Quyền lợi và trách nhiệm cho doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật – tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội

Việt Nam là một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, bão lụt đồng thời hàng năm tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp và những rủi ro bất thường trong cuộc sống khiến số người khuyết tật ( NKT) ngày càng gia tăng. Do qũy an sinh xã hội của một đất nước đang phát triển còn hạn hẹp và người Việt Nam lại có bản tính cần cù, yêu lao động nên đa số NKT còn sức lao động đều muốn có được việc làm để tăng thêm thu nhập và trở thành người có ích cho xã hội. Nhà nước ta luôn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT và có những chính sách ưu đãi cho những đơn vị này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi sử dụng lao động là NKT cũng cần quan tâm đến các lưu ý khi sử dụng lao động là NKT và cần tìm ra những giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này. Bài viết bàn về những vấn đề trên cho doanh nghiệp cũng là để hỗ trợ NKT trong vấn đề việc làm tiếp cận từ góc nhìn của công tác xã hội.

Ảnh minh họa

1.Khái niệm về người khuyết tật

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về NKT. Trong Công ước quốc tế về quyền của NKT (2006) nêu:  NKT (people with disabilities) bao gồm những người có những khiếm khuyết lâu dài về thể chất, trí tuệ, thần kinh hoặc giác quan mà khi tương tác với các rào cản khác nhau có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ trong xã hội trên một nền tảng công bằng như những người khác trong xã hội”. Theo Luật NKT được Quốc hội Việt Nam thông quan ngày 17/06/2010: “NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Để vận động chính sách cho người NKT Việt Nam, trong bài viết này chúng tôi sử dụng cả hai khái niệm này để có một cách hiểu vừa khái quát vừa cụ thể về NKT.

2.Thực trạng về người khuyết tật và việc làm cho người khuyết tật tại các doanh nghiệp của Việt Nam

Theo kết quả điều tra quốc gia về NKT tại Việt Nam năm 2016 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cả nước có 7% dân số 2 tuổi trở lên (khoảng 6,2 triệu người) là NKT. Bên cạnh đó, có 13% dân số (gần 12 triệu người) sống chung trong hộ gia đình có NKT. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số. Kết quả cũng cho thấy, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, cơ hội việc làm cho NKT cũng thấp hơn những người không khuyết tật.

Theo kết quả các cuộc điều tra về NKT do Bộ LĐTB&XH tiến hành trong các năm 1995, 2005 và năm 2015, ước tính trong 6 nhóm dạng tật, có khoảng 30% khuyết tật vận động; trên 16% khuyết tật tâm thần, thần kinh; gần 10% khuyết tật trí tuệ, khoảng 12% khuyết tật nhìn, gần 11% khuyết tật nghe, nói và trên 20% là đa khuyết tật. Trong số những người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên ước tính có khoảng 40% NKT không biết chữ, gần 20% chưa tốt nghiệp tiểu học, trên 9% có trình độ tiểu học (cấp 1), khoảng 15% có trình độ phổ thông cơ sở (cấp 2) và dưới 5% có trình độ trung học phổ thông (cấp 3). Trong số những người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên, ước tính có gần 5% đã được đào tạo nghề, trong số này trên 56% được đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp nghề, khoảng 27% có trình độ trung học nghề và trên 16% có trình độ cao đẳng và đại học trở lên; còn lại trên 95% người khuyết tật chưa được qua đào tạo nghề. Trên 75% NKT sinh sống ở khu vực nông thôn, đa số người khuyết tật có thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gần 30% hộ gia đình có người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trên 40% người khuyết tật có nguồn sống chính cung cấp từ gia đình và người thân; gần 40% có nguồn sống chính từ trợ cấp xã hội, chỉ dưới 10% người khuyết có thu nhập ổn định từ lao động, việc làm. Ước tính có khoảng gần 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động (15 – 60 tuổi), tương đương với 4,2 triệu người, trong số này có khoảng 32%, tương đương với khoảng 1,38 triệu người còn khả năng lao động.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy có trên 70% số NKT còn khả năng lao động có tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có trên 1.500 lao động là NKT đang làm việc tại 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT (trong đó khoảng 4.000 lao động làm việc tại 146 cơ sở thuộc Hội Người mù quản lý) và trên 2.000 lao động là là NKT đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp .Ngoài ra, ước tính còn khỏang 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, hộ gia đình hoặc tự tạo việc làm. Lao động là NKT chủ yếu tham gia làm các công việc tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khoảng 80% lao động là NKT hoạt động kinh tế dưới hình thức “tự làm” hoặc là lao động “hộ gia đình” không được hưởng tiền lương, tiền công và ước tính chỉ có khoảng 15% là lao động làm công ăn lương.

3.Những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật

Theo qui định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:

3.1.Hỗ trợ kinh phí

Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ quy định.

3.2.Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

Áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của DN có có số lao động là người khuyết tật (phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người khuyết tật) bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của DN.

3.3. Được vay vốn từ quĩ quốc gia về việc làm

Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;

Tuy nhiên, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:- Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

– Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

– Có bảo đảm tiền vay.

3.4. Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật

3.5. Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước

Cụ thể, áp dụng đối với đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên.

Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

4.Những lưu ý đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật

4.1. Không phân biệt người lao động khuyết tật với người lao động khác

Trong trường hợp vi phạm, bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

4.2. Đảm bảo điều kiện lao động phù hợp với người  khuyết tật

Cụ thể, doanh nghiệp phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ bằng việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần.

4.3. Phải tham khảo ý kiến lao động khuyết định khi quyết định chính sách liên quan đến họ

Trong trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 – 15 triệu đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên.4.4. Không được sử dụng lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểmDoanh nghiệp không được sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Ngoài ra, không được sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Trong trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 – 15 triệu đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên.4.5. Bố trí cho người lao động khuyết tật được nghỉ phép năm 14 ngày.Áp dụng đối với người lao động khuyết tật có đủ 12 tháng làm việc.

5. Một số khó khăn khi doanh nghiệp triển khai chính sách sử dụng lao động là người khuyết tật

– Quy định về sử dụng lao động tại khoản 1 Điều 159 của Bộ luật Lao động 2019  tuy đã được sửa đổi so với quy định tại Điều 177 Bộ luật Lao động 2012 từ “…thường xuyên chăm sóc sức khoẻ” thành “… tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp” là khó thực hiện đối với các doanh nghiệp mặc dù việc sửa đổi quy định đã cụ thể hơn nhưng lại bó hẹp hơn và chưa đảm bảo được hết quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngoài ra hiện cũng chưa có những hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan chức năng để đảm bảo doanh nghiệp có thể thực hiện đúng và đầy đủ. Bên cạnh đó quy định này cũng nên bổ sung các nội dung khuyến khích quan tâm bảo đảm sức khoẻ cho người lao động khuyết tật. Sự thay đổi đó sẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về nghỉ việc đối với thời gian người lao động khuyết tật thực hiện thăm khám, điều trị để phục hồi chức năng.

– Các quy định về cấm sử dụng lao động khuyết tật tại 160 Bộ luật Lao động 2019 được sửa đổi khá cụ thể được đánh giá là ưu việt. Tuy nhiên những quy định này có ảnh hưởng làm hạn chế cơ hội việc làm của NKT và tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng giữa lao động là NKT với lao động là người không khuyết tật trên thị trường lao động. Bởi lẽ điều khoản quy định khá chặt chẽ và cụ thể dù “hơi thừa” phần nội dung người khuyết tật nhẹ từ 51%, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng trong khi chỉ cần quy định như cũ là người khuyết tật có mức suy giảm lao động từ 51% trở lên.

– Bộ luật Lao động 2012 từ khi ban hành đến nay đã có rất nhiều văn bản của cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các điều quy định trong bộ luật, nhất là về lĩnh vực tiền công, tiền lương, quan hệ lao động,… tuy nhiên lại rất hạn chế các văn bản hướng dẫn thi hành các điều quy định về lao động là NKT dẫn đến các địa phương gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do vậy, rất hy vọng với Bộ luật Lao động 2019, các cơ quan ban ngành chức năng sẽ xây dựng những quy định rất cụ thể liên quan đến nhóm lao động đặc thù này để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định và thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động là NKT.

– Quy định về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của lao động là NKT quy định tại Điều 160 Bộ luật lao động 2019: Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động nên áp dụng quy định của Luật Người khuyết tật về xác định mức độ khuyết tật, điều này cũng phù hợp đối với quy định về tỷ lệ thương tật của thương binh, bệnh binh.

– Về công cụ lao động, nên xem xét bỏ quy định này, vì doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động là NKT vào làm việc thì tất nhiên phải trang bị công cụ phù hợp nếu không thì người khuyết tật sẽ không thể làm việc được.Mặc dù điều 159 và 160 đã được sửa đổi theo hướng tích cực vì rất khó để xây dựng hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tuy nhiên vẫn cần những hướng dẫn cụ thể, giải thích rõ ràng để doanh nghiệp và NKT có thể hiểu và thực hiện tốt, hiệu quả những quy định này.

Kết luận

1. Nhà nước cần có chính sách đối với lao động là NKT : (1) Về bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người NKT; (2)Việc đào tạo nghề đối với NKT cần chú ý đến chất lượng đào tạo, đào tạo thành nghề nghề, làm được nghề thì mới hy vọng có việc làm, tránh đào tạo hình thức, dàn trải, chạy theo số lượng; (3)Cần nghiên cứu, xây dựng kế hoach đào tạo nghề chi tiết áp dụng đối với NKT; (4)Cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách, quy định về tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương để đảm bảo điều kiện cho cơ sở tổ chức dạy và NKT học nghề có thể thực hiện được; (5) Cần tạo điều kiện hỗ trợ lao động là NKT tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm; (6) Cần phối hợp với các địa phương để đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng. Chẳng hạn xu hướng của các doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu nguồn lao động về lĩnh vực nào, loại công việc là gì thì đó là cơ sở để nhà nước có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực lao động NTK nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thực tế. Bên cạnh đó, cũng có thể đón đầu xu hướng về những công việc phù hợp với các dạng khuyết tật để có chương trình đào tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động là NKT.

2. Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là người NKT vào làm việc cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về tỷ lệ lao động là NKT từ 30% trở lên để được hưởng các chính sách ưu đãi theo hướng giảm tỷ lệ xuống ở mức thấp hơn, hoặc áp dụng chính sách ưu đãi tương ứng với tỷ lệ sử dụng NKT, mức độ khuyết tật của người lao động. Xem xét việc Chính phủ quy định các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí một tỷ lệ nhất định lao động là NKT, phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó. Ngoài ra, cũng có thể nên quy định việc giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tỷ lệ bố trí lao động là lao động là NKT trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý để phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đối với doanh nghiệp không thực hiện được quy định tiếp nhận một tỷ lệ nhất định lao động là NKT thì nộp một khỏan tiền nhất đinh vào Quỹ việc làm NKT.

3. Các cơ quan chức năng nhà nước cần xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về điều kiện lao động và an toàn lao động đối với NKT, trong đó cần phải có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện./.

TS. Nguyễn Hồng Kiên

Giám đốc TT Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN

Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng Hành Việt số chuyên đề  “hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và lao động NKT” do Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp 2015-2020 của Bộ Tư pháp (Chương trình 585) hỗ trợ thực hiện. Thông qua các bài viết được trong số chuyên đề mong muốn người lao động là người khuyết tật cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là các doanh nghiệp của và vì người khuyết tật cũng như doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức pháp luật khi sử dụng lao động là người khuyết tật…

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top