Thủ tục cấp thẻ BHYT cho Người khuyết tật

(ĐHVO). Theo Luật Người Khuyết tật 2010, Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nhà nước thực hiện việc đóng và cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật; tuy nhiên, không phải người khuyết tật nào cũng sẽ được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT.

Căn cứ pháp lý:

Luật Người Khuyết tật 2010;

Luật BHYT 2008;

Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người Khuyết tật;

Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT.

Người khuyết tật được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP,

“Đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT, bao gồm:

[…] Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng;”

Như vậy, không phải tất cả người khuyết tật (NKT) đều được Nhà nước cấp thẻ BHYT, mà chỉ có NKT nặng và NKT đặc biệt nặng mới là đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Vậy dựa trên căn cứ nào để xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật, mời bạn đọc cùng tìm hiểu phần bên dưới.

Người khuyết tật nặng và Người khuyết tật đặc biệt nặng

Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP về xác định mức độ khuyết tật,

“Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.”

Như vậy, pháp luật quy định 3 mức độ khuyết tật: khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng và dựa trên kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Từ đó, có thể thấy, đối tượng người khuyết tật được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT miễn phí bao gồm: người khuyết tật nặng (có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%) và người khuyết tật đặc biệt nặng (không còn khả năng tự phục vụ hoặc bị suy giảm 81% trở lên).

Trình tự, thủ tục cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật:

Trường hợp 1: Đối với NKT nhẹ (không được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT)

NKT nhẹ hoặc gia đình có thể mua thẻ BHYT tự nguyện và được hưởng mức BHYT như người bình thường.

Trường hợp 2: Đối với NKT nặng và NKT đặc biệt nặng (được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT)

Căn cứ Nghị định 146/2018/NĐ-CP,

Theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định này về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bao gồm “Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội.”

Do đó, theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 11 Nghị định này:

“5. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng quy định tại Điều 2; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16 và 17 Điều 3; khoản 1, 2 và 4 Điều 4 và Điều 5 Nghị định này.

6. Danh sách đối tượng tham gia BHYT được lập theo Mẫu số 2 và Mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

Theo đó, đối với NKT nặng và NKT đặc biệt nặng, UBND xã sẽ có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT theo Mẫu số 2 và Mẫu số 3 Phụ lục Nghị định 146/2018/NĐ-CP và gửi lên UBND cấp huyện để cấp thẻ BHYT cho người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Căn cứ Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế 2008, hồ sơ cấp thẻ BHYT cho NKT bao gồm:

– Tờ khai tham gia BHYT của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với người tham gia BHYT lần đầu;

– Danh sách tham gia BHYT do Ủy ban nhân dân cấp xã lập

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ, tổ chức BHYT phải chuyển thẻ BHYT cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia BHYT.

Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật có thể thấy, không phải NKT nào cũng sẽ được Nhà nước đóng và cấp thẻ BHYT mà chỉ có NKT nặng và NKT đặc biệt nặng, tức là NKT có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần; không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới được cấp thẻ BHYT miễn phí. Để đảm bảo quyền lợi của mình, NKT nặng và NKT đặc biệt nặng cần cung cấp thông tin cho UBND cấp xã ở địa phương để thực hiện lập danh sách tham gia BHYT mà không cần thực hiện thủ tục trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top