Hôn nhân cận huyết – Hệ lụy khôn lường

(ĐHVO). Hôn nhân là sự tự nguyện của cả người nam và nữ, là kết quả của tình yêu mà con người luôn hướng đến. Pháp luật nước ta cũng rất tôn trọng quyền tự chủ trong hôn nhân nhưng cũng không vì thế mà buông lỏng, mặc kệ hậu quả xấu xảy ra. Vì vậy, việc nghiêm cấm kết hôn giữa những người có dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời là điều tất yếu.

Như thế nào là hôn nhân cận huyết?

Mặc dù hiện tại chưa có khái niệm nào giải thích cụ thể về hôn nhân cận huyết nhưng ta có thể hiểu đó là hôn nhân giữa những người có “huyết thống gần”, giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Tại Khoản 17, 18, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định:

“17. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

18. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”

Những người từ đời thứ tư trở đi mới được pháp luật cho phép kết hôn với nhau.

Hậu quả của hôn nhân cận huyết

Những trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Thực tế y học đã chứng minh  hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị  dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt  là bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia (Thal). Trẻ em sinh ra do hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh  máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình  thường khác.

Đối với bệnh tan máu bẩm sinh (Thal), tất cả các cặp vợ chồng mang gen bệnh sẽ gây bệnh cho tất cả các con ở các thế hệ tiếp theo với những dấu hiệu đặc trưng như da xanh xao, mũi tẹt, bụng phình to, khuôn mặt bị biến dạng và có nguy cơ tử vong khá cao nếu không được điều trị đúng cách. Có trẻ xuất hiện các triệu  chứng trên ngay sau khi sinh, nhưng  cũng có trẻ có biểu hiện khi 1-2 tuổi  và có người chỉ phát hiện bị bệnh  sau khi làm xét nghiệm gen.

Đối với bệnh Hemophilia (rối loạn chảy máu do di truyền) thì người mẹ mang gen bệnh  chỉ truyền cho con trai và con gái mang gen  lặn với biểu hiện dễ nhận biết nhất là chảy  máu nhiều hơn và lâu hơn bình thường. Cả  hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người  bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống  bình thường.

Hôn nhân cận huyết là nguyên nhân gây suy giảm giống nòi, làm giảm chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thực tiễn và giải pháp nhằm hạn chế hôn nhân cận huyết

Tại Việt Nam, hôn nhân cận huyết gần như chỉ còn diễn ra ở các vùng dân tộc thiểu số – nơi mà phong tục còn cổ hủ, lạc hậu. Có những dân tộc thậm chí còn cho con cái của họ lấy nhau để “giữ của”, không muốn có người khác vào sử dụng tài sản của họ. Hoặc thậm chí, họ để cho con mình lấy con của anh, chị, em trong gia đình với mục đích “thân càng thêm thân”, “Nước tốt không chảy vào ruộng người”. Chính vì tư tưởng lạc hậu đó mà đến nay vẫn có rất nhiều trẻ em bị bệnh bẩm sinh, bị khuyết tật ra đời.

Mặc dù nhà nước thường xuyên tuyên truyền, phố biến pháp luật trên báo, đài, trên các phương tiện đại chúng nhưng tất nhiên không phải ai cũng xem và nghe được. Thậm chí họ có biết nhưng lại không hiểu được. Ở các địa phương, cán bộ còn phải lặn lội đến từng gia đình một, giải thích, khuyên nhủ, động viên để giảm thiểu tình trạng này. Thế nhưng đúng là “phép vua còn thua lệ làng”, họ mặc kệ nhà nước, mặc kệ pháp luật, vẫn kết hôn, sinh con, thậm chí là sinh “rất” nhiều con.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận tác dụng của việc tuyên truyền đã làm giảm tình trạng hôn nhân cận huyết. “Mưa dầm thấm lâu” và dần chính bản thân họ cũng nhìn thấy được hậu quả khi con họ sinh ra không được lành lặn, không thông minh như những đứa trẻ khác.

Rõ ràng hôn nhân cận huyết là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng Đảng và nhà nước ta cũng nhận thấy vấn đề khó khi đối tượng bị xử lý chủ yếu là những người dân tộc thiểu số, chữ còn không biết huống gì là pháp luật. Vì thế, họ đã vận dụng khéo léo giữa các biện pháp tuyên truyền, động viên, thuyết phục với xử phạt để đạt được hiệu quả tối ưu.

Việc đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống sẽ xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Góp phần quan trọng, trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi và nâng cao chất lượng dân số bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top