Điểm tựa gia đình đối với người khuyết tật

(ĐHVO). Gia đình luôn là điểm tựa quan trọng của mỗi người. Ở đó chúng ta được chở che, chăm sóc, yêu thương. Ở đó mọi sóng gió cuộc đời đều hóa thành bình yên sau cửa. Đối với người khuyết tật, gia đình càng là chỗ dựa vững chắc để họ có thêm niềm tin chiến đấu với những khó khăn mà bản thân gặp phải.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Không ai trong số chúng ta mong muốn khi sinh ra đã khiếm khuyến một phần cơ thể hoặc không may phải gánh chịu nhiều điều thiệt thòi hơn những người khác. Người khuyết tật cũng vậy nhưng họ không thể tránh khỏi những trớ trêu của cuộc đời. Khiếm khuyến một phần cơ thể khiến họ gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, tìm kiếm việc làm,…khiến họ dần trở nên tự ti, khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Những lúc bất lực, buồn chán, không thể làm gì thì điểm tựa duy nhất của họ chính là gia đình với bố, với mẹ, với anh chị em, bạn bè.

Có thể nói, người thân của người khuyết tật chính là những người đặc biệt. Là người đã chăm sóc họ bất kể ngày đêm, tìm mọi phương pháp chữa bệnh để con em mình mạnh khỏe, lẳng lặng bỏ qua những điều dị nghị, soi mói từ người đời, cố gắng kiếm sống để con mình đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Nước mắt của người mẹ, nỗi khổ của người cha có con là người khuyết tật không phải ai cũng thấy. Nhưng nước mắt, nỗi khổ ấy không là gì so với niềm hy vọng, khát khao con mình sẽ được sống một cuộc đời tốt đẹp và cha mẹ sẽ làm tất cả những gì để bảo vệ con, để giảm bớt những thiệt thòi mà con phải chịu.

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về Phương – một cậu bé bị khiếm thị từ nhỏ nhưng là một đứa trẻ rất yêu đời và chăm học. Với tất cả sự nỗ lực không ngừng cậu bé ấy đã đạt được ước mơ của mình là đậu một trường đại học danh tiếng, chưa dừng lại ở đó cậu còn được nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ toán học của một trường đại học lớn ở nước ngoài. Khi ấy mọi người không ngừng chúc mừng, ngợi ca cậu. Nhưng ít ai biết được rằng để làm thành nên thành công của Phương là sự đóng góp to lớn từ mẹ của cậu.

Biết con mình thích học và có sự nhận thức tốt, mẹ của Phương và gia đình đã cố gắng kiếm sống nuôi con ăn học thành người. Khi con đỗ đại học do bị khiếm thị nên phải theo một cơ chế học riêng có người đi kèm, mẹ của Phương sẵn sàng bỏ lại công việc may ở nhà, tự mình học ngoại ngữ, học các ký hiệu toán học để có thể viết ra những công thức, những con số, những lập luận… mà con mình nói ra, giúp con có thể tiếp thu bài học một cách tốt nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một sự kiện đã chia sẻ về câu chuyện của Phương tới mọi người và khẳng định: “Làm sao cháu Phương có thể đi học, trở thành cử nhân và tới đây có thể – không, tôi tin chắc rằng – sẽ trở thành tiến sĩ toán học và có nhiều đóng góp cho xã hội nếu những người thân không chia sẻ, đồng hành với tình yêu thương vô bờ bến và nỗ lực phi thường”.

Có thể thấy tình yêu thương từ gia đình sẽ trở thành nguồn động lực to lớn cho tất cả chúng ta và là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng. Người khuyết tật sẽ còn gặp nhiều gian khổ, chông gai nhưng tin rằng với sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội họ sẽ có một điểm tựa vững chắc, tự tin hơn vào bản thân và tiếp tục sống, cống hiến để cuộc đời trở nên ý nghĩa.

Không chỉ riêng người khuyết tật, mỗi cá nhân chúng ta phải cảm thấy thật may mắn khi có được mái ấm gia đình bởi ngoài kia còn có biết bao nhiêu người bất hạnh đang mồ côi không nơi nương tựa. Do đó, ta hãy cố gắng gìn giữ hạnh phúc, nâng cao trách nhiệm của bản thân với gia đình mình, từ đó sẽ là nền tảng để xây dựng được một xã hội văn minh và bền vững.

Lan Phương

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top