Điểm sáng về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội

(ĐHVO). Huyện Phú Lương, Thái Nguyên thực hiện lồng ghép có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 Các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn được thực hiện kịp thời.

Kinh tế nhiều khởi sắc

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ, các xã được chọn về đích nông thôn mới và thực hiện mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, huyện có 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Phú Lương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đáng lưu ý là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt. Sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 3,77%.

Xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã vận động nhân dân huy động nhân dân hiến hơn 20.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: Nhâm Mai) 

Điểm nhấn trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Phú Lương là đã nâng cao chất lượng, giá trị cây chè. Huyện triển khai thực hiện đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện có tổng diện tích chè đạt 4.136,1 ha, giá trị sản xuất chè ước đạt 1.265,56 tỷ đồng, doanh thu bình quân ước đạt 310 – 330 triệu đồng/ha. Chăn nuôi được đầu tư phát triển theo hướng trang trại, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, gắn với bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 170 trang trại.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả: Đầu nhiệm kỳ huyện có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08/226 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 02 sản phẩm đạt Ocop 3 sao thì đến tháng 9 năm 2023, toàn huyện có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, đã có 185/204 km đường đạt chuẩn; toàn huyện có 100% số xã có đường nhựa từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; làm mới 450km đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm.

Về lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án, cơ chế hỗ trợ và tích cực triển khai. Hiện trên địa bàn huyện có 1.257 cơ sở sản xuất công nghiệp – xây dựng; tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này trong giai đoạn 2015 – 2020 đạt gần 13%. Các làng nghề được quan tâm mở rộng, tăng lên 42 làng nghề; sản phẩm tương đối đa dạng, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, an ninh, quốc phòng được đảm bảo. Huyện có 05 giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc trên địa bàn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng để tạo tiền đề và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn. Trong đó chú trọng các tuyến đường liên xã, liên xóm, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Phú Lương xếp thứ 5/9 huyện, thành phố, thị xã về Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; xếp thứ 1/9 huyện, thành phố, thị xã về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Về giao thông liên huyện, huyện đã tận dụng triệt để lợi thế về giao thông và các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương để thu hút đầu tư. Cụ thể, nhằm phát huy lợi thế có 2 tuyến đường Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới (Thái Nguyên – Chợ Mới – Bắc Kạn) chạy qua, huyện đang quy hoạch 2 cụm công nghiệp Yên Lạc và Yên Ninh.

Triển khai đồng bộ các chương trình

Trong thời gian qua, huyện đã thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã được thụ hưởng. Triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình y tế quốc gia với tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện là 95.087 người, đạt 91%.

Tăng cường công tác thu ngân sách, đảm bảo không bỏ sót nguồn thu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tăng nguồn thu ngân sách; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường nhằm ổn định nguồn thu cho ngân sách,..

Ban vận động xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt huyện Phú Lương vận động Nhân dân chuyển đổi giống cây trồng phát triển kinh tế (Ảnh Nhâm Mai)

Thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng nông thôn mới; 02 thị trấn (thị trấn Đu, Giang Tiên) xây dựng đạt tiêu chí đô thị văn minh vào năm 2024, thị trấn Đu đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025. Cùng với đó, là đầu tư, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, thể thao; tiếp tục triển khai các Đề án về lĩnh vực văn hoá; triển khai đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Huyện cũng triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Tăng cường đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện dạy và học, đồng thời đáp ứng các tiêu chí thực hiện Chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 được Huyện triển khai đồng bộ, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nâng cấp, vận hành phòng họp không giấy tờ; ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp tục thu hút đầu tư

Từ một huyện thuần nông với xuất phát điểm ở mức trung bình, sau 25 năm tái lập tỉnh, huyện Phú Lương đã đạt được những kết quả nổi bật. Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch; nhiều lĩnh vực có những chuyển biến rõ nét; kinh tế tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện từng bước được hoàn thiện.

Trong thời gian tới, Phú Lương thực hiện lập quy hoạch, điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính và xây dựng thị trấn Đu trở thành đô thị loại IV theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 đảm bảo phù hợp với quy hoạch, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư.

Đồng thời, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, chính quyền huyện huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu xây dựng huyện Phú Lương phát triển nhanh, toàn diện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế, nâng cao nội lực và tính tự chủ. Thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Huyện xác định trọng tâm xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các xã có sản phẩm OCOP. Phát huy tiềm năng sẵn có, những năm gần đây huyện Phú Lương đã và đang vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân./.

 Vũ Quỳnh – Bảo An

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top