Quy định về trợ cấp cho người Khuyết tật

(ĐHVO). Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận trên cơ thể biểu hiện ở nhiều dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng lao động, khiến cho lao động, làm việc, sinh hoạt học tập gặp nhiều khó khăn. Hằng năm nhà nước có chính sách phân bổ ngân sách và chính sách cho người khuyết tật để có chế độ hỗ trợ họ phát huy được khả năng trong điều kiện cho phép.

Ảnh Internet

Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật người khuyết tật đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

  • Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45, Luật người khuyết tật.
  • Người khuyết tật nặng.

Ngoài đối tượng người khuyết tật được xét hưởng trợ cấp xã hội có thêm đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng theo Khoản 2, Điều 44 Luật người khuyết tật có:

  • Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
  • Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Người khuyết tật quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình.

Căn cứ vào Điều 16, Nghị định 28/2012/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật.

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được tính như sau: 270.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số:

  • Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em;
  • Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng;
  • Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi hoặc trẻ em.

Trong trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau thì mức hưởng chỉ được tính cho một hệ số cao nhất. Đặc biệt trong thời gian hưởng chế độ trợ cấp xã hội nếu người khuyết tật chết sẽ được hỗ trợ kinh phí mai táng. Nếu người khuyết tật thuộc diện hưởng các mức hỗ trợ chi phí mai táng khác nhau thì được hưởng một mức cao nhất.

Ảnh Internet

Hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

Chế độ trợ cấp của người tàn tật còn quy định mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho thân nhân hoặc người giám hộ của người tàn tật, đang chăm sóc người tàn tật. Hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc được quy định tại Điều 17, Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:

Hệ số tính mức hỗ trợ hỗ trợ kinh phí chăm sóc người tàn tật hàng tháng.

Mức hưởng hỗ trợ hỗ trợ chăm sóc hàng tháng: 270.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số:

  • Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi.
  • Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
  • Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi.
  • Hệ số một (1,0) đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng.

Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất. Nếu cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định 28/2012/NĐ- CP thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định 28/2012/NĐ- CP nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại Khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, người đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19, Nghị định 28/2012/NĐ- CP khi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:

  • Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng.
  • Hệ số ba (3,0) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên.

Với chế độ chính sách trên của Nhà nước phần nào góp phần giúp người tàn tật hòa nhập với cộng đồng tạo điều kiện để cuộc sống của họ ý nghĩa hơn.

Nguyễn Hoa

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top