Sử dụng phương tiện giao thông đối với người khuyết tật

(ĐHVO) Nhằm đảm bảo sự an toàn cũng như quyền của người khuyết tật trong tham gia giao thông, pháp luật quy định các điều kiện để cá nhân người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông. Điều này được quy định khoản 1 Điều 41 Luật Người khuyết tật 2010 về tham gia giao thông của người khuyết tật.

Phương tiện giao thông cho người khuyết tậtẢnh minh họa (Nguồn: internet)

Xác định phương tiện giao thông cá nhân do người khuyết tật sử dụng phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải phù hợp với điều kiện sức khỏe của người sử dụng.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe gắn máy, xe mô tô) phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định trong quy chuẩn Việt Nam về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy. Đối với xe cho người khuyết tật (NKT) thì phải đáp ứng thêm một số yêu cầu như: nếu động cơ của xe là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc không lớn hơn 125 cm3; chiều dài xe không quá 2,5 m; chiều rộng không quá 1,2 m; chiều cao không quá 1,4 m; khả năng leo dốc lớn nhất của xe không nhỏ hơn 12%; xe phải có ký hiệu xe dùng cho NKT ở vị trí thích hợp để có thể nhận biết dễ dàng; cơ cấu điều khiển hoạt động của xe, cơ cấu điều khiển hệ thống phanh phải phù hợp với khả năng điều khiển của NKT điều khiển xe đó;…

Đối với phương tiện đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển, NKT được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện của họ. Quy định về giấy phép điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do NKT sử dụng phải tuân theo Luật giao thông đường bộ và được đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho NKT.

Ngoài ra, xe dùng cho NKT phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng. Để xe mô tô, xe gắn máy dùng cho NKT được đưa vào lưu hành, sử dụng thì NKT phải thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp biển số xe theo quy định của pháp luật về đăng ký, cấp biển số xe được quy định tại Thông tư liên tịch 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn về việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người khuyết tật.

NKT cũng là một trong những đối tượng được điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Việc quy định về các điều kiện đối với phương tiện giao thông cá nhân dành cho NKT đã giúp NKT có thể tham gia được giao thông, giúp ích rất nhiều cho người khuyết tật trong công việc cũng như cuộc sống.

PV

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top