Doanh nghiệp trong việc sản xuất công nghệ hướng đến người khuyết tật

Câu hỏi: Tôi tên là Nguyễn Văn N là chủ doanh nghiệp X đang có nhu cầu thực hiện dự án phát triển máy trợ thính cho người khuyết tật. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi phát triển trong ngành này thì tôi có được chính sách ưu đãi khi thực hiện dự án  này không?

Với sự bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận với khoa học công nghệ, nhằm giúp cuộc sống của người khuyết tật dễ dàng hơn. Để tạo điều kiện hơn nữa cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tiếp cận với những ứng dụng công nghệ tiên tiến Pháp luật quy định những ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức trong việc phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ người khuyết tật. Thông tư liên tịch số 19/2015/TTLT-BKHCN-BLĐTBXH của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đã quy định những chính sách ưu đãi đối với cá nhân, doanh nghiệp trong việc phát sinh, sáng chế hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật;

Theo Thông tư liên tịch, Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư) để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; hỗ trợ mức tối đa 50% kinh phí trả công lao động cho cán bộ khoa học, nhân viên kỹ thuật trực tiếp thực hiện nội dung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ, giải pháp khoa học và công nghệ, xây dựng các phần mềm máy tính; thử nghiệm, phân tích, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm đến khi hoàn thành sản phẩm lô số không; hỗ trợ mức tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích trong quá trình thử nghiệm và sản xuất sản phẩm lô số không của dây chuyền công nghệ; hỗ trợ mức tối đa 50% kinh phí thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ (bao gồm bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; mua sắm, nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ trong nước chưa tạo ra được).

Công nghệ với người khuyết tật

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến chuyển giao, ứng dụng công nghệ từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định pháp luật hiện hành về thuế, đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi khác của nhà nước về thuế đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế; được ưu tiên cho thuê mặt bằng đất, mặt bằng nước, cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì Anh T chủ doanh nghiệp X khi thực hiện dự án phát triển máy trợ thính cho người khuyết tật thì sẽ được hưởng những ưu đãi mà trong Thông tư liên tịch số 19/2015 quy định như trên. Theo đó Doanh nghiệp X được ưu tiên đầu tư đến mức 50% tổng mức kinh phí đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật hiện hành, được ưu tiên cho thuê mặt bằng đất, cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp…

Với sự ưu tiên đầu tư, phát triển của Nhà nước nói riêng của xã hội nói chung, chúng ta mong rằng trong tương lai công nghệ hỗ trợ người khuyết tật sẽ có những bước đột phá, giúp cho người khuyết tật có thể hòa nhập hơn với cộng đồng, đồng thời hạn chế tình trạng lạc hậu đối với một số bộ phận dân cư nhất định.

Nam Phương

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top