Nam Định: Người dị tật bẩm sinh chờ chính quyền xác nhận là khuyết tật: đã có kết quả

(ĐHVO). Liên quan đến trường hợp người dị tật bẩm sinh chờ chính quyền xã quan tâm xác nhận khuyết tật, ngày 18/9, bà Nguyễn Thị Hoa đã được hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật (MĐKT) xã Đại An kết luận là bị khuyết tật vận động, mức độ khuyết tật nặng (số điểm chấm là 11 điểm). Kết quả niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Đại An huyện Vụ Bản.

Chiều 22/9, Phòng lao động Thương binh và xã hội huyện Vụ Bản cho biết, ngay sau khi tiếp nhận được thông tin phản ánh trên Tạp chí Đồng Hành Việt Online, ngày 15/9, UBND huyện Vụ Bản đã ra văn bản yêu cầu các cấp ngành liên quan tiến hành rà soát, xác minh, thực hiện các thủ tục liên quan xác nhận khuyết tật cho 2 trường hợp là bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1968 và bà Nguyễn Thị Thành sinh năm 1955 (Địa chỉ: thôn An Duyên, xã Đại An, huyện Vụ Bản).

Ngày 18/9, UBND xã Đại An đã chỉ đạo cán bộ, công chức Lao động TB&XH xuống kiểm tra thực tế đối tượng và hướng dẫn đối tượng làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật theo quy định. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận khuyết tật, UBND xã Đại An đã triệu tập Hội đồng xác định MĐKT, kết quả như sau:

 Bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1968, hội đồng xác nhận bà bị khuyết tật vận động, mức độ khuyết tật nặng (số điểm chấm là 11 điểm). UBND xã Đại An đã niêm yết công khai kết quả tại trụ sở.

Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Thành (1955), căn cứ điểm 4, điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/1/2019 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng đã thực hiện các bước xác định thủ tục khuyết tật đồng thời yêu cầu gia đình cung cấp các thông tin liên quan về bệnh tình của bà Thành, tuy nhiên, gia đình không cung cấp được các giấy tờ liên quan. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Đại An không đủ cơ sở để kết luận xác định mức độ khuyết tật cho bà Thành. Hội đồng đã hoàn tất các thủ tục trình UBND huyện đề nghị chuyển hồ sơ lên hội đồng giám định y khoa.

Ngày 21/9, phòng Lao động TB&XH huyện xuống địa phương, gặp trực tiếp đối tượng, kiểm tra, xác minh kết quả xác định khuyết tật theo nội dung báo cáo của UBND xã Đại An. Phòng Lao động TB&XH huyện Vụ Bản yêu cầu UBND xã hướng dẫn đối tượng làm hồ sơ đúng quy trình, theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/1/2019.

Cuối cùng, khi đã gần 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Hoa, bị dị tật từ khi bẩm sinh, nay đã được chính quyền xã xác nhận khuyết tật. Trường hợp bà Nguyễn Thị Thành (1955), dư luận và gia đình mong chờ một kết quả khách quan, chính xác từ hội đồng giám định y khoa.

Việc phản hồi tích cực từ chính quyền xã Đại An – huyện Vụ Bản, người khuyết tật sẽ được tiếp cận với chế độ chính sách dành cho mình và sẽ được hưởng quyền lợi hợp pháp sau nhiều năm chờ đợi, mò mẫm.

Theo điều 5 Thông tư 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 28/12/2012, quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện, gồm:

1. Hồ sơ khám giám định đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật bao gồm:

a) Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng cư trú.

b) Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trong biên bản ghi rõ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).

Trường hợp đối tượng sống ở Trung tâm nuôi dưỡng phải có giấy xác nhận, trong giấy xác nhận ghi rõ họ tên, tuổi, dán ảnh đối tượng, đóng dấu giáp lai của Trung tâm và Trung tâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đó.

c) Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

d) Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).

2. Trường hợp người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú.

b) Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).

c) Các giấy tờ theo quy định tại điểm c, điểm d, Khoản 1 Điều này.

d) Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

3. Trường hợp có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:

a) Các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

b) Bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác thể hiện qua biên bản, giấy kiến nghị, ảnh chụp, băng ghi âm hoặc các hình thức thể hiện khác.

Trần Hồng

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang