Di chứng nỗi đau da cam: Những vết cắt chưa lành

(ĐHVO). Sau những năm tháng chiến đấu oanh liệt, giờ đây chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng hệ quả của nó mang lại vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay. Gia Đình ông Dương Quốc Ngự tại Thành phố Sông Công, Tỉnh Thái Nguyên là một trong những gia đình không may mắn, khi ông bị nhiễm chất độc màu da cam, thứ tàn phá cơ thể, gây ảnh hưởng tới cả những thế hệ sau này của ông.


Ông Dương Quốc Ngự

Những vết cắt chưa lành

Chất độc màu da cam có chứa Dioxin là một chất độc cực mạnh, khó phân hủy, tồn tại lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng. Chất độc này cực kỳ nguy hiểm đối với con người bởi nó gây nên ung thư, dị dạng, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây rối loạn tuyến giáp, tổn hại cho hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng tới hệ thống sinh sản, gây dị tật bẩm sinh, quái thai…

Ông Dương Quốc Ngự sinh năm 1950 sống tại Thành phố Sông Công, Tỉnh Thái Nguyên là một trong những nạn nhân của chất độc màu da. Năm 1969, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc tham gia quân đội, tại sư đoàn 304, sau khi đi huấn luyện được 3 tháng, ông lên tàu ga Lưu Sơn đi vào Thanh Hóa, sau đó đi đến biên giới xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 25 tháng 11 ông và các chiến sĩ được điều vào trong Nam chiến đấu.

Từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành gần 20.000 phi vụ rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, phần lớn trong số đó là chất độc màu da cam. Chúng làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái đảo lộn, nhiều loài động vật, thực vật bị tiêu diệt và đáng nói nhất là những hệ quả mà nó để lại đối với không chỉ người trực tiếp phơi nhiễm mà còn cả những thế hệ sau này.

Ông Ngự nhớ lại, những năm tháng ấy, trên chiến trường khốc liệt, địch rải thảm bom Napan, bom lân tinh, san bằng cả một khu vực khiến ông và đồng đội nhiều lần bị thương, thậm chí là hy sinh tại chỗ. Không những thế, để chống lại những đợt sốt rét rừng, những cơn đói khủng khiếp, có những lần cả đơn vị chỉ có thể tìm kiếm rễ cây, lõi chít, hoa quả rừng để sống qua ngày. Có như thế mới thấy được, nền hòa bình mà chúng ta đang hưởng quý giá đến nhường nào, bởi nó đã được đánh đổi bằng xương máu của ông cha ta.

Đặc biệt, một lần chiến đấu khiến ông nhớ mãi, đó là cái lần ông tưởng như cuộc đời của mình đến đây là kết thúc khi mà ông đang bị thương nhưng vẫn lăn về phía quân địch hòng tiêu diệt chúng. Lần ấy, ai cũng tưởng ông đã hy sinh, nhưng sau 7 ngày, ông bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng và mừng rỡ của mọi người. Lúc đó, có đồng đội xúc động “Tưởng mày chết rồi chứ” thì ông Ngự còn hồn nhiên “trách móc”: “Thế tao chết chúng mày không đi tìm tao à”.

Đầu năm 1975, ông lại tiếp tục bị thương. Lần này, ông được đưa về Gia Lâm để điều trị. Sau lần điều trị này qua sự giới thiệu của anh trai ông quen được bà Dương Thị Mai Thanh (1983) và cũng là người đã đồng hành cùng ông đến bây giờ. Nhớ lại thời gian ấy, ông ngậm ngùi kể lại: “Hôn lễ được tổ chức tại cơ quan hôm đó trời mưa như trút nước, do cha mẹ mất sớm lên khi tổ chức cũng chỉ có họ hàng, đồng nghiệp tham dự chúc mừng và đó cũng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời ông.”

Những mong ước nhỏ nhoi

Hạnh phúc chưa được bao lâu thì ông lại biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Ông chia sẻ: “Chất độc da cam khiến cơ thể ông thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy, đau nhức, có những lúc đau đến không thể đi được”. Chất độc da cam đã ảnh hưởng không ít đến cơ thể của ông và cả các con của ông, sau khi kết ông bà sinh được ba người con nhưng đều bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, điều này khiến việc lập gia đình đang khó khăn lại càng thêm khốn khó.

Ông cho biết sau khi sinh người con đầu lòng, vợ ông đã liên tục bị sảy thai ba lần sảy thai do ảnh hưởng của chất độc da cam điều này ảnh hưởng không ít đến tinh thần của bà. Bao nhiêu tiền ông bà đều dành dụm để điều trị cho các con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để mong một kì tích xảy ra.


Ông Ngự cùng người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam

Trải qua biết bao trận mưa bom, bão đạn, giờ đây ông chỉ có mong muốn đất nước mãi mãi được bình yên, những đứa con của ông không bị kỳ thị là quái thai. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng rằng có thể được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào giúp những người có cùng cảnh ngộ.

Được biết ba người con của ông bà là Dương Văn Bình (1980), Dương Thị Mai Thanh (1982), Dương Thị Dung (1984) đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng họ đều là những người có nghị lực vươn lên phi thường, họ đều đã có gia đình công việc làm ổn định và làm việc trong các cơ quan. Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bà bây giờ là nhìn những đứa con, đứa cháu có một cuộc sống ổn định, ấm no./.

Hoàng Long

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top