Báu vật của người đàn bà bán hàng rong ở thành phố Quy Nhơn.

(DHVO). Xưa nay, người ta thường nghĩ hạt ngọc xá lợi (hay còn gọi là xá lị) chỉ có ở các bậc tu hành đắc đạo. Nhưng giữa đời thường lạị có người đàn bà lam lũ, vất vả mưu sinh, khi mất, để lại 21 hạt xá lợi như báu vật, làm xôn xao cả thành phố Quy Nhơn, Bình Định.


Bà Nguyễn Thị Khang bên cạnh con cháu lúc khỏe mạnh ( ảnh anh Hưng- con trai bà cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Khang, sinh năm 1958, quê ở xã Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định. Bà lấy chồng là ông Phạm Ngọc Sơn ở Qùy Hợp, Nghệ An. Ở đây, bà làm công nhân khai thác gỗ, rồi tranh thủ gồng gánh bán hàng rong. Bà vốn sinh ra trong cảnh nghèo khó, lấy chồng làm dâu lại cực khổ trăm bề. Bà lo toan, gánh vác cả gia đình chồng; có khi phải nhịn ăn để nhường các em đang tuổi ăn tuổi lớn.

Ông bà có hai người con. Con trai cả là anh Phạm Ngọc Hưng sinh năm 1983 và con gái  sinh năm 1985. Anh Hưng  tính ngỗ ngược, ham chơi cờ bạc, để lại món nợ lớn. Năm 2004, trước sức ép của nợ nần và sự hư hỏng của con trai, vợ chồng bà phải bán nhà trả nợ cho con, rồi vào Quy Nhơn làm ăn, sinh sống, mong con mình sẽ tránh xa bạn xấu, biết tu tâm sửa tính, làm lại cuộc đời.

Người dân ở tổ 38, KV4, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã quá quen với hình ảnh bà Khang với dáng người nhỏ bé, lam lũ đạp xe bán hàng khắp các ngõ ngách chẳng quản mưa, nắng. Họ rất cảm cảm động bởi lòng tốt của bà. Bà thường giúp đỡ những đứa trẻ nghèo; những người già gặp khó khăn, cơ nhỡ. Tâm niệm của bà lúc nào cũng hướng thiện, hướng Phật. Cứ đến rằm, mùng một là bà lại lên chùa tụng kinh, sám hối và cầu an cho gia đình.

Trên quê mới, anh Hưng đã tiến bộ đến bất ngờ. Anh đã đoạn tuyệt với những thói xấu tật hư, chăm chỉ làm ăn, vun vén cho gia đình. Khi tích lũy được ít vốn, anh mở một công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh công nghiệp, bước đầu ăn nên làm ra. Khi anh Hưng có điều kiện để báo hiếu được cha mẹ, thì phát hiện ra mẹ anh bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối.

Anh Hưng từng đi vái tứ phương, ai mách gì cứu được mẹ là anh làm. Có  phật tử khuyên anh đưa mẹ vào chùa làm lễ quy y, anh cũng sắm sửa lễ cùng quy y với mẹ trong một ngày. Những ngày tháng cuối cuộc đời, bà Khang phải chịu những cơn đau hành hạ, da chỉ còn bọc lấy xương, nhưng bà vẫn một lòng niệm Phật. Anh Hưng thương mẹ, hối lỗi và phát nguyện rằng: đời này mẹ được vãng sinh, thì anh sẽ sống thật tốt, ăn chay niệm Phật cả đời…

Vào ngày mùng 7 tháng 11 năm 2016 âm lịch, như  đã được báo trước ngày giờ mất, bà Khang dặn dò lần lượt các con cháu. Bà ra đi nhẹ nhàng trong tiếng niệm Phật, cùng gia quyến và ban trợ niệm thành phố Quy Nhơn. Đặc biệt trong đám tang của bà Khang không sát sinh, không kèn trống inh ỏi,  mà chỉ có tiếng người niệm Phật.

Sau khi hỏa tang, con cháu trong gia đình bà Khang bất ngờ phát hiện có 21 hạt xá lợi trong hũ tro cốt của bà. Bà con làng xóm biết tin kéo đến xem rất đông, ai cũng bảo “ bà đã về được cõi Tây phương cực lạc rồi”. Chuyện lạ này được lan truyền khắp cả phường Quang Trung đến thành phố Quy Nhơn. Bởi, mọi người đều tin rằng, 21 hạt xá lợi này như báu vật; những vị sư đạt Chính Quả mới tích lũy được những hạt vật chất này trong cơ thể của họ mà người thường không có.

Sau khi chứng kiến sự nhiệm màu và tận tay bảo quản xá lợi của vợ, ông Sơn- chồng bà Khang – đã tin sâu vào Phật pháp. Ông phát tâm ăn chay, cùng con trai tham gia vào ban trợ niệm của thành phố để trợ niệm khi có người mất. Cả họ hàng, bà con luyến thuộc cũng không tin nổi anh Hưng- người con phá gia chi tử năm nào, giờ đã hiếu kính, ăn chay trường và hàng ngày không quên niệm Phật. Anh hiện đang là giám đốc của một công ty vệ sinh công nghiệp Nhà Việt, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công ở Quy Nhơn

Anh Hưng chia sẻ: “ Xá lợi của mẹ tôi để lại là báu vật không chỉ đối với gia đình tôi mà còn đối với tất cả những người hướng Phật. Nhìn xá lợi, giống như mẹ tôi còn tại thế. Và luôn nhắc nhở chúng tôi sống tốt, làm ăn lương thiện và giúp đời, giúp người. Đặc biệt là luôn có lòng tin, chí thành vào Phật pháp và hàng ngày không quên niệm Phật . Trong ban trợ niệm của chúng tôi, có cả những ông, bà đã ở tuổi 80 nhưng nhưng hễ nhà ai có người mất dù là nửa đêm mưa gió, cũng vẫn đi…”

Bà Khang chính là tấm gương cho những người phật tử thuần thành. Là minh chứng cho đức hạnh, tâm chân thật niệm Phật, sống tốt đời đẹp đạo. Cũng bằng tâm chân thật ấy, bà đã cảm hóa được chồng con và những người đang trên con đường tu tập. Ngay cả lúc bà trên giường đau đớn vì bệnh, thân xác bà cũng buông bỏ, chẳng kêu la, chẳng sân si…cứ nhất tâm niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Có lẽ vì đã tường tận mọi cay đắng, ngọt bùi, đã sớm ngộ ra được đạo lý. Nên trước khi đi, bà đã dặn dò con cháu rằng: “ Hãy cứ sống lương thiện, sống bằng tâm chân thật, đừng bon chen, ganh ghét với đời. Cuộc sống giúp được ai thì giúp, chớ có hại ai và phải tin sâu vào nhân quả, Phật pháp. Đó cũng là cách giúp người cứu mình…” .

Tác giả bài viết: Trang Nhung.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top