Tiềm ẩn rủi ro khuyết tật cho khách hàng từ thị trường làm đẹp “Chui”

(ĐHVO). Trong thời gian gần đây, phong trào làm đẹp đang ngày càng “nở rộ”, tuy nhiên vấn đề chi phí cao chính là nguyên nhân nhiều chị em đã bất chấp tìm đến những trung tâm thẩm mỹ không có uy tín để tiết kiệm chi phí. Đánh vào tâm lý đó, hàng loạt spa, viện thẩm mỹ cũng đua nhau ra đời, tự ý thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn cơ thể, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng.

Những con số báo động

Không được cấp phép hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ; Quảng cáo, tư vấn, sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện các dịch xụ xâm lấn cơ thể là những hoạt động đang diễn sôi nổi tại rất nhiều cơ sở Spa chui hiện nay.

Theo Sở Y tế TP.HCM,  năm 2019 toàn thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và hơn 1000 cơ sở chăm sóc da, spa. Con số này chưa dừng lại mà tiếp tục gia tăng chóng mặt khi nhu cầu, lợi nhuận của ngành làm đẹp này quá cao.

Một số trường hợp bị biến chứng sau phẫu thuật cắt mí và tiêm filler mũi. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài những cơ sở được cấp phép thì cũng có nhiều cơ sở không được cấp phép, và liên tục bị người dân phản ánh, thưa kiện. Theo thống kê, tỉ lệ gây biến chứng tại những cơ sở không phép, cơ sở trá hình lại chủ yếu ở các cơ sở spa, chăm sóc da. Những cơ sở này thường vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm thực hiện các dịch vụ không được cấp phép như phun, xăm, thêu thẩm mỹ, hay các dịch vụ như cắt mí, tạo má lúm đồng tiền, hạt gạo, cằm V line, lăn kim tái tạo da mặt… Được gọi chung là dịch vụ làm đẹp xâm lấn cơ thể. Để tăng sự chú ý và thu hút khách hàng, những cơ sở này thường quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, quảng cáo bất chấp, quá sự thật các ca dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện bởi phó giáo sư, nhiều kinh nghiệm; có trường hợp tay ngang không được đào tạo thì biến thành chuyên gia thẩm mỹ, chuyên gia tạo hình phẫu thuật.

Muôn kiểu vi phạm pháp luật

Trên thực tế số lượng các cơ sở thẩm mỹ phát triển nhanh trong một thời gian ngắn đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý cho các cơ quan chức năng. Trong đó khó quản nhất là các loại hình thẩm mỹ như chăm sóc da, spa. Nhiều cơ sở làm đẹp tự ý để bảng biển với tên gọi “thẩm mỹ viện”, “viện đào đạo thẩm mỹ”, “viện làm đẹp”… khiến khách hàng hiểu nhầm các cơ sở này được Sở Y tế cấp phép và đủ trình độ chuyên môn.

Chưa dừng lại ở đó, các cơ sở thẩm mỹ, spa lại tiếp tục mở trung tâm đào tạo cho kĩ thuật viên, tự ý cấp phép chứng chỉ đào tạo của cơ sở gây nhiễu loạn thị trường làm đẹp. Riêng đối với hoạt động dạy nghề và đào tạo nghề liên quan đến thẩm mỹ, đặc biệt là ngành phun, xăm, thêu, điêu khắc, theo Sở Y tế cho biết: Hiện nay chỉ có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu thuộc diện không cần xin giấy phép hoạt động gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế theo quy định. Vậy những spa, viện thẩm mỹ khác thực hiện việc phun, thêu, xăm ai đảm bảo chất lượng an toàn? Thậm chí nhiều cơ sở còn “vượt rào” thực hiện các kỹ thuật như tiêm chất làm đây filler, botox dù không được phép.

Các Spa chỉ được chăm sóc da thông thường nhưng vẫn thực hiện các dịch vụ xâm lấn cơ thể, vượt quá chức năng cho phép

Theo như TS BS. Phạm Cao Kiêm, Trưởng Khoa Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh Viện Da liễu Trung ương cho biết: Các sản phẩm filler, botox nhập khẩu chính thống được Bộ Y tế cấp phép lưu hành thường có giá khá cao, lên đến 10-15 triệu đồng hoặc hơn cho 1cc sản phẩm”. Nhưng giá tại các spa dao động từ 3 -5 triệu đồng. Vậy các loại thuốc “thần thánh” mà những khách hàng đang tiêm vào cơ thể mình có nguồn gốc, xuất xứ đến từ đâu?

Mặc dù báo chí cũng thường xuyên cảnh báo, đưa các thông tin về các spa làm chui. Thay vì tìm đến bệnh viện hay cơ sở thẩm mỹ uy tín, nhiều người lại chọn đến các spa, nơi vốn chỉ có chức năng chăm sóc da, massage, tắm trắng, trị liệu cơ thể bằng nước… để rồi phải chịu hậu quả đáng tiếc.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố y khoa rất nghiêm trọng liên quan đến các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp. Nếu không kiểm soát được việc quảng cáo tràn lan, vượt quá thực tế hiện nay thì thị trường thẩm mỹ sẽ hỗn loạn. Đáng quan ngại hơn, những bác sĩ chân chính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, và bệnh nhân là những người phải gánh chịu tai họa trực tiếp, tiềm ẩn nhiểu nguy cơ rủi ro có thể dẫn đến những khuyết tật cả về tinh thần và  cơ thể rất nghiêm trọng.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ sức khỏe khách hàng khi thực hiện các dịch vụ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Châu Phong

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top