Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, các Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hà Nội. Cùng với đó, chủ động xây dựng phương án, kịch bản để ứng phó với các tình huống với quyết tâm: Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập.

Kích hoạt mọi biện pháp phòng, chống dịch

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Ngay khi dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, Trung tâm thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hà Nội với mục tiêu nhằm: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có nghi ngờ hoặc xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona tại Trung tâm và địa bàn lân cận.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 1.

Các em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An được bố trí ngồi giãn cách. Ảnh: Mạnh Dũng.

Theo đó, Trung tâm thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch nCoV để kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch. Giao các khoa, phòng nắm bắt tình hình, diễn biễn dịch bệnh tại đơn vị, địa phương để tham mưu cho Giám đốc, báo cáo Bộ và cơ quan có liên quan. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona tại đơn vị. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban chỉ đạo theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Thành viên Ban chỉ đạo bám sát tình hình, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; cập nhật tình hình,  kết quả thực hiện, báo cáo Ban chỉ đạo. “Chúng tôi xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của đơn vị. Theo đó, tập trung, huy động mọi nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ngăn chặn, bao vây, khống chế, xử lý nhanh gọn, dứt điểm, không để dịch lây lan”, ông Lý nhấn mạnh.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 2.Thầy giáo Nguyễn Đức Hạnh hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Mạnh Dũng.

Cũng theo ông Lý, khó khăn nhất là các em nhỏ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ dù được hướng dẫn các biện pháp phòng dịch nhưng vẫn rất hay quên đeo khẩu trang nên các thầy cô, cán bộ Trung tâm phải thường xuyên nhắc nhở các em. Em Hoàng Kiều Duyến (15 tuổi), quê ở Cao Bằng là người dân tộc Tày bị thiểu năng trí tuệ. Hiện Duyến đang được phục hồi chức năng tại Trung tâm. “Covid-19 rất nguy hiểm. Em được các thầy cô hướng dẫn các biện pháp để phòng, chống dịch đó là: Thường xuyên đeo khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung và Khai báo y tế. Các thầy cô còn hướng dẫn, khi đeo khẩu trang phải cầm hai quai, tuyệt đối không sờ tay lên mắt, mũi, miệng”, Duyến chia sẻ.

Ông Lý cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, một số học viên được về gia đình nghỉ lễ. Ngay khi dịp nghỉ lễ kết thúc, dịch Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng, Trung tâm chủ động thông báo cho học viên và gia đình tạm lùi thời gian trở lại Trung tâm điều trị, phục hồi chức năng cho đến khi có thông mới. Cũng theo ông Lý, xác định tuyên truyền đóng vai trò quan trọng hàng đầu nên Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ, nhân viên trong đơn vị hiểu rõ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 3.

Các cô giáo hướng dẫn các em đeo khẩu trang. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đồng thời tránh gây tâm lý hoang mang, lo sợ để đảm bảo hoạt động của đơn vị và đời sống đối với cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Dừng các hoạt động tụ tập đông người. Đặc biệt, các cán bộ, nhân viên Trung tâm thực hiện khai báo y tế thường xuyên, cập nhật hành trình di chuyển của các thành viên trong gia đình đến những vùng có dịch để kịp có phương án phòng, chống dịch hợp lý.

Đồng thời, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An thành lập tổ cơ động kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp ra, vào Trung tâm và xử lý khi có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh. Cấp phát khẩu trang y tế, khẩu trang phòng dịch cho cán bộ, người lao động và tất cả các học viên, bệnh nhân.

Đối với những bệnh nhân nội trú đang ở tại Trung tâm được theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên; điều trị, bồi dưỡng nâng cao thể trạng, sức đề kháng. Phun dung dịch phòng chống dịch bệnh toàn đơn vị; tẩy uể, cọ rửa nhà cửa, dụng cụ… bằng Chloramin B, giặt, phơi chăn màn, quần áo; tạo không khí thông thoáng; khô ráo. “Với phương châm phòng hơn chống. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kịch bản để chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trung tâm đã bố trí khu vực cách ly và sẵn sàng cách ly bệnh nhân nếu có người mắc”, ông Lý nhấn mạnh.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 4.

Hướng dẫn các em học nghề. Ảnh: Mạnh Dũng.

Từ 2/5, cán bộ nhân viên chia mỗi ca trực 21 ngày

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho hay, thực hiện các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Trung tâm triển khai tới các phòng ban, cơ sở và toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 5.

Trung tâm Bảo trợ Xã hội III thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng được nuôi dưỡng ở đây. Ảnh HH.

Theo đó, cán bộ nhân viên làm việc chuyên môn tại phòng, bộ phận nào không đi sang khu vực làm việc của các phòng, bộ phận khác, trừ trường hợp phải thực hiện nhiệm vụ phối hợp công tác theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị. Cán bộ nhân viên không trực tiếp chăm sóc đối tượng tuyệt đối không vào phòng ở đối tượng.

Đối tượng người cao tuổi, trẻ em tại khu nhà ở này không sang khu nhà ở kia, đặc biệt là tại trụ sở chính, đối tượng trẻ em, các cụ không tập trung đông người, không sang khu nhà ở của nhau, trừ trường hợp phải giải quyết công việc cấp thiết theo yêu cầu của lãnh đạo và trường hợp bất khả kháng khác.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 6.

Để thực hiện giãn cách tránh tụ tập đông người, Trung tâm Bảo trợ Xã hội III chia suất ăn để các cụ ăn tại phòng. Ảnh HH.

Các phòng, cơ sở lên phương án về việc phân công cán bộ nhân viên trực giãn cách xã hội 21 ngày tại đơn vị. Toàn đơn vị thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. “Xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch nên cán bộ, nhân viên phân công và chấp hành nghiêm việc phân chia kíp trực 21 ngày tại đơn vị”, bà Hải cho hay.

Bám sát các tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành về công tác phòng chống dịch bệnh, những ngày này, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội nơi quản lý 497 học viên cũng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang cho biết, để đảm bảo an toàn không để dịch bệnh lây lan vào Cơ sở, bắt đầu từ ngày 2/5, mỗi ca trực kéo dài 21 ngày để. Và trong suốt ca trực, luôn đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 7.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thực hiện giãn cách các học viên, đảm bảo khoảng cách an toàn. Ảnh: ĐG.

“Các học viên cai nghiện tại Cơ sở có sức đề kháng kém, nhiều bệnh nền nên việc phòng, chống dịch bệnh luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Cơ sở kích hoạt mọi biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất với mục tiêu không để dịch lây lan vào Cơ sở”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông Giang cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, cơ sở đã dừng việc tổ chức thăm gặp đối với học viên. Cơ sở đã tổ chức cho 100% học viên gọi điện thoại về gia đình. Đây cũng là việc làm nhằm tạo điều kiện cho học viên và gia đình chia sẻ tình cảm, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi thông tin nhằm giúp các thân nhân và học viên yên tâm tư tưởng, tránh gây hoang mang hoặc hiểu lầm về tình hình dịch bệnh. Phòng làm việc, phòng học nghề, học văn hóa, phòng ăn, nghỉ, chỗ làm nghề của cán bộ và học viên khoảng cách tối thiểu là 2m. Thực hiện phun thuốc khử khuẩn 3 ngày/1 lần.

“Bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập” - Ảnh 8.

Các Trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ảnh: ĐG.

Cơ sở yêu cầu cụ thể đối với từng học viên: Thực hiện tốt thông điệp 5K của bộ Y Tế. Thời gian lao động trị liệu của học viên là 4 tiếng /1 ngày, tuy nhiên, do tình hình diễn biến dịch Covid – 19 phức tạp, điều kiện thời tiết nắng nóng nên thời gian làm nghề đã được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với thực tế hàng ngày. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe.

Cùng với đó, Cơ sở quan tâm tăng cường chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn cho học viên. Chẳng hạn như tăng cường chất dinh dưỡng, rau xanh. Cung cấp đủ nước uống, nước sinh hoạt; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bọ và học viên. Đến nay, các Trung tâm bảo trợ xã hội và cơ sở cai nghiện đều thực hiện nghiêm và quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh nói chúng và virus Corona nói riêng. Cứ 2 ngày, các Trung tâm và cơ sở phun hóa chất để khử trùng, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, lắp đặt thêm các vòi và chậu rửa tay, hàng ngày theo dõi tình trạng sức khỏe các bệnh nhân …. Với quyết tâm không để dịch Covid 19 xâm nhập vào Trung tâm và chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

“Chúng tôi kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ thành trì, kiên quyết không để Covid-19 xâm nhập”, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An nhấn mạnh.

Theo Báo Điện tử Dân Sinh

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top