Sách – Người bạn, người thầy vĩ đại

(ĐHVO). Trong cuộc sống, sách đồng hành bên chúng ta như một người bạn tri âm tri kỷ. Có thể nói sách là người thầy dạy cho ta biết đâu là điều hay lẽ phải, đến với những giá trị nhân văn cao cả, là người bạn gần gũi cùng sẻ chia bao niềm vui nỗi buồn. Và giờ đây sách còn là sợi dây kết nối, gắn kết những tấm lòng tràn đầy yêu thương, giữa những trái tim cùng chung nhịp đập.

Từ lâu đọc sách đã trở thành nhu cầu thiết yếu, một nét văn hóa đẹp luôn được duy trì và không ngừng phát huy. Bởi lẽ ấy mà ngày 21/4 – Ngày sách Việt Nam hằng năm lại mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt với những người yêu sách. Đây là dịp để chúng ta tạm gác lại cuộc sống vất vả lo toan, cho phép bản thân được một ngày sống chậm lại để tận hưởng những trang sách mới. Dẫu xã hội ngày càng hiện đại với những thiết bị thông tin tiến tiến, ta vẫn thấy sách ở muôn nơi. Từ nơi trường học, góc phố, nơi xóm làng hay ở ngay dưới gốc bàng gốc phượng, ta vẫn dễ bắt gặp những gương mặt say sưa bên trang sách. Và tuyệt biết bao, khi sự khiếm khuyết của cơ thể, sự thiệt thòi đau đớn của tật nguyền cũng không thể ngăn cản được con người đến với sách. Chính bởi tình yêu sách cùng ý chí nghị lực mà giờ đây, đã có biết bao nhiêu thư viện tại gia được mở, tạo sự gần gũi và thuận tiện để sách được chạm tay biết bao bạn đọc.


Thư viện tại gia đã trở thành một hình thức thực hiện văn hóa đọc đang ngày càng phổ biến trên mọi miền tổ quốc. Hưởng ứng phong trào đó, ở quê hương Thái Bình đã có nhiều tấm gương tật nguyền nghị lực, dũng cảm vượt qua mặc cảm của bản thân, mang trong mình lý tưởng cao đẹp cùng nhiều tấm lòng hảo tâm đã chung tay lập nên cộng đồng thư viện. Đến đây, ta không thể không kể đến anh Đỗ Hà Cừ – chủ không gian đọc Hy Vọng. Suốt 37 năm chỉ nằm một chỗ bởi ảnh hưởng của chất độc màu da cam, anh đã cố gắng hết mình để lan tỏa nghị lực sống và niềm đam mê sách. Với sự giúp đỡ của gia đình và các tổ chức, ngày 24/07/2015, Không gian đọc Hy Vọng của anh ra đời. Không chỉ thành lập và tự quản lý không gian đọc của riêng mình, anh còn cảm thấy đọc sách mang lại ý nghĩa rất lớn, đặc biệt với người khuyết tật. Chính vì lẽ đó mà anh đã lập nên dự án “Thành lập tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý” để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ với mình. Anh còn giúp họ kêu gọi quyên góp sách và hướng dẫn phương pháp quản lý không gian đọc cũng như đôn đốc hoạt động của họ hàng tháng. Hành động tích cực và cao đẹp của anh đã góp phần mở đường phát triển cho văn hóa đọc.


Dưới sự phát động của anh Cừ, phong trào đọc sách được hưởng ứng sôi nổi, với sự xuất hiện của những Không gian đọc đa dạng quy mô lớn nhỏ được quản lý bởi người khuyết tật. Đó là Không gian đọc Niềm Tin, hiện đang được quản lý bởi chị Nguyễn Lan Hương. Cùng cảnh ngộ với anh Cừ, ngay từ khi ra đời, cuộc sống của chị đã gắn liền với xe lăn, quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ. Tuy vậy, bởi tình yêu mãnh liệt với sách, chị quyết tâm thực hiện ước mơ có một thư viện sách cho mình và các bạn cùng sở thích. Ban đầu, thư viện của chị được hỗ trợ 500 đầu sách, sau đó chị mua thêm dần, cộng với một số độc giả mang đến tăng và các nhà hảo tâm từ khắp nơi ủng hộ, số lượng sách của “KGD NIềm Tin” ngày càng phong phú. Đến nay, thư viện đã có trên 2000 đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Không gian đọc thu hút rất nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi, mỗi ngày có khoảng 20-30 độc giả đến thư viện khiến cho căn phòng nhỏ trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn. Mặc dù phải ngồi một chỗ và nói chuyện nhưng chị lúc nào cũng tươi cười chào đón mọi người. Rõ ràng, sách không chỉ đồng hành mà còn là động lực giúp những người như chị Hương làm những hành động cao đẹp.


Hay ta còn biết đến không gian đọc An Lạc được quản lý bởi chú Bùi Văn Hảo tại thôn An Lạc, xã An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Dù đã bước sang tuổi xế chiều, lại không được may mắn như bao người, nhưng ngọn lửa đam mê với những trang sách của chú vẫn luôn rực cháy. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như giá trị cao đẹp mà sách mang đến cho con người về cả mặt vật chất và tinh thần, ngày 24/01/2021, Không gian đọc An Lạc được ra đời trong niềm vui hân hoan của biết bao bạn bè gần xa. Đến nay đã hơn ba tháng kể từ ngày khai trương, Không gian đọc dần trở thành điểm đến của nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Hình ảnh của bao bạn học sinh cứ chiều chiều lại ghé qua và hỏi mượn sách vừa là niềm vui tinh thần nho nhỏ của chú Hảo, vừa góp phần làm ngôi nhà cuối xóm nhộn nhịp hẳn lên. Mong rằng chú sẽ luôn khỏe mạnh, luôn tràn đầy nhiệt huyết để những trang sách được chạm tay đến bao bạn đọc.

Bước đến miền quê Hưng Hà, ta không thể không kể đến Không Gian đọc Ước Mơ hiện đang được quản lý bởi chị Trần Thị Mượt. Dẫu phải chịu bao thiệt thòi, quanh năm bầu bạn bên chiếc xe lăn, nhưng người con gái nhỏ bé ấy lại có nghị lực phi thường, luôn nỗ lực vươn lên. Với sự giúp đỡ của gia đình, người thân, chị không những biết viết biết đọc mà còn nhen nhóm một niềm đam mê với sách. Chị từng chia sẻ “Chị yêu sách và còn mong muốn mang sách đến với những bạn nhỏ ở nơi quê nhà, để các bạn không còn phải vất vả tìm đến những điểm đọc xa xôi”. Và cũng nhờ niềm khao khát ấy mà Không gian đọc Ước Mơ ra đời. Đúng như cái tên đầy ý nghĩa ấy, cuộc đời chị như bước sang trang mới luôn tràn ngập niềm vui. Chị vui vì giúp đỡ bao bạn nhỏ có cơ hội được biết đến sách, góp phần làm giàu thêm văn hóa đọc trên mảnh đất quê hương.


Giống như chị Mượt, tôi chợt nhớ đến một người con gái “nhỏ nhưng lại có võ”, đó là chị Tô Lan Phương. Dẫu thể chất không được khỏe mạnh như bao người nhưng ông trời lại ban cho chị sự năng động nhanh nhẹn cùng tấm lòng bao dung, luôn muốn mang sức lực nhỏ bé của cá nhân mình để đóng góp, làm giàu cuộc sống. Hiện chị đang tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, kêu gọi mọi người cùng chung tay tổ chức các hoạt động giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ vùng xa. Bên cạnh đó, chị cũng ý thức được sách đã làm thay đổi cuộc đời chị nhiều đến nhường nào. Vì vậy chị đã thành lập nên Không gian đọc Lan Phương tạo cơ hội được đọc, được học cho biết bao bạn trẻ và góp phần lan truyền văn hóa đọc đến muôn nơi.

Và còn rất nhiều không gian đọc khác đang không ngừng phát triển như Không gian đọc Ngọn Nến Hồng, không gian đọc Hoa Hướng Dương, Không gian đọc Lê Mừng,… – những mái ấm đong đầy tri thức được chăm chút bởi những con người có nghị lực phi thường.


Không chỉ trên mảnh đất quê hương Thái Bình, mà văn hóa đọc còn được hưởng ứng và lan truyền đến bao tỉnh thành của đất nước ta. Đó là Không gian đọc Vũ Long, được quản lý bởi em Trần Vũ Long tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Dẫu chỉ là cậu bé 9 tuổi nhưng em đã phải trải qua bao khó khăn đau đớn với một tuổi thơ không vẹn đầy như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhờ có sự giúp đỡ của mẹ, người luôn sẵn sàng làm đôi chân đưa em đến muôn nơi, Long đã luôn ý thức rèn luyện bản thân mình, ham học hỏi, say mê đọc sách và quyết định thành lập ra một không gian đọc tại gia đình. Đó cũng là cầu nối giúp em quen được nhiều bạn, cùng các bạn chia sẻ tri thức. Hiện nay, không gian đọc đã có đến hàng ngàn đầu sách, nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Qua đó ta thấy được sự quan tâm của cộng đồng đến việc bồi dưỡng tri thức thông qua việc đọc sách cũng như sự cố gắng trong việc duy trì văn hóa đọc ngày một phát triển.


Hãy đến với mảnh đất Hà Tĩnh, ta còn biết đến anh Lê Thái Bình – một chàng trai khuyết tật nhưng lúc nào cũng nở nụ cười tràn đầy niềm tin hy vọng. Có lẽ bởi ý chí phi thường cùng tinh thần luôn lạc quan trong cuộc sống, anh may mắn được ông trời ban cho một mái ấm gia đình cùng thiên chức cao đẹp của một người cha. Dẫu đã có một cuộc sống yên ấm nhưng anh luôn ý thức nối tiếp truyền thống “lá lành đùm lá rách” “lá rách ít đùm lá rách nhiều” và thành lập nhóm Hướng thiện từ trái tim giúp đỡ bao mảnh đời bất hạnh. Đặc biệt, anh cũng thành lập một Không gian đọc cho mình và mọi người xung quanh. Anh chia sẻ: “Mọi người quanh tôi ai cũng phải lo toan kiếm sống, họ không có nhiều tiền để mua sách. Trẻ em ở đây ngoài sách giáo khoa cũng không có cơ hội được tiếp cận loại sách khác”. Với suy nghĩ đó, anh đã mở ra tủ sách “Không gian đọc Thái Bình”. Sau hơn một năm hoạt động, tủ sách đã kết nối được gần 2.500 đầu sách phục vụ cho gần một nghìn độc giả, khơi dậy văn hóa đọc cho hàng trăm người nông dân, nhất là trẻ em ở nông thôn. Qua việc làm ý nghĩa đó, anh muốn mọi người có cơ hội đọc những cuốn sách hay, có giá trị với đời sống và công việc làm ăn.


Chúng ta không chỉ cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn cả sự tự hào, lòng biết ơn cảm phục những con người nghị lực phi thường. Họ tàn nhưng không phế, luôn mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp và niềm khao khát được lan tỏa văn hóa đọc, mang tri thức đến mọi miền tổ quốc.

Nguyễn Hồng Ngọc – Ban Truyền thông CLB Không gian đọc Hy Vọng

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top