Luật Trợ giúp pháp lý đã thực sự đi vào cuộc sống

(ĐHVO). 5 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và biện pháp tổ chức thực hiện; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao. Trung tâm luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh và những yêu cầu thực tiễn để chủ động, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL của tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai đồng bộ các lĩnh vực hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại ký họp thứ 3 ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Để triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động TGPL theo tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (TGPL 2017), Sở Tư pháp Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 30/11/2017 triển khai thi hành Luật TGPL 2017. Căn cứ Kế hoạch số 169/KH-UBND của UBND tỉnh, Ngành Tư pháp tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ, sáng 22-3, tại Thái Nguyên, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình.

Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết: Mặc dù nguồn lực thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Tư pháp, cùng với sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận, khắc phục mọi khó khăn, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. Hoạt động TGPL của Trung tâm 5 năm qua được triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm và đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Để Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thực sự đi vào cuộc sống, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động quán triệt sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức. Trung tâm TGPL của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm văn hóa thông tin các huyện trên địa bàn tỉnh truyền thanh thông tin về TGPL trên loa truyền thanh tại các xóm, xã; phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện các tin, bài, phóng sự về những câu chuyện pháp luật từ những vụ việc do Trung tâm TGPL thực hiện.

Nhiều hội nghị truyền thông, tư vấn để quán triệt Luật TGPL 2017 cho nhân dân tại các xã nghèo, thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Ngoài ra, một số hình thức tuyên truyền khác như: Lắp đặt 144 bảng thông tin về TGPL; in tài liệu, mẫu đơn yêu cầu TGPL, biên bản giải thích, thông báo, thông tin TGPL cấp phát miễn phí cho người dân; phối hợp với VNPT truyền tải 132.000 tin nhắn (SMS) về thông tin TGPL tới các thuê bao điện thoại di động… duy trì đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về yêu cầu TGPL của công dân.

Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Dung và luật sư Bùi Văn Lương tại một buổi TGPL xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên

Trong hoạt động TGPL, Trung tâm luôn chú trọng công tác phối hợp liên ngành. Có thể kể đến như: Phối hợp với Thanh tra tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện TGPL trong lĩnh vực khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính; phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tư vấn, TGPL cho người khuyết tật. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Hội người khuyết tật thành phố Thái Nguyên, Sông Công thực hiện truyền thông, tư vấn pháp luật về TGPL; phối hợp với Đoàn Luật sư thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng; phối hợp với phòng tư pháp huyện và UBND các xã thực hiện TGPL tại cơ sở… giúp người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng được TGPL theo quy định tại các xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, hoạt động đã và đang được thực hiện đồng bộ, rộng rãi. Cán bộ, viên chức luôn khai thác tiện ích công nghệ vào công việc. Hồ sơ vụ việc tố tụng được cập nhật lên phần mềm hệ thống tổ chức và quản lý của Cục Trợ giúp pháp lý, của tỉnh theo quy định.

Chia sẻ về triển khai thực hiện Luật TGPL 2017, ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên bộc bạch: Sau khi triển khai thi hành Luật TGPL 2017, số lượng vụ việc TGPL do Trung tâm trực tiếp thực hiện tăng lên. Từ năm 2018 đến tháng 06 năm 2022, Trung tâm đã thực hiện TGPL 3.489 vụ việc. Số vụ việc đã hoàn thành 2.360 vụ (trong đó tham gia tố tụng 1.168 vụ; đại diện ngoài tố tụng 27 vụ; tư vấn pháp luật 1.165 vụ). Với sự nhiệt tình, cố gắng của các trợ giúp viên pháp lý, các vụ việc tham gia tố tụng từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Việc quản lý, thẩm định và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. 100% hồ sơ hoàn thành được thẩm định, đánh giá theo đúng quy định. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, 100% vụ việc đều đạt chất lượng trở lên. Cùng với số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng được đẩy mạnh, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. Sự tham gia tích cực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án, bảo đảm công lý, công bằng xã hội. Nhiều vụ việc phức tạp, điển hình đạt kết quả tốt đã được cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thông qua đó, nâng cao uy tín thực hiện TGPL trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Việc tổ chức tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ những người thực hiện TGPL được tăng cường, đảm bảo 100% trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm đều được tham dự các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ của Trung ương cũng như của tỉnh tổ chức. Sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý vào quá trình giải quyết các vụ án đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật TGPL 2017, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 58 luật sư làm việc tại 13 văn phòng luật sư, 4 công ty luật; trong đó có 15 luật sư tham gia ký hợp đồng với Trung tâm TGPL, chiếm tỷ lệ 26%.

Đánh giá về triển khai thực hiện Luật TGPL 2017, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên khẳng định: Luật TGPL 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ TGPL. Trải qua gần 05 năm thi hành Luật TGPL 2017, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý của người dân.

Đỗ Thị Thìn

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top