Luật sư nói gì về vụ khách hàng đòi Honda Hà Tĩnh bồi thường 15% giá trị xe vì tự ý tháo lắp, sửa chữa ô tô?

Trao đổi quanh vụ khách hàng tố Honda Hà Tĩnh tự ý sửa chữa, thay đổi phụ tùng xe mà không thông báo cho khách hàng, luật sư Nguyễn Hồng Thái Thái-Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp  cho biết, nếu đôi bên không thỏa thuận được, bên thiệt hại hoàn toàn có thể kiện bên kia ra tòa để đòi quyền lợi.

Trước đó, như Thương Trường đã thông tin trong bài viết Honda Hà Tĩnh tự ý sửa chữa, thay thế phụ tùng xe của khách vào 28/6 chị Nguyễn Thị Như, (Công ty cổ phần Kỹ nghệ Hải Âu, Hà Tĩnh) đã mang chiếc xe Honda Jazz đến Đại lý Honda Hà Tĩnh để sơn sửa lại. Đến ngày 1/7, chị Như đến lấy xe theo lịch đã hẹn trước đó. Và khoảng 10 ngày sau sơn sửa tại đại lý này, chị Như tá hỏa phát hiện ra, chiếc xe không còn nguyên bản, nhiều bộ phận đã bị sơn sửa lại, thậm chí, một số thiết bị còn bị thay mới.

Cụ thể, nẹp bạc crom trước của xe đã bị thay mới, phần đầu nắp capo bị móp và có dấu hiệu làm lại, két nóng điều hòa nhiều chỗ bị móp, xước và có vết hàn, mép dưới cản trước, biển số cũng bị xước, đầu xe thì thụt vào khoảng 1cm. Đặc biệt, hệ thống camera hành trình của ô tô những ngày nằm xưởng đều bị xóa hết.

Luật sư nói gì về vụ khách hàng đòi Honda Hà Tĩnh bồi thường 15% giá trị xe vì tự ý tháo lắp, sửa chữa ô tô?

Chiếc xe Honda Jazz có biển 38A-194.80 tại gara Honda Hà Tĩnh.

Quá bức xúc, chị Như đã đến Đại lý Honda Hà Tĩnh để đối chất. Tại đây, nhân viên của đại lý này thừa nhận, trong quá trình sửa chữa không may để xảy ra va quệt và đã tự ý thay đổi phụ tùng mà không thông báo cho chủ xe biết.

Vì những thay đổi nghiêm trọng này, phía Công ty cổ phần Kỹ nghệ Hải Âu (viết tắt là Công ty Hải Âu) đã làm đơn đề nghị Honda Hà Tĩnh thay mới hoàn toàn các bộ phận bị sửa chữa, đặc biệt phải bồi thường thiệt hại do hao mòn giá trị bằng 15% giá xe (93.600.000 đồng).

“Chiếc xe này chúng tôi mua được khoảng 9 tháng, ít khi sử dụng nên nó gần như mới hoàn toàn. Tôi thực sự bức xúc khi chiếc xe đang mới nguyên, chỉ mang đi sơn lại nhưng nhận về là chiếc xe bị sửa chữa khắp nơi. Đáng thất vọng hơn, họ tự ý sửa chữa, thay thế mà không có bất cứ thông báo nào đến công ty chúng tôi.

Giả sử nếu chúng tôi không phát hiện ra những thay đổi này, thì Honda Hà Tĩnh có thừa nhận lỗi sai, hay cứ im lặng? Hơn nữa, việc thay đổi có thể khiến chúng tôi gặp nguy hiểm đến tính mạng. Điều này cho thấy Honda Hà Tĩnh không tôn trọng khách hàng, coi thường đến sự an toàn tính mạng của chúng tôi. Trong hãng mà thế này thì tôi còn biết đi đâu sửa xe? Niềm tin lấy dâu ra nữa? Vì vậy, việc yêu cầu bồi thường 15% khấu hao xe của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý. Nếu Honda Hà Tĩnh không thiện chí, chúng tôi sẽ kiện đến cùng”, chị Như nói.

Được biết, sau khi nhận được phản hồi của chị Như, Honda Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra và thừa nhận sai sót khi tự ý sửa chữa, thay đổi các bộ phận xe mà không thông báo cho khách hàng. Đơn vị này đã đề xuất phương án giải quyết là thay mới hoặc sửa chữa những chi tiết hư hỏng, đồng thời tặng gói bảo dưỡng 10.000 km miễn phí và gói kiểm tra xe miễn phí trong vòng một năm cho xe của chị Như. Về phía yêu cầu bồi thường 15% khấu hao tài sản trên xe 38A – 19480, theo Hoda Hà Tĩnh đề nghị này không hợp lý.

 

Luật sư nói gì về vụ khách hàng đòi Honda Hà Tĩnh bồi thường 15% giá trị xe vì tự ý tháo lắp, sửa chữa ô tô?

Nhiều bộ phận của xe bị sửa chữa và thay mới.

Trao đổi với phóng viên Thương Trường, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật Hồng Thái và Đồng Nghiệp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. “Trước hết, việc làm của Honda Hà Tĩnh khi tự ý làm thay đổi, sửa chữa tài sản là hoàn toàn có dấu hiệu lỗi, gây thiệt hại cho Công ty Hải Âu nên Công ty Hải Âu có đủ căn cứ để yêu Honda Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại”, luật sư Thái nói.

Trao đổi về mức bồi thường thiệt hại, theo luật sư Thái, cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận trên cơ sở lợi ích của hai bên. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, pháp luật cho phép hai bên tự hòa giải và thống nhất với nhau về việc bồi thường.

“Tuy nhiên cần lưu ý, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ. Nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản phải căn cứ thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Nên nếu Công ty Hải Âu yêu cầu bồi thường 15% giá trị của xe cần được chứng minh, làm rõ mức thiệt hại thực tế”.

Về việc khởi kiện, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.” Theo đó, nếu hai bên không thống nhất được mức bồi thường thì hoàn toàn có thể đưa đơn kiện lên Tòa án để được giải quyết.

An Vũ/Thuong Trường


Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top