Đồng minh đặc biệt của Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng 8/1945

(ĐHVO). Trong chiến tranh thế giới 2 (1939 – 1945) Việt Minh và OSS (một tổ chức tình báo của Mỹ) đã có sự hợp tác chặt chẽ nhằm chống lại kẻ thù chunglà phát xít Nhật ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, vun đắp và phát triển liên minh Việt – Mỹ, điều này góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhu cầu từ cả hai phía

Chiến tranh thế giới thứ 2 (tháng 9/1939) bắt đầu, nước Mỹ dần quan tâm hơn đến vấn đề Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoa Kỳ lo ngại Nhật Bản sẽ chiếm đóng Đông Dương, từ vị trí chiến lược này, người Nhật sẽ khống chế tuyến đường biển quan trọng, uy hiếp đến nguồn cung cấp cao su tự nhiên cho Hoa Kỳ. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản dần mở rộng chiếm đóng ra toàn Châu Á, đe dọa đến quyền lợi của Mỹ. Tháng 9/1940, quân đội Nhật tiến vào Đông Dương sau thỏa hiệp với quân Pháp đã khiến người Mỹ nổi giận, họ đe dọa và tiến hành bao vây kinh tế Nhật. Tuy nhiên, người Nhật phớt lờ điều đó. Tháng 7/1941, Nhật Bản lại tiếp tục đòi thêm yêu sách tại Đông Dương, người Pháp buộc phải đồng ý. Mỹ quyết định hành động quyết liệt hơn bằng biện pháp tịch thu toàn bộ tài sản đầu tư của Nhật tại Mỹ, nước Nhật đã trả đũa bằng việc tấn công quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ngay sau đó. Hành động của quân Nhật đã khiến Mỹ chính thức tham gia vào chiến tranh thế giới 2 chống lại Chủ nghĩa Phát xít.

Trong cuộc chiến ở Châu Á – Thái Bình Dương, nước Mỹ ngày càng quan tâm hơn đến Đông Dương, cũng như chế độ tương lai của Đông Dương sau khi chiến tranh kết thúc. Tháng 3/1943, Tổng thống Mỹ là Roosevelt đã nói chuyện với Robert Anthonny Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh là sau chiến tranh thay vì việc trao trả Đông Dương lại cho Pháp thì nên đặt Đông Dương dưới sự quản trị quốc tế và tiến tới một Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Mặc dù đề nghị này bị Anh và Pháp phản đối quyết liệt cũng như trong chính quyền cũng có những ý kiến không đồng tình, nhưng Tổng thống Roosevelt vẫn kiên trì quan điểm của mình. Ngày 17/2/1944, khi trả lời những vấn đề do Bộ Ngoại giao Mỹ nêu lên là theo diễn biến tự nhiên của tình hình quân sự, chắc chắn quân đội Pháp sẽ trở lại Đông Dương, Roosevelt đã tuyên bố chắc chắn với các quan chức thuộc Bộ ngoại giao rằng: bất cứ các đội quân nào của Pháp cũng sẽ không được sử dụng trong các kế hoạch tác chiến ở Đông Dương và nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự ở Đông Dương sẽ được quân Anh – Mỹ thực hiện và bước tiếp theo là sẽ lập một Ủy ban Quản trị Quốc tế đối với các thuộc địa Pháp.

Tại Hội nghị Yanta (tháng 2.1945) tại Liên Xô giữa người đứng đầu ba Nhà nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Tổng thống Roosevelt đã thể hiện thái độ dứt khoát của mình về chính sách đối với Đông Dương. Ông chống lại ý đồ mời Pháp tham dự Hội nghị này và đưa ra đề nghị thành lập một Hội đồng quản trị ở Đông Dương. Tuy nhiên, những ý định của Roosevelt không thực hiện được do Anh chống lại, người Anh vẫn muốn bảo vệ những quyền lợi của Thực dân Pháp.

Nhìn nhận quan điểm về Đông Dương của Tổng thống Mỹ, Hồ Chí Minh đã tìm thấy những điểm có lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, từ đó Người tìm cách tranh thủ người Mỹ để chống lại hai kẻ thù của cách mạng Việt Nam lúc này là Phát xít Nhật và Thực dân Pháp. Người biết rõ ràng ý đồ của Mỹ về một chế độ Quản trị quốc tế đối với Đông Dương thực chất là muốn phá thế độc quyền của Anh, Pháp ở khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện cho Mỹ xâm nhập sâu hơn vào khu vực, thiết lập sự ảnh hưởng đối với nơi từng là sân sau của Anh, Pháp. Trong thời điểm đó, chính sách này đã động chạm mạnh đến ý đồ tái chiếm các thuộc địa cũ của Anh, Pháp và điểm này thì chúng ta hoàn toàn có thể lợi dụng được.

Với cách phân tích tình hình thấu đáo của Hồ Chí Minh, Người đã rút ra kết luận: Phải chủ động tranh thủ sự đồng tình của Mỹ, thêm bạn đồng minh cho cách mạng, tìm kiếm một vị trí cho cách mạng Việt Nam trong phe Đồng Minh chống Phát xít, từ đó chuẩn bị địa vị quốc tế hợp pháp cho chính quyền cách mạng trong tương lai.

Sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi

Trong những năm 1942-1944, Hồ Chí Minh đã sang Côn Minh ( Trung Quốc), sau khi được Chính quyền Tưởng Giới Thạch thả vì vô cớ bắt giam, Người đã được tướng Trương Phát Khuê ( quân đội Tưởng Giới Thạch) giới thiệu với một số sỹ quan Mỹ. Trong những lần tiếp xúc đầu tiên này, Hồ Chí Minh đã yêu cầu Mỹ trợ giúp cuộc kháng chiến chống Phát xít Nhật của nhân dân Việt Nam. Những đề nghị này đã không được đáp ứng vì các hoạt động chống đối của một số người Pháp và người Trung Quốc ở Trùng Khánh.

Mùa đông năm 1944, Quân đoàn 14 Không quân Mỹ đóng ở Côn Minh phái nhiều máy bay sang đánh phá các căn cứ Nhật ở Việt Nam. Một máy bay Mỹ bị bắn rơi ở khu rừng gần thị xã Cao Bằng, phi công đã nhảy dù thoát ra ngoài. Viên Trung úy phi công William Shaw đã được lực lượng tự vệ của Việt Minh cứu giúp, đưa về căn cứ gặp Hồ Chí Minh.

Nhận thấy thời cơ đã đến, Người quyết định trực tiếp đưa viên phi công sang Côn Minh trả cho phía Mỹ, để tỏ rõ thiện chí của Việt Minh. Đến Côn Minh, Hồ Chí Minh đã liên hệ ngay với OSS ( một tổ chức tình báo chiến lược của Mỹ, tiền thân của CIA sau này), thông báo cho họ tình hình về quân Nhật ở Tây Bắc. Người muốn có được sự hợp tác Việt – Mỹ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật và sự công nhận cao nhất của Mỹ đối với Việt Minh, nhưng người Mỹ nói rằng họ cần chờ chỉ thị của Tổng thống trong việc quan hệ với các nhóm kháng chiến địa phương. Mặc dù vậy, Với việc làm đầy thiện chí này, Hồ Chí Minh đã tạo được cảm tình của người Mỹ. Qua đó, Người cũng đã tạo cho mình chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới AGAS (Air Ground Aid Service – Ban Không trợ Mặt đất) để tiếp xúc với Chennault, tướng chỉ huy Quân đoàn Không lực thứ 14 của Mỹ ở Côn Minh.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), mọi tin tức tình báo của Mỹ ở Đông Dương bị cắt. Một số nhóm tình báo của Đồng minh tại Đông Dương phần bị bắt, phần rút lui để thăm dò. Bị cắt đứt mọi nguồn thông tin, Bộ Tổng tham mưu Mỹ tại Trung Quốc buộc phải cho phép OSS tuyển người Việt Nam. Và thế là Trung úy Mỹ Charles Fenn, theo sự giới thiệu của AGAS, ngày 17/3/1945, đã tìm đến gặp Hồ Chí Minh tại Côn Minh để bàn về việc hợp tác giữa Việt Minh và quân Đồng minh.

Trong cuộc gặp lần thứ hai (ngày 20/3/1945) giữa Charles Fenn và Hồ Chí Minh, người Mỹ hứa thả dù xuống Việt Bắc một số vũ khí nhẹ, thuốc men và điện đài, phái nhân viên người Mỹ đi cùng Hồ Chí Minh để sử dụng điện đài. Theo sự sắp xếp của Charles Fenn, ngày 29/3/1945 Hồ Chí Minh đã gặp tướng Mỹ Chennault, cuộc gặp đã thành công tốt đẹp, mở đầu sự hợp tác thực sự Việt – Mỹ.

Cuối tháng 5/1945 Hồ Chí Minh về đến Cao Bằng. Không bao lâu sau, một toán người Mỹ nhảy dù xuống Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Việt Minh, AGAS đã lập được mạng vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn theo kế hoạch của OSS. Lực lượng tình báo Mỹ cũng đã 2 lần thực hiện thành công các chuyến nhảy dù xuống căn cứ cách mạng Việt Nam. Những người Mỹ đến đây vừa huấn luyện cho một số cán bộ quân sự Việt Nam về kỹ thuật sử dụng vũ khí mới và chiến thuật du kích, vừa làm nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan Mỹ ở Côn Minh. Các cán bộ Việt Minh ở Côn Minh đã viết truyền đơn bằng tiếng Việt, gửi đến không quân Mỹ để đem rải ở miền Bắc Việt Nam. Trong 2 lần rải truyền đơn có đến 8 vạn tờ.

Những kết quả đạt được từ sự hợp tác Việt – Mỹ làm cho uy tín của Việt Minh tăng lên, trên thực tế và phần nào về danh nghĩa, Việt Minh đang đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Không chỉ có vậy, Hồ Chí Minh còn cho thành lập một đơn vị gọi là bộ đội Việt – Mỹ hay còn gọi là nhóm “Con nai” (Deer) thuộc OSS do Thiếu tá Thomas làm Tham mưu trưởng dưới quyền chỉ huy của ông Đàm Quang Trung. Điều đáng nói là, quan hệ giữa những người Mỹ trong nhóm với người Việt hết sức thân mật và gần gũi. Thậm chí có người đã nói người Mỹ và người Việt Nam đã trở thành những đôi bạn thân thiết, họ chung sống với nhau rất hữu nghị, sát vai nhau làm việc. Riêng về Hồ Chí Minh người Mỹ khẳng định là “một người yêu nước đáng tin cậy và đáng được ủng hộ hoàn toàn”.

Mối quan hệ giữa người Mỹ với dân địa phương cũng hết sức tốt đẹp. Người Mỹ thích ứng rất nhanh với cuộc sống rừng núi và được dân chúng yêu mến. Dân làng không coi họ là “những người da trắng” mà là những người bạn Mỹ.

Quan hệ giữa Việt Minh và OSS còn khá tốt sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Thiếu tá Patti thường xuyên báo cáo về Mỹ phản ánh sự tin tưởng của mình vào tinh thần mong muốn hợp tác thực sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Hoa Kỳ. Ông đã gửi giúp Hồ Chí Minh những bức điện đến Tổng thống Mỹ yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Nhưng đến lúc này, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa có sự công nhận chính thức nào đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi Tổng thống Roosevelt qua đời, Chính phủ Mỹ do Truman đứng đầu đã dần ủng hộ kế hoạch quay trở lại Đông Dương của Pháp. Ngày 5/10/1945, khi Tướng Pháp Leclerc cho quân viễn chinh đổ bộ lên Sài Gòn cũng là lúc Quốc hội Mỹ gửi cho Đại sứ của họ tại Trung Quốc bức điện sau: Hoa Kỳ không hề có ý định chống lại việc khôi phục sự thống trị của Pháp ở Đông Dương và không có một quan điểm chính thức nào của Chính phủ Mỹ động đến, dù là gián tiếp chủ quyền Pháp ở Đông Dương.

Hồ Chí Minh sớm đã nhận thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đông Dương. Tuy nhiên, để giảm bớt các căng thẳng không cần thiết trong quan hệ quốc tế, Người vẫn gửi nhiều bức điện cho Chính phủ Mỹ đề nghị hợp tác, thiết lập quan hệ ngoại giao. Những bức thư của Hồ Chí Minh đều rơi vào im lặng, nhưng chí ít nó cũng cho bạn bè quốc tế thấy được thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Nhìn nhận lại sự hợp tác Việt – Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Nhật, chúng ta nhận thấy rằng: trong điều kiện gian khổ của vùng rừng núi chiến khu Việt Bắc, các sĩ quan Mỹ là những người ngoại quốc duy nhất tham gia huấn luyện các đội vũ trang cách mạng và họ cũng là những người ngoại quốc có mặt sớm nhất tại Hà Nội trong vài ngày sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa bùng nổ và giành thắng lợi. Nhân dân Mỹ và Việt Nam có thể tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp này sau khi Việt Nam giành độc lập, và nếu vậy biết đâu nước Mỹ có thể tránh được một cuộc chiến tranh dài ngày nhất, tốn kém nhất, bị thất bại nặng nề nhất mà họ tham gia sau đó 9 năm?


TS. Lưu Ngọc Long[1]

Th.s Nguyễn Tiến Dũng[2]

[1] Giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy

[2] Giảng viên Học viện Chính trị khu vực 1

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top