Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2022-2023

(ĐHVO). Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, học sinh sinh viên (HSSV) đặc biệt HSSV khuyết tật là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.


Để các bậc phụ huynh và các em HSSV hiểu rõ hơn về chính sách BHYT HSSV trong năm học 2022-2023, BHXH Việt Nam thông tin cụ thể như sau:

Mức đóng

Trong năm học này, mức đóng BHYT của HSSV không có sự thay đổi so với năm học trước: Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Trong đó, mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ ngân sách nhà nước được quy định như sau:

– Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống ở các huyện nghèo.

– Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo hoặc hộ gia đình nghèo đa chiều.

– Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên khác.

 

Cụ thể: Mức đóng = 4,5% x 1.490.000 đồng x 12 tháng = 804.600 đồng/năm.

Trong đó, số tiền HSSV thực đóng là: 563.220 đồng/năm (do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng).

Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm.

Mức hưởng khi đi khám chữa bệnh (KCB)

HSSV khi đi KCB BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng như sau:

Đối với trường hợp KCB BHYT đúng tuyến, HSSV được hưởng 100% chi phí KCB BHYT nếu: Tổng chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng). KCB tại tuyến xã (Trạm Y tế xã, phường, thị trấn). Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng).

HSSV được hưởng 80% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến: Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú. Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú. Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB ngoại trú, nội trú.

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT

Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT theo quy định:

Trường hợp tham gia BHYT liên tục thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày 01 của tháng liền kề tháng thẻ BHYT cũ hết giá trị sử dụng. Trường hợp tham gia không liên tục hoặc gián đoạn không quá 3 tháng thì thẻ BHYT chỉ có giá trị từ ngày 01 của tháng đóng tiền.

Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục quá 3 tháng trong năm tài chính, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 01 của tháng liền kề tháng đóng tiền.

Giá trị thẻ BHYT được cấp hàng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:

– Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm đầu tiên của cấp tiểu học hoặc ngày 01/11 hoặc 01/12 tháng liền kề tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi;

– Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.

Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.

Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Quy định mức đóng BHYT đối với HSSV khuyết tật

Căn cứ theo khoản 6 Điều 5, Khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội về cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với đối tượng bảo trợ xã hội có quy định như sau:

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong đó bao gồm: Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm g khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định như sau:

Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:

g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên.

Như vậy, theo quy định trên, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, còn trong trường hợp HSSV bị khuyết tật nhẹ thì tham gia đóng bảo hiểm y tế học sinh.

Nguyễn Hoa

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top