Du lịch tâm linh – xu thế của xã hội hiện đại

Khu Du lịch tâm linh chùa Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, cách thành phố Phủ Lý – Hà Nam 12km về phía Tây, nằm trên tuyến quốc lộ 21 tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và thành phố Hà Nội.

Du lịch Chùa Tam Chúc

Khu Du lịch tâm linh chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, riêng hồ Tam Chúc có diện tích lên tới 600ha với cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới lòng hồ có 06 quả núi nhô lên tựa như 6 quả chuông nhà Phật.

Hồ Tam Chúc

Điều đặc biệt mà chỉ riêng chùa Tam Chúc mới có đó là 12.000 bức phù điêu (tranh đá) được chạm khắc tinh xảo. Mỗi bức tranh đá ở đây đều là sự gửi gắm một câu chuyện vô cùng nhân văn và sâu sắc, và mỗi bức tranh được ghép lại bởi nhiều tấm đá mang màu cháy của gạch nung già lửa, rất trầm mặc và cổ kính.

Bức phù điều tại Chùa Tam Chúc

Các bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo

Các bức phù điêu đều được chạm khắc tinh xảo

Chùa Tam Chúc đang xây dựng một vườn kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột kinh có chất liệu hoàn toàn bằng đá với độ cao khoảng 14m và có tổng trọng lượng lên tới khoảng 200 tấn. Cột kinh Phật được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, một loại đá luôn gắn liền với những công trình tâm linh từ xa xưa. Vườn cột kinh sẽ tạo nên một không gian hùng vỹ trước điện Quán Âm. Đây cũng là một điểm nhấn rất riêng chỉ có ở chùa Tam Chúc. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức, cũng là những gì ước mong khi vua Lê Đại Hành xưa kia dựng cột kinh phật, cầu mong cho quốc thái dân an, một đất nước vững mạnh, với cuộc sống ấm no của người dân Việt Nam.

Ngoài ra, nhờ có hệ thống giao thông kết nối giữa Hà Nội và Hà Nam rất thuận lợi tạo tiền đề phát huy tiềm năng liên kết vùng, UBND tỉnh Hà Nam đã quy hoạch hạ tầng kết nối khu du lịch sinh thái tâm linh Tam Chúc với chùa Bái Đính, chùa Hương tạo thành “Tam giác vàng” khu du lịch tâm linh, sinh thái bậc nhất Việt Nam.

Các hạng mục thuộc quần thể chùa Tam Chúc:

Chùa Ngọc

Chùa Ngọc ở Chùa Tam Chúc

Chùa Ngọc được đặt trên đỉnh núi Thất tinh nằm ở cao độ 168m so với mực nước biển trên trục thần đạo. Chùa Ngọc có chiều cao 15m, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá Granit đỏ được các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt tháp đá theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam.

Chỉ có một con đường duy nhất để lên tới Chùa Ngọc khi leo qua 299 bậc đá, Chùa Ngọc có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2; trong tháp đặt một pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.

Điện Tam Thế

Điện Tam Thế nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển trên trục thần đạo; Điện Tam Thế có 03 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam. Điện Tam Thế xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ.

Với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m2, diện tích tầng hầm: 2.200m2, tại điện Tam Thế có thể giúp cho 5.000 Phật Tử có thể hành lễ cùng một lúc.

Điện Tam Thế

Bước qua hàng cửa gỗ chạm lộng tinh xảo của tòa Điện Tam Thế, hòa mình vào một không gian vô cùng rộng lớn, phía trước là ba pho Tam Thế hiện thị cho Quá khứ, hiện tại và vị lai. Bất kỳ ai cũng cảm thấy không khí bình yên, tĩnh lặng.

Điện Pháp Chủ:

Trước Điện Tam Thế là Điện Pháp Chủ nằm trên trục thần đạo, có 02 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam. Điện Pháp Chủ xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ.

Điện Pháp Chủ có chiều cao 31m, diện tích sàn 3.000m2. Tại đây thờ 01 pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, pho tượng nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác; và có 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.

Điện Quan Âm:

Điện Quan Âm với chiều cao 30.5m, diện tích sàn 3.000m2, diện tích tầng hầm: 1.800m2. Điện Quan Âm thờ 01 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, pho tượng nặng 100 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác; và có 8.500 bức tranh về các câu chuyện về Đức Phật do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.

Điểm nhấn của Điện Quan Âm là 4 bức tranh đá khổng lồ bao phủ toàn bộ diện tích 4 bức tường, nói về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát rất gần gũi với người dân Việt Nam. Trung tâm của các bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa Cổ như Chùa Phật Tích, Chùa Hương: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Quá Hải và Quan Âm Tống Tử. Đây là 4 bức tranh đặc biệt trên nền phong cảnh thiên nhiên đẹp như thơ của Tràng An và Tam Chúc.

Cổng Tam Quan Nội:

Sau khi du khách đi thuyền từ Nhà Đón Tiếp theo hồ Tam Chúc với điểm đến sẽ là khu tâm linh, bước lên bến thuyền là Cổng Tam Quan. Cổng Tam Quan nằm ở trên trục thần đạo, có ba lối vào thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam. Cổng Tam Quan mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm có “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”, thể hiện cái sắc (giả), cái không (Vô thường) và trung dung của cả hai. Cổng Tam Quan được xây dựng trên hệ thống cọc khoan nhồi vững chắc, có 03 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam.

Cổng Tam Quan có kết cấu khung cột, mái cong toàn bộ bằng bê tông cốt thép được sơn giả gỗ, với chiều cao 28,8m, diện tích sàn tầng 1: 1.958m2, diện tích sàn tầng 2: 1.200m2, diện tích sàn tầng 3: 400m2.

Bến Thuyền:

Chùa Tam Chúc

Bến thuyền là nơi tập trung thuyền, đò di chuyển từ Nhà đón tiếp qua lòng hồ Tam Chúc khoảng 3,5km đến khu du lịch tâm linh, gồm: 18 bậc đá nguyên khối, dài 150m.

Quần thể chùa Tam Chúc được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu du lịch tâm linh đầy tiềm năng.

Chùa Tam Chúc

Chiếc vạc Phổ Minh ở Sân điện Tam Thế

Vạc Phổ Minh đặt trên sân Điện Tam Thế với những bức tranh miêu tả di tích, thắng cảnh

Chùa Tam Chúc

Đi dọc chùa Tam Chúc, có một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là không có cảnh ăn xin của những người khuyết tật hay cảnh xả rác bừa bãi của du khách, người đến tham quan như vẫn thường thấy ở những chùa khác, nhất là mùa lễ hội. Điều đó phần nào cho thấy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương cũng như Ban quản lý chùa Tam Chúc trong việc ổn định đời sống người dân cũng như ngăn chặn các trường hợp giả làm người khuyết tật ở chùa mà ta thường xuyên bắt gặp.

Với những giá trị đang có và không ngừng được đầu tư, phát triển, chùa Tam Chúc đang là nơi tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng, tìm hiểu về đạo Phật được nhiều người quan tâm và tìm đến.

“Ngày 12-14/5/2019 vừa qua, tại chùa Tam Chúc đã diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.  Đại lễ với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu chính thức, trong đó có 570 đoàn quốc tế, 8 đoàn nghệ thuật quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là đại lễ có sự tham dự nhiều nhất các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Liên Hợp quốc đã cho thấy uy tín và vị thế Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế”.

N. Hương

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top