62,9% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực

Tại Việt Nam, số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời.

Đây là thông tin được ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết tại cuộc họp định kỳ mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức ngày 18/4.

Quang cảnh cuộc họp mạng lưới

Phát biểu khai mạc, quyền Vụ trưởng Lê Khánh Lương, thông tin: Tại Việt Nam, số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời. 23,3% phụ nữ từng bị thương tích khi bị chồng/bạn tình bạo lực và những phụ nữ này có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực. Tuy nhiên, có tới 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trọ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ. Nếu xem xét những thiệt hại hữu hình (chi phí trực tiếp và chi phí do bở lỡ công việc) và những thiệt hại vô hình (mất năng suất lao động), thì tổng thiệt hại của nền kinh tế lên tới 1,8% GDP, tương đương 100.000 tỷ.

Ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu khai mạc

Theo quyền Vụ trưởng Lê Khánh Lương: Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

“Chính vì vậy, mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được thành lập với mục tiêu  huy động và kết nối các sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và các luật sư, chuyên gia… hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tạo tiền đề để nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” – quyền Vụ trưởng Lê Khánh Lương, chia sẻ.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền phát biểu tại cuộc họp

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ  Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), cho rằng: Thời gian qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới với trẻ em, phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những thách thức không nhỏ đối với mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Có thể thấy, trên mạng xã hội đăng tải nhiều vụ nghiêm trọng đã đặt cho mạng lưới nhiều câu hỏi là chúng ta cần phải làm thế nào để giải quyết được vấn đề đó. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nạn nhân đã tin tưởng, dám lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ tư vấn trong khi xảy ra các sự việc, vụ việc bảo lực trên cơ sở giới.

“Để kết nối với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khi xảy ra vấn đến liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo các ca bạo lực khi cần được tư vấn, trợ giúp hỗ trợ một cách triệt để và có hiệu quả, các thành viên mạng lưới là đại diện các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức Liên hợp quốc và các chuyên gia, luật sư, nhà báo mỗi người ở một vị trí công việc, công tác khác nhau, cùng phát huy vai trò, tiếng nói để từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất đưa ra chính sách đi kèm, đáp ứng nhu cầu nạn nhân của bạo lực giới và thực sự giải quyết được vấn đề thực tế” – chuyên gia Hà Thị Quỳnh Anh, chia sẻ.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thông tin liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Theo chuyên gia Hà Thị Quỳnh Anh: Thời gian tới, UNFPA đề xuất 2 kiến nghị, đó là: Tiếp tục duy trì mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và xây dựng kế hoạch hành động từng giai đoạn cụ thể; huy động nguồn lực và phân bổ cơ chế giám sát thực hiện đúng nhiệm vụ đặt ra. Tạo cơ sở cung cấp bằng chứng xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương và Trung ương; cơ quan quản lý nhà nước – đơn vị cung cấp dịch vụ. UNFPA sẽ đồng hành cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện cam kết giữa UNFPA với Chính phủ Việt Nam để hướng tới xã hội k có bạo lực.

Tại cuộc họp, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các thành viên mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã cập nhật các hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thảo luận và đề xuất các chính sách liên quan đến các hành vi bạo lực trên cơ sở giới… Đồng thời, thảo luận về cách thức, phương thức và kế hoạch hoạt động năm 2022 của mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Luật sư Bùi Đình Ứng trao đổi tại cuộc họp

Bà Vũ Kim Dung, Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Tư pháp), chia sẻ: Vấn đề bạo lực không phải chỉ xảy ra trong gia đình như bạo lực vợ chồng, cha con mà còn xảy ra ở công sở, cộng đồng; tỉ lệ lao động nữ có lương thấp, vị trí thấp hơn, bị quấy rối nhưng không có khái niệm. Do đó, cần có thêm định nghĩa “định kiến giới”, “phân biệt đối xử”, “bạo lực trên cơ sở giới”… để đưa vào văn bản quy phạm phát luật.

Bà Nguyễn Thị Nga (cán bộ Chương trình UNFPA) đề xuất một số vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới

Còn Luật sư Bùi Đình Ứng (thành phố Hà Nội), cho rằng: Hỗ trợ pháp lý cần làm rõ, muốn nạn nhân được hỗ pháp lý thì trực tiếp phải có nhân viên hỗ trợ… Các trung tâm pháp lý Nhà nước biên chế có hạn, đối tượng nạn nhân bạo lực cơ sở giới không có nghĩa là nạn nhân bạo lực gia đình. Chính vì vậy, mạng lưới cần huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các luật sư (nguồn lực sẵn có) để có thể sẵn sang tham gia hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới…

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top