy, gia đình chị Khánh đã gửi đơn đến Tòa án mong tìm lại được sự công bằng cho gia đình.

Vụ án tranh chấp đất đồi rừng của nhà chị Khánh đã kéo dài 06 năm, chưa kể đến 10 năm nhờ chính quyền địa phương giải quyết, qua 6 bản án, trong đó có 01 quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Sự việc tưởng chừng như đơn giản: Đất nhà ai thì trả về cho nhà đó. Nhưng không, gia đình chị Khánh không nhận lại được dù chỉ là 1m2 đất, trong khi đất đã được cấp sổ đỏ và gia đình được nhận tiền bảo vệ đất khoanh nuôi trong suốt thời gian dài.

Thời gian thấm thoát qua đi, gia đình mòn mỏi trông chờ từng ngày sự việc của gia đình mình được giải quyết. Mọi người đều mệt mỏi, bà Vịnh – mẹ chị Khánh lại đang bị suy thận giai đoạn ba, kinh tế gia đình trở nên khánh kiệt; chị Khánh, ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi từ nhà nước, chị không thể làm được việc gì tạo ra thu nhập, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của anh Khoa – em trai chị Khánh. Anh Khoa có kể: “ Đôi lúc chị Khánh cứ thẫn thờ ngồi trước hiên nhà rồi khi thấy anh liền chạy lại ôm anh”. Có phải chăng chị Khánh bỗng dưng lại biết suy nghĩ, biết thương người em trai hiền lành, vất vả của mình đang vừa chăm sóc mẹ, chăm sóc chị, lại đang phải theo đuổi hành trình tìm kiếm công lý dài đằng đẵng?

Vụ việc nhà chị Khánh có những lúc trở thành tâm điểm của toàn xã, toàn huyện khi hành vi lấn chiếm đất đai không bị xử lý mà người bị lấn chiếm lại phải “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận. Diện tích đất đang từ 30,7ha nay chỉ còn 5,2 ha, nghe mà cảm thấy “đắng lòng”.

Hiện nay, gia đình chị Khánh đang có đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết theo trình tự Giám đốc thẩm để một lần nữa được xét xử lại, có thêm một cơ hội có thể đòi được những gì mình đã mất. Dư luận đang rất mong vụ chiếm đất rừng của gia đình chị Khánh được giải quyết dứt điểm.

Tạp chí điện tử Đồng hành Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Khánh Linh

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top