Mọi trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên khuyết tật đều được miễn học phí

(ĐHVO). Trước thềm năm học mới, vấn đề tài chính là nỗi lo ngại lớn của hầu hết phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đối với người khuyết tật. Vậy trẻ em, học sinh, sinh viên khuyết tật có được miễn, giảm học phí không? Nếu thuộc đối tượng được miễn giảm học phí thì làm thế nào để được hưởng? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc và giúp người khuyết tật hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình.

Đối tượng được miễn học phí

Theo quy định của Luật người khuyết tật 2010 người khuyết tật tham gia học tập được hưởng những chế độ sau:

+ Được Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.

+ Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.

+ Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.

Như vậy khi tham gia học tập người khuyết tật được miễn giảm học phí, chi phí đào tạo, cụ thể Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được miễn học phí, trong đó bao gồm “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật”.

Như vậy, trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp được miễn học phí.

Ngoài ra, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập.

Việc miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người khuyết tật sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.

Cũng tại Điều 18 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật được hỗ trợ chi phí học tập.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trình tự, thủ tục để được hưởng chế độ miễn học phí

Về hồ sơ: Để được hưởng chế độ miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập trên tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, người khuyết tật cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập (Theo mẫu kèm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP);

+ Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ số gốc Giấy xác nhận khuyết tật do UBND cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Về thời hạn nộp hồ sơ: 45 ngày kể từ ngày bắt đầu khai giảng năm học.

Cách thức nộp hồ sơ: Cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em, học sinh, sinh viên khuyết tật nộp hồ sơ trực tiếp hoặc bưu điện hoặc hệ thống giáo dục điện tử.

Như vậy, với quy định miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập (không kể hoàn cảnh kinh tế) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, mọi trẻ khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội học tập hơn, góp phần đảm bảo quyền được giáo dục của người khuyết tật.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top