Sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho cộng đồng

(ĐHVO). Hãy cho tôi xem facebook của bạn, tôi sẽ biết bạn là người thế nào!

Có 6 mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu hiện tại gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới – Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Tính riêng mạng facebook thì đến hết tháng 5-2023, Facebook có 2,99 tỉ người dùng – qua đó trở thành mạng xã hội có số tín đồ lớn nhất toàn cầu. Ấn Độ quốc gia vượt mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới cũng hiện là quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với khoảng 314,6 triệu người. Xếp các vị trí tiếp theo là Mỹ, Indonesia với lần lượt 175 triệu và 119,9 triệu người dùng. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với 66,2 triệu tín đồ.

Nhưng với nhiều người, facebook bị đánh giá là “Mất thời gian” “Phức tạp và quá thiếu sự tin tưởng!” …không ít những nhận xét thiếu thiện cảm như vậy về. Có đúng mạng xã hội như vậy không? Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương (Khoa tâm lý học Trường Đại học quốc gia Hà Nội) cho hay: “Một số bạn trẻ ngày nay đã và đang sử dụng mạng xã hội theo phong trào, chưa biết chọn lọc thông tin đúng cách. Việc này cũng gây không ít phiền toái cho người dùng”.

Qua rồi cái thời mà Mark Zuckerberg yêu cầu người dùng facebook phải trên 16 tuổi và phải khai tên thật nên Facebook đã trở thành mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, quá dễ để facebook là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Mạng xã hội là nhịp cầu nối mọi người gần nhau hơn, cùng trao đổi về vấn đề nóng, cùng vui, cùng chơi. Mạng xã hội là nơi để chia sẻ, để kết nối “Mưa có áo, nắng có ô, rồ rồ có Facebook !”. Bạn cho rằng: đăng cái gì từ: Chim, hoa, lá, cá..đến “Ăn khoe phây ngủ đăng phây và cả toilet cũng thể lên phây” hay like cái gì đó là quyền của bạn! Đương nhiên, đó là quyền bạn- không ai có thể ngăn cấm. Nhưng bạn đăng cái gì, like cái gì..tất cả đang “khai” ra: Bạn là ai và bạn sẽ được đối xử đúng với những gì đã đăng hay like đó!

Mỗi một người đều là một “Nhà báo công dân” trên tờ báo facebook.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên sức mạnh của cộng đồng trên các mạng xã hội như câu chuyện “ Người Hà Nội với 6.700.000 cây xanh” , “Con ruồi của Tân Hiệp Phát” hay “ Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung”. Biết thì biết rồi, nhưng làm gì để cũng có được sức mạnh như vậy?

Nhất là khi tiếng nói ấy lại thuộc về những người dễ bị tổn thương vốn chưa dành được nhiều sự quan tâm của cộng đồng?

Trước hết hãy nhìn lại mình, bạn đăng gì, chia sẻ gì là quyền bạn, nhưng người xem nó mới là người phán xử . Tin- ảnh- bài đó có đáng đọc, đáng xem không? Làm gì để họ coi bạn là nguồn thông tin tin cậy hay người dỗi hơi chuyên đăng lăng nhăng và sau đó là thay đổi- Thay đổi để có được sự thu hút của cộng đồng quan tâm đến vấn đề mình đưa ra hãy là “người sử dụng mạng xã hội thông thái” hãy trách nhiệm trước bất kỳ một bức ảnh, một câu status nào mà bạn đăng lên, hãy share khi bạn kiểm chứng được thông tin đó một cách cẩn trọng. Đừng bao giờ “like dạo” hay chia sẻ những thông tin mà bạn chẳng biết rõ, để người khác bực vì chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hãy tập viết những tin ngắn gọn, có đủ yếu tố cấu thành theo công thức 5W1H (What – When – Where – Why – Who – How).

Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông của Bộ Y tế – Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Người lao động thừa nhận “Mạng xã hội tuy hiện tại chưa thay thế báo chí truyền thống, nhưng đang trở lên lấn lướt bởi các tính năng quá mạnh mẽ và ưu việt của nó như: luôn cập nhật tin tức liên tục liên tục với tần suất 24h/ một ngày và 7 ngày một tuần với hình thức phong phú, đa dạng nhất mà người sử dụng có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi với sự tương tác cao nhất mà báo chí truyền thống không làm được!”

Có thể nói mạng xã hội như một đồng xu có 2 mặt: tốt và xấu. Để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất hãy hiểu và phải biết trang bị cho mình các kỹ năng để có thể vận hành một cách hoàn hảo nhất.


Đảm bảo tiếng nói của mọi công dân trong toàn xã hội – Ảnh VSDF

Câu chuyện thành công:

Với nhiều người khuyết tật và không có khuyết tật, Trang fanpage diễn đàn “Tiếng nói người khuyết tật Việt Nam” (VSDF – Vietnam’s speak up disability forum) không còn quá xa lạ nữa, cho dù fanpage được thành lập chưa đầy 5 năm, nhưng vào thời điểm hiện tại số thành viên đăng ký trang đã xấp xỉ 7 ngàn người. Trong 5 năm hoạt động Trang đã dành được những thành công hết sức đáng khích lệ như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và xã hội dành cho người sáng lập và quản lý trang, là một trang mạng xã hội nhưng đã được tài trợ cho hoạt động như: hội thảo “Luật về hội” do Nhóm hành động tham gia về quyền của người dân (PPWG) đến tập huấn về “Hòa nhập người khuyết tật trong bầu cử” từ Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) và tọa đàm “Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ khuyết tật” từ Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và rất nhiều các hoạt động ủng hộ nhân đạo cho đối tượng dễ bị tổn thương ở Hà Nội, Hải Dương và tận Hà Tĩnh với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Làm thế nào Trang diễn đàn “Tiếng nói người khuyết tật Việt Nam VSDF” có được thành công như vậy? Chẳng có bí quyết bí mật nào hết! Admin của trang chia sẻ “Trước hết hãy chịu khó đọc các báo chính thống, chọn các tin, bài tích cực về hình ảnh người khuyết tật biết vượt lên chính mình, chia sẻ các hoạt động của xã hội hướng về cộng đồng, điều đó làm cho xã hội có cái nhìn tích cực hơn về một bộ phận không thể tách rời của xã hội mà xưa đến nay ta vẫn quen coi họ là nhóm “yếu thế”, qua các bài viết chia sẻ tác động đến suy nghĩ của xã hội rằng “Hãy nhìn vào khả năng của chúng tôi, đừng nhìn vào sự khác biệt bên ngoài” để rồi xã hội có tư tưởng, hành động cụ thể dựa trên tinh thần nhân văn “thương người, như thể thương thân” đó chính là bí kíp thành công”

Quả đúng như Admin của Trang VSDF chia sẻ “Không có bí kíp thành công” nhưng để một bài đăng được mọi người quan tâm, chú ý rồi đi đến ủng hộ không phải dễ. Phải cho người xem cái nhìn tích cực, sau đó mới khơi gợi lòng từ tâm vốn tồn tại trong mỗi con người mà làm được điều đó thì người khởi xướng phải có được uy tín và lòng tin, cũng như không ngại khó khăn và cả những áp lực từ dư luận. Vì sao ư? Khi cộng đồng tin tưởng, họ trao cho anh/chị từ 100 ngàn đến 5-10 triệu đồng, anh/chị phải minh bạch số tiền đó do những ai đóng góp, đã chi vào cái gì, chi cho ai, chi khi nào. Người ta ủng hộ qua anh/ chị để đến trực tiếp với người khó khăn, nhưng anh/chị đứng lên kêu gọi thì thu xếp thời gian, bỏ tiền túi mà đi xe đến tận thôn, bản..

Trung tâm sống độc lập Hà Nội (ILC) – Một tổ chức thành viên của Hội NKT thành phố Hà Nội, ra đời đến nay cũng đã gần 20 năm với các thành viên là những NKT nặng có nhu cầu và mong muốn được quyền sống độc lập, hiện nay Trung tâm ILC có mạng lưới ở một số thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… Với mục tiêu thúc đẩy sự hòa nhập, bình đẳng và cùng tiến bộ cho NKT đặc biệt là đối tượng NKT nặng nhiều năm qua Trung tâm ILC với sáng kiến truyền thông cho “Kế hoạch tổng thể ASEAN về lồng ghép quyền của NKT” đã tập hợp được một đội ngũ là nhà báo, các anh chị em là lãnh đạo các tổ chức, có năng lực truyền thông cùng viết về các chủ đề được ưu tiên trong chiến dịch vận động chính sách và sự thay đổi hướng đến hòa nhập cho người khuyết tật. Rất nhiều các bài viết “Không có gì liên quan đến chúng ta mà lại thiếu tiếng nói của chúng ta” đã gây được chú ý của xã hội, đã gợi ý rất nhiều đề tài báo chí hay và hơn cả đã được đưa vào báo cáo kiến nghị của các tổ chức của và vì NKT hướng đến một mục đích chung cho cả cộng đồng “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Câu chuyện thành công của diễn đàn tiếng nói NKT Việt Nam (VSDF) hay của Trung tâm sống độc lập Hà Nội (ILC) là minh chứng rất rõ ràng cho việc chúng ta có tài nguyên bất tận, khai thác ra sao để mang lại ý nghĩa thiết thực nhất.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, người đã rất thành công với Trang fanpage “Cơm có thịt” đã từng chia sẻ “Nếu biết sử dụng đúng mục đích, đúng ý nghĩa thì sức mạnh truyền thông mạng xã hội không có gì có thể so sánh nổi.”

Nhật Nam

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top