Thực trạng du lịch tiếp cận dành cho người khuyết tật

(ĐHVO) Người khuyết tật (NKT) hiện chiếm tỉ lệ 10% dân số thế giới. Họ có đầy đủ quyền bình đẳng trước mọi cơ hội. Người khuyết tật cũng như tất cả mọi người đều có nhu cầu rất lớn về du lịch. Bởi vậy, du lịch tiếp cận cần được phát triển một cách quy mô và phổ biến nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của NKT.

Du lịch tiếp cận trên thế giới

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch tiếp cận là nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo mọi điểm đến du lịch, sản phẩm, dịch vụ đều có thể tiếp cận với mọi người, bất kể những hạn chế về thể chất, khuyết tật hay tuổi tác của họ, bao gồm các địa điểm và dịch vụ công cộng lẫn các dịch vụ tư.

Tại hầu hết các quốc gia phát triển, mọi tiện nghi công cộng như đường đi bộ, bậc thang lên xuống tàu điện ngầm, lối qua đường, bậc lên xuống phương tiện giao thông, nhà vệ sinh với các thiết bị đặc thù… đều được thiết kế cho người khiếm thị, người đi bằng xe lăn có thể sử dụng và di chuyển được bình thường như tất cả người khác. Do đó, khách du lịch là NKT sử dụng rất thuận tiện.

Tại Morbihan – (vùng Bretagne – Pháp) , nơi có những bãi tắm đáp ứng khả năng tiếp cận cho NKT. Tại đây, hai người  giúp NKT lên và xuống biển, ở đó có các thiết bị trợ giúp cho NKT có tên là “Tiralo” – những chiếc ghế với các bánh xe lăn được trên cát và đưa NKT xuống được dưới nước.

Du lịch tiếp cận cho NKT

Du lịch tiếp cận cho NKT (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Ở Vannes, người ta cũng đã bắt đầu đưa dịch vụ này vào hoạt động. Một tấm thảm dài khoảng 15 mét đã được trải ra trên bờ biển để xe lăn dễ dàng lăn ra tới mép nước.

Xe lăn sử dụng dưới nước

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ du lịch cũng có riêng những loại xe cỡ lớn chuyên chở cho NKT, có khoang thuận tiện để xe lăn và bậc lên xuống thuận tiện hoặc có thể di chuyển cả xe lăn vào trong khoang chính của xe. Tại các điểm tham quan du lịch, các bãi tắm… đều có đầy đủ tiện nghi thuận tiện phục vụ NKT.

Thực trạng du lịch tiếp cận cho người khuyết tật tại Việt Nam

Ở Việt Nam cũng bước đầu tạo thuận lợi cho NKT tiếp cận với ngành du lịch. Luật Người khuyết tật năm 2010 đã quy định: “Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”. Điều 40 của Luật cũng quy định, đến năm 2020, các công trình công cộng như Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; Nhà ga, bến xe, bến tàu; Công trình văn hóa, thể dục, thể thao… phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Việc tiếp cận này cũng sẽ áp dụng với tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội khác vào năm 2025. Các cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.

Du lịch tiếp cận cho người khuyết tật

Du lịch tiếp cận cho người khuyết tật (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Nhằm đạt mục tiêu nói trên, một số cơ sở lưu trú đã làm đường xe lăn, phòng ngủ và nhà vệ sinh riêng cho NKT; tại các sân bay lớn cũng đã có các tiện nghi giúp NKT có thể tiếp cận được. Một số khu nghỉ dưỡng đã quan tâm theo hướng có khả năng phục vụ người già và NKT. Một số công ty du lịch bước đầu phục vụ một số đoàn khách du lịch là NKT.

Mới đây, tại Bảo tàng Quảng Ninh có thiết kế đường dành cho xe lăn với độ dốc vừa đủ, giúp NKT dễ dàng di chuyển thăm quan bảo tàng. Cũng cần kể đến lỗi đi riêng dành cho xe lăn ở bãi biển Mỹ Khê ở khu du lịch Sun World Ba Na Hills, NKT được đón tiếp như những khách VIP, theo lối đi riêng, với chế độ phục vụ, giúp đỡ bất kể lúc nào khi cần.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều điểm du lịch ở nước ta, việc hỗ trợ, tạo sự bình đẳng trong cung ứng dịch vụ cho NKT còn rất nhiều bất cập. Điển hình như Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có đường dốc thoải cho xe lăn, nhưng lại không có thang nghiêng để đưa xe lăn lên tàu tham quan; Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) có phòng vệ sinh cho NKT nhưng cửa vào hẹp và diện tích quá nhỏ; Ga Đà Nẵng có lối đi riêng cho NKT nhưng đường quá thấp so với cửa toa tàu…. Và còn rất nhiều khách sạn, nhà hàng ở những điểm đến nổi tiếng không thân thiện với NKT, khiến nhiều người phải suy ngẫm. Nhiều công trình xây dựng mới vẫn chưa tuân thủ theo Quy chuẩn xây dựng tiếp cận với lý do là không có kinh phí dành cho phần việc này. Những biện pháp chế tài lại chưa được thực thi mà mới chỉ dừng lại ở giải pháp tuyên truyền, vận động.

Du lịch “bỏ rơi” người khuyết tật???

Du lịch “bỏ rơi” người khuyết tật??? (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Không chỉ hạn chế về hạ tầng du lịch, rào cản đối với du lịch tiếp cận cho NKT còn tới từ nhận thức của cộng đồng. Các công ty du lịch không “mặn mà” với đối tượng khách hàng là NKT, một phần vì phải tăng người hỗ trợ, tăng thời gian, chi phí. Giả dụ các tour du lịch bình thường chỉ cần 1-2 hướng dẫn viên đi theo, nhưng nếu có NKT tham gia sẽ cần thêm nhiều người hỗ trợ. Hơn nữa, do đặc thù khiếm khuyết về hình thể của NKT nên đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu riêng về chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ cho khách khuyết tật. Họ không chỉ hướng dẫn theo một lịch trình có sẵn mà cần nhiều yếu tố như sức khoẻ, sự tận tâm và nhiệt tình. Khi đối tượng khách hàng có những khiếm khuyết về hình thể thì đòi hỏi người hướng dẫn viên phải mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhất là thái độ phải luôn luôn nhẹ nhàng và khéo léo trong ứng xử. Với những khách hàng là người khiếm thính, hướng dẫn viên phải biết thêm cả ngôn ngữ hình thể khi giao tiếp và dẫn giải. Phục vụ người bình thường đã khó, phục vụ cho khách khuyết tật càng khó khăn trăm bề.

Một nguyên nhân khác có thể kể đến là phần lớn NKT ở Việt Nam có thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo. Nếu có mong muốn đi du lịch, họ chỉ có thể lựa chọn những tour du lịch giá thấp và các phương tiện, công cụ hỗ trợ NKT cũng hạn chế.

Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành nói chung và ngành du lịch nói riêng cần có những chính sách quan tâm hơn nữa đến đối tượng khách du lịch “đặc biệt” này. Bởi NKT cũng cần có quyền được hưởng thụ và tận hưởng cuộc sống. Quan tâm đến họ, không chỉ đơn giản là tăng thêm một nguồn thu từ khách hàng tiềm năng mà còn mang đầy tính nhân văn, góp phần xóa bỏ rào cản tiếp cận đối với NKT.

Vương Toàn

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top