Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với người khuyết tật

(ĐHVO). Người khuyết tật thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, được Đảng, nhà nước, cộng đồng quan tâm, chung sức bảo vệ vì sự bình đẳng về quyền và lợi ích của người khuyết tật trong đó vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình luôn được đặt lên hàng đầu.


Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cùng với các văn bản pháp luật khác tạo ra khung pháp lý khá toàn diện nhằm tạo công cụ thể chế cần thiết trong phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam nói chung và gia đình có người khuyết tật nói riêng.

Bạo lực gia đình là hiện tượng xã hội phát sinh không bình thường, thể hiện những lệch chuẩn xã hội, phá vỡ môi trường gia đình lành mạnh và là một trong những vấn đề lớn cần tập trung giải quyết nhằm đảm bảo thực thi toàn diện về quyền con người. Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”

Hành vi bạo lực gia đình có nhiều dạng như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, kinh tế, tình dục ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm của mỗi người đặc biệt là người khuyết tật vốn có sức khỏe, tâm lý yếu hơn người bình thường. Cụ thể, các hành vi được coi là hành vi bạo lực gia đình gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc của Nhà nước trong việc ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng được xem là thuộc nhóm yếu thế, là nạn nhân của hành vi BLGĐ, gồm:  trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và người tàn tật (khoản 3, Điều 3, Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Hệ thống các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được quy định cụ thể gồm 2 nhóm biện pháp.

Nhóm thứ nhất: Nhóm các biện pháp phòng ngừa bao gồm các biện pháp: Thông tin tuyên truyền; hòa giải mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên gia đình; tư vấn, góp ý phê bình tại cộng đồng (các Điều 9,11; 12- 15; 16,17 Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình);

Nhóm thứ hai: Nhóm các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình gồm: Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn bảo vệ; chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu (các Điều từ 18-24 Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).

Mặt khác, để đạt hiệu quả, mang tính thực thi trong công tác thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì khung chế tài xử lý hành vi vi phạm là rất quan trọng, răn đe, kiểm soát các hành vi vi phạm. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Một là, xử phạt hành chính

– Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình (Điều 49, Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP): phạt tiền lên tới 2.000.000 đồng, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

– Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình (Điều 51): phạt tiền lên tới 1.500.000 đồng; buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh.

– Đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (Điều 52): phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

– Đối với hành vi bạo lực về kinh tế (Điều 56): phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng.

– Đối với hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình (Điều 61): Phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng.

Hai là, truy cứu trách nhiệm hình sự

Người phạm tội liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội khác nhau theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 03 tháng đến 3 năm.

– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 03 tháng đến 6 năm.

Mặt khác, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được liệt kê tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý để tăng nặng hình phạt cho người phạm tội trong phạm vi của khung hình phạt tương ứng. Đặc biệt trong đó phạm tội với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm k).

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top