Thế giới đầy nghị lực của những “người tí hon”

(ĐHVO). Mang trên mình thân hình nhỏ bé, chỉ như một đứa trẻ nhưng những con người ấy vẫn đang từng ngày cố gắng, nỗ lực vươn lên chiến thắng số phận. Họ đã và đang viết nên câu chuyện cổ tích của cuộc đời mình và trở thành những tấm gương sáng khiến mọi người trân trọng, ngợi ca…

Cậu bé Đinh Văn K’Rể, nguồn ảnh Internet

Nhiều năm về trước tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, người ta đồn thổi, bàn tán nhau về sự ra đời của một cậu bé có thân hình dị biệt, không giống với những đứa trẻ bình thường khác. Cậu bé tên Đinh Văn K’Rể, là con thứ 2 trong một gia đình người H’Rê ở thôn. Hơn 5 tuổi, cậu nặng chưa đầy 4kg, cao chưa được nửa mét khiến nhiều người e dè mỗi khi bắt gặp.

Hình hài “đặc biệt” ấy đã khiến cậu chịu nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và hòa nhập với những người xung quanh. Khi bố mẹ đi làm, anh trai đi học, cậu chỉ có thể lủi thủi ở nhà với đàn gà, đàn lợn, khi đói thì khóc, ngã thì tự đứng lên. Cuộc đời cậu bị dân làng gán mác đen đủi, xui xẻo, có người còn nghĩ cậu bé này chỉ sống đến tầm chục năm….

Những tưởng cuộc đời cậu cứ thế trôi qua trong sự lạc lõng, buồn tẻ nhưng sự xuất hiện của một người thầy đã khiến cuộc sống của cậu thay đổi. Là hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, tỉnh Quảng Ngãi, thầy giáo Đinh Văn Cương trong một chuyến đi vận động học sinh dân tộc đi học, thầy đã bắt gặp cậu bé tí hon K’Rể. Nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của cậu, thầy quyết định xin gia đình cậu đón K’Rể xuống núi đi học.

Được học tập tại trường nội trú và nhận được sự chăm sóc tận tình của thầy, K’Rể đã bắt đầu có những thay đổi rõ rệt. Từ một cậu bé nhút nhát, không biết nói, đến nay K’Rể đã tự làm được những việc cần thiết nhất cho bản thân, biết chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa và đầu năm 2018, cậu bắt đầu học những con chữ đầu tiên… Với một cậu bé bị mắc chứng Seckel, người lùn, đầu chim hiếm gặp trên thế giới thì những thay đổi của cậu là cả một sự nỗ lực trong chính nhận thức và ý chí của cậu bé tí hon này. Và nếu không có sự yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ từ thầy Cương thì giờ cuộc đời cậu vẫn đang quanh quẩn với núi rừng, không biết ngày mai ra sao.

Hiện nay, cậu bé đã không còn ở với thầy và có cho mình thêm những gia đình mới nhưng chắc chắn với sự lạc quan cùng sự cố gắng nỗ lực vươn lên từng ngày, cậu bé ấy một ngày nào đó sẽ tự lập, làm chủ cuộc đời mình như những gì mà thầy Cương đã hi vọng ở cậu.

Hoài Thương đang học tập Online, nguồn VOV

Giống như K’Rể, người ta biết tới Hoài Thương bởi thân hình chỉ nhỏ bằng một đứa trẻ, nặng chưa tới 20 kg, đôi chân bị teo, đôi tay khó vận động nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến sự giúp đỡ từ mẹ của mình. Nhỏ nhắn là thế, vất vả là thế nhưng ở Thương luôn bùng lên sức sống mãnh liệt, mang trong mình những ước mơ lớn lao.

Vừa chào đời đã mang nỗi đau của di chứng chất độc da cam khiến sức khỏe của Hoài Thương rất yếu, bố mất sớm nên nhà chỉ còn 2 mẹ con nương tựa vào nhau kiếm sống qua ngày. Là một đứa trẻ ham học hỏi, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc với những con chữ nhưng bằng nỗ lực, ý chí vươn lên cô bé Hoài Thương đã biết đọc, biết viết và trở thành học sinh giỏi suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Được biết Thương luôn xuất sắc đứng đầu lớp trong học tập, còn tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và luôn nhận được sự yêu mến từ thầy cô, bạn bè nhờ tính cách lạc quan, hòa đồng của mình.

Cô bé ngày nào giờ đây đã trở thành một sinh viên đại học hệ đào tạo từ xa của khoa Kế toán, Viện Đại học Mở Hà Nội. Quá trình từ một cô bé khuyết tật ham học hỏi trở thành một sinh viên đại học là cả một con đường dài nỗ lực, trên con đường học tập đầy gian khổ, trông gai ấy, Hoài Thương đã không từ bỏ. Chính sự quyết tâm đã khiến Thương có cơ hội chạm tới ước mơ của mình, trở thành một kế toán viên tài giỏi trong tương lai.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, nguồn ảnh Internet

Nếu như Hoài Thương vẫn đang từng ngày thực hiện hoài bão đặt ra thì thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng đã vượt lên trên số phận, đạt được ước mơ của mình trở thành người thầy của nhiều thế hệ học sinh. Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thiếu hoocmon sinh trưởng nên năm nay đã hơn 30 tuổi nhưng anh vẫn nhỏ hơn nhiều so với người bình thường khác, chỉ cao 1,17m và nặng 19kg. Tuổi thơ đi học  của anh xoay quanh những lời chê bai, mượt thị từ bạn bè, mặc dù gia đình thầy cô luôn tạo điều kiện học tập và quan tâm anh nhưng những lời nói dị nghị vẫn khiến anh trở nên buồn bã và ám ảnh trong một thời gian dài. Nhưng sự không đầu hàng số phận càng khiến anh trở nên mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi nghề dạy học của mình.

Ngoài việc đi làm gia sư anh còn học tin học, làm bảo trì, sửa chữa máy tính kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Có thể nói làm việc tại mảng thiết kế đồ họa cho trung tâm Nghị lực sống do cố hiệp sĩ Công Hùng sáng lập là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Ở trung tâm Nghị lực sống anh đã tự rèn luyện bản thân, học tập kinh nghiệm của những người thầy đi trước để rồi trở thành thầy giáo của các thế hệ sau này.

Lớp học của thầy giáo Hùng chủ yếu là những học sinh khuyết tật, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở lớp, thầy giáo Hùng chính là tấm gương sáng về tài năng, nghị lực sống phi thường mà học trò luôn ngưỡng mộ, noi theo. Sau bao nhiêu vất vả, may mắn đã mỉm cười với anh khi có cho mình một công việc ổn định và một tình yêu bền vững với người vợ cùng cảnh ngộ như anh là chị Lê Thị Diễm My. Câu chuyện vượt lên số phận và tình yêu bền đẹp của thầy giáo Đỗ Mạnh Hùng khiến chúng ta cảm thấy ấm áp và được truyền cảm hứng lạc quan, nỗ lực, biết thêm tin yêu và trân trọng cuộc sống.

Cách chúng ta sinh ra không quyết định cuộc sống của mình. Cuộc đời của K’Rể, Hoài Thương, thầy giáo Hùng và rất nhiều người kém may mắn khác tưởng chừng như không có tương lai, buông bỏ theo số phận nhưng khát vọng sống và phải sống thật ý nghĩa đã bùng lên trong những con người ấy và thành quả mà họ nhận được là xứng đáng cũng như những nỗ lực, phấn đấu trong cuộc đời mỗi người không bao giờ là vô nghĩa.

Mai Hoa

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top