Bến Tre phấn đấu có 30% xã vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Ngày 28/2/2022, UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu có 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, Chương trình giảm nghèo ở Bến Tre luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể các cấp. Qua đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, mô hình giảm nghèo hiệu quả, người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cuộc sống người nghèo đã từng bước được cải thiện. Hệ thống các chính sách về giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện và mở rộng độ bao phủ góp phần giải quyết khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống. Sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự vượt khó vươn lên của một bộ phận người nghèo quyết tâm thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 11.753 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,93%; 13.077 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,27%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 1,5%/năm.

Toàn tỉnh Bến Tre có 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bến Tre có 34.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,5%; trong đó, 17.060 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,26% và 16.996 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,24%. Tỉnh có 32.380 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, chiếm 95,08%; 1.676 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực thành thị, tỷ lệ 4,92%. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Tri 9,13%, thấp nhất là thành phố Bến Tre 1,03%. Toàn tỉnh có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 17% (không có xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 17%), xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là An Hiệp (huyện Ba Tri) với 16,56%. Tỉnh có 03/30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đạt chuẩn nông thôn mới (xã An Nhơn và Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú và xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam).

Trong tổng số 34.056 hộ nghèo và hộ cận nghèo, số hộ thiếu hụt về tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản cụ thể là: việc làm 14.745 hộ, người phụ thuộc (trên 50% tổng số thành viên hộ gia đình) là 11.947 hộ, dinh dưỡng 2.286 hộ, BHYT 23.889 hộ; trình độ giáo dục người lớn 6.291 hộ, trình độ đi học của trẻ em 1.982 hộ; chất lượng nhà ở 5.969 hộ, diện tích nhà ở 3.355 hộ; nguồn nước sinh hoạt 9.079 hộ; hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh 7.657 hộ; sử dụng dịch vụ viễn thông 11.688 hộ, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin 5.338 hộ.

Phân loại nhóm nghèo của hộ, nhóm 1: hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất đai, có lao động tham gia hoạt động kinh tế là 22.525 hộ (chiếm 66,14% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo). Nhóm 2: hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất đai, nhưng có lao động là 2.431 hộ (chiếm 7,14% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo). Nhóm 3: hộ nghèo, cận nghèo bị bệnh tật không thể lao động bình thường được, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội là 9.100 hộ (chiếm 26,72% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Như vậy, nhóm hộ có khả năng thoát nghèo trong giai đoạn 2022 – 2025 là 24.956 hộ (chiếm 73,28% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo). Riêng nhóm 3 là nhóm không thể thoát nghèo, do đó chỉ tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội và vận động nguồn lực xã hội trợ giúp, tạo điều kiện cho hộ có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Về nhu cầu hỗ trợ, tỉnh Bến Tre có 19.972 hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất, đầu tư cây trồng, mua phương tiện sản xuất. Hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề có 11.631 hộ; trong đó tìm việc làm 4.455 hộ, xuất khẩu lao động 772 hộ, giới thiệu việc làm 4.523 hộ, học nghề làm tại địa phương 1.881 hộ. Nhu cầu bồi dưỡng, trang bị kiến thức có 8.410 hộ; trong đó, trồng trọt 2.412 hộ, chăn nuôi 3.381 hộ, thị trường hàng hóa 1.202 hộ, hướng dẫn cách làm ăn: 1.415 hộ.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3% vào cuối năm 2025; 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trong đó, các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đến năm 2025 là phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 150 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top