Tại sao khuyết tật được coi là một vấn đề của xã hội?

(ĐHVO). Từ lâu, khuyết tật đã được xem như là một vấn đề chung của xã hội và cộng đồng đều phải chung tay giải quyết, hỗ trợ các vấn đề của người khuyết tật. Tuy nhiên, không phải tất cả chúng ta đều hiểu lý do tại sao đây là một vấn đề xã hội.

Trước hết, để làm rõ tại sao khuyết tật trở thành một vấn đề xã hội, ta cần hiểu rõ vấn đề xã hội là gì. Trên thực tế, không có khái niệm cụ thể và riêng rẽ nào về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, “vấn đề xã hội” có thể được hiểu là những điều kiện hoặc hành vi có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho một nhóm người hoặc một cộng đồng cần phải được giải quyết bởi sự chung tay của tất cả mọi người trong một xã hội sống. Như vây, từ quan niệm này, có thể hiểu rằng một vấn đề xã hội có hai đặc điểm chính. Thứ nhất, đây là những hành vi có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho cuộc sống hoặc lợi ích của một nhóm người có số lượng lớn. Thứ hai, những hành vi này không thể được giải quyết bằng hành động của những cá nhân riêng lẻ hay một nhóm nhỏ mà cần sự chung sức của tất cả mọi người trong cộng đồng. Trong cuộc sống, có rất nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như tệ nạn xã hội, sự nghèo đói hay các vấn đề liên quan tới giáo dục,… và khuyết tật là một trong số đó.

Khi xét về khuyết tật, ta đều biết rằng đây là những khiếm khuyết có thể xuất hiện trên cơ thể hay trong trí tuệ của một con người. Những khiếm khuyết này có thể được gây ra do nhiều yếu tố khác nhau như bẩm sinh hay do những tai nạn trong quá trình lao động, sinh hoạt. Rõ ràng rằng, sự khuyết tật mang đến những sự bất tiện và khó khăn nhất định đối với những người khuyết tật. Những khó khăn này có thể xuất hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và trong khả năng hòa nhập của người khuyết tật vào cộng đồng. Trong sinh hoạt hằng ngày, tùy theo từng loại khuyết tật của cơ thể mà mỗi người khuyết tật có thể gặp những bất tiện riêng. Cụ thể, đối với những người mù hay những người gặp khuyết tật vận động, họ sẽ khó khăn trong việc di chuyển, đi lại hay thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Đối với những người câm và điếc, họ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp hằng ngày khi không thể sử dụng được ngôn ngữ nói. Người khuyết tật về trí tuệ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề nhận thức. Ngoài ra, người khuyết tật nói chung còn có thể gặp những vướng mắc trong quá trình học tập và đặc biệt là trong tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, hòa nhập là một vấn đề lớn của người khuyết tật. Bởi lẽ, với những khiếm khuyết về ngoại hình, người khuyết tật sẽ có thể có vẻ bề ngoài không bắt mắt hay đôi lúc có khá đáng sợ. Vì lý do này, những người khác trong xã hội sẽ có cái nhìn kỳ thị, thậm chí là sợ hãi và không muốn tiếp xúc với họ. Không chỉ vậy, những cá nhân là người khuyết tật còn có thể bị người khác coi thường hay xúc phạm. Như vậy, có thể thấy rằng, khuyết tật đã mang đến một loạt những hậu quả cũng như tác động tiêu cực đối với những người khuyết tật trong cuộc sống của họ.

“Khuyết tật” được coi là một trong những vấn đề xã hội (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý, khuyết tật không phải trường hợp hy hữu xảy ra trên một vài cá nhân đơn lẻ hay trên một quốc gia, vùng lãnh thổ đơn nhất nào. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, số lượng người khuyết tật vẫn tăng đều hằng năm và vào năm 2019, tổ chức này thống kê được số người khuyết tật trên toàn thế giới là hơn 2 tỷ người, chiếm tỷ lệ gần 30% dân số thế giới. Trong đó, 1,3 tỷ người là người mù và khiếm thị, chiếm tỷ lệ 17% dân số thế giới; 466 triệu người là người tàn tật và người khiếm thính, đại diện cho 6% dân số thế giới; khoảng 200 triệu người bị thiểu năng trí tuệ (IQ dưới 75), chiếm 2,6% dân số thế giới và 75 triệu người cần xe lăn hàng ngày, tương đương 1% dân số thế giới. Những con số này đã cho thấy rằng số người bị khuyết tật trên thế giới không hề nhỏ. Quan trọng hơn, người khuyết tật không thể tự giải quyết các vấn đề của họ mà cần rất nhiều sự trợ giúp từ những phía cộng đồng. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ hay các cá nhân, tổ chức trong việc hỗ trợ người khuyết tật có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, được tham gia giáo dục và có cơ hội có việc làm, thì những người xung quanh người khuyết tật đóng vai trò vô cùng lớn trong việc giúp đỡ họ hòa nhập. Điều này được thực hiện khi chúng ta bỏ đi những ánh mắt kỳ thị, hay những quan niệm sai lệch, khinh thường người khuyết tật. Đồng thời, những tấm lòng cảm thông, sẻ chia là chiếc cầu lớn nhất giúp người khuyết tật có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Do vậy, có thể khẳng định rằng, để xóa bỏ những rào cản đối với người khuyết tật thì cần phải có được sự đồng lòng và cố gắng của tất cả mọi người trong xã hội chứ không phải chỉ từ một vài cá nhân hay tổ chức đơn lẻ.

Từ những phân tích, đánh giá trên, nhận định “khuyết tật” là một vấn đề xã hội là hoàn toàn chính xác và hợp lý. Qua đó, vai trò của cộng đồng đối với việc giúp đỡ những người khuyết tật càng được làm rõ. Chính phủ và mọi người đều cần phải cố gắng hơn nữa để giải quyết được các vấn đề của người khuyết tật, giúp họ có cuộc sống bình đẳng và thuận lợi hơn.

Nguyễn Hoa

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top