Công an Việt Nam những ngày đầu lập nước

(ĐHVO). Ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất tổ chức công an các địa phương dưới tên gọi chung là Việt Nam công an vụ. Lực lượng này trực thuộc Bộ Nội vụ. Việc bổ nhiệm lãnh đạo Việt Nam công an vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đề nghị và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm.

Theo đề nghị của Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, ngày 22 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Nguyễn Dương, đại diện Việt Nam Quốc dân đảng làm Tổng giám đốc Việt Nam Công an vụ.

Chủ tịch Trần Duy Hưng (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Nguyễn Dương là nhân sĩ yêu nước, không lo bị các đảng phái phản động lợi dụng, nhưng không có kinh nghiệm về công tác công an nên hàng ngày chỉ ở trụ sở làm các công việc sự vụ. Các công tác nghiệp vụ khác đều do các ông Lê Giản, Trần Hiệu, Nguyễn Tuấn Thức, Lê Hữu Qua, Chu Đình Xương, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Văn Minh ( Đảng viên Cộng sản) đảm nhiệm.

Ngày 18 tháng 4 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định số 121 – NV/NĐ quy định ngành công an có 3 cấp :

Cấp trung ương được gọi là Nha công an Việt Nam

Cấp Kỳ được gọi là Sở công an Kỳ

Cấp tỉnh được gọi là Ty công an tỉnh

Lúc này quân Tưởng đã vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật và ra mặt ủng hộ Việt Nam Quốc dân đảng. Tình hình chính trị đang có nhiều diễn biến xấu, Pháp lăm le trở lại nắm quyền cai trị và các đảng phái đối lập ngày càng ra mặt chống đối chính quyền. Vì vậy, ngày 2 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập gấp ông Lê Giản – tức Tô Gĩ, cựu điệp viên tình báo Anh cùng nhóm với ông Trần Hiệu – trở về Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Nha công an Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBHC Hà Nội Trần Duy Hưng

Những ngày cách mạng tháng Tám sục sôi, toàn dân người người đều hồ hởi tham gia cách mạng, nhưng vẫn có những lực lượng không chấp nhận đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc điều hành chính phủ, xây dựng đất nước.

Các đảng phái đang tham gia chính trường như đảng Việt Quốc, Việt Cách, Đồng minh hội (được Tưởng Giới Thạch ủng hộ), Đại Việt (thân Phát xít Nhật), những người Trotskyist, lực lượng chính trị mang tên “Chiến sĩ công giáo “… không từ mọi thủ đoạn nhằm làm suy yếu chính quyền nhân dân. Lợi dụng chính quyền còn non trẻ để tiến hành các hành vi vô chính phủ, cướp bóc và tổ chức ám sát các thành viên chính phủ để kích động bạo loạn, kết tội chính quyền yếu kém để đòi thay thế bằng chính quyền khác do họ lập nên.

Các ông Lê Giản, Trần Hiệu và lực lượng công an đã gấp rút xây dựng màng lưới cộng tác viên, gài người trong các tổ chức của địch, và triệt để khai thác mối bất hòa giữa các đảng phái đang hoạt động trên địa bàn thủ đô, phục vụ công tác bảo vệ chính phủ, bảo vệ nhân dân một cách xuất sắc.

Ngay trong ngày bầu cử đầu tiên của đất nước, biết đảng mình không thể giành chiến thắng, Việt Nam Quốc dân đảng đã cho lính mang súng đến chắn ở đơn vị bầu cử Ngũ Xã, không cho dân tiếp cận hòm phiếu.

Nhận được tin, Nha công an đã cho người đến bao vây nhóm này và hướng dẫn người dân Ngũ Xã đến bỏ phiếu ở đơn vị bầu cử ở phố Nguyễn Thái Học. Đồng thời Nha công an xin bổ sung thêm lực lượng, tăng cường người bảo vệ thành công các điểm bỏ phiếu trong thành phố. Bảo đảm nhân dân được an toàn trong lần đầu tiên đi thực hiện nghĩa vụ công dân của một quốc gia độc lập.

Các đại biểu quốc hội của Hà Nội ra mắt cử tri tại Khu Việt Nam học xá, ngày 12-1-1946 (Bác sĩ Trần Duy Hưng đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Cơ sở của công an trong hàng ngũ địch đã báo tin tổ chức Đại Việt Quốc dân đảng cử tên Nghiêm Xuân Chí đi ám sát đồng chí Sao Đỏ ( tức Nguyễn Lương Bằng ). Đồng chí Sao Đỏ là người phụ trách Kinh – Tài và đối ngoại  của Đảng, chuyên phụ trách việc giao thiệp giữa Đảng cộng sản và các đảng phái khác. Nắm được lịch trình của đồng chí Sao Đỏ, tên Nghiêm Xuân Chí giả làm người đạp xe, từ phố Huế đạp lên Bờ Hồ, chờ ô tô của đồng chí Sao Đỏ khi đi chậm ở ngã tư Hàng Khay – Tràng Tiền sẽ rút súng ám sát. Tên Chí là một xạ thủ giỏi của Đại Việt Quốc dân đảng.

Khi tên Nghiêm Xuân Chí đạp xe mới đến đầu phố Hàng Khay, chưa kịp dừng xe đã bị các trinh sát ùa vào quật ngã. Khám chiếc cặp da đã mở sẵn đang vắt trên gióng khung, lực lượng công an đã thu giữ được hai khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn sàng.

Việt Nam Quốc dân đảng còn âm mưu bắt cóc đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch ta nắm được, chúng sẽ cho người đợi sẵn sau nhà đồng chí Trần Duy Hưng, đợi lúc đồng chí Trần Duy Hưng về đến cửa nhà sẽ ùa ra khống chế lái xe và bắt cóc Chủ tịch thành phố lên xe ô tô đang đậu gần đấy.

Tiên vi hạ – Thủ vi cường ! Không đợi đến lúc đồng chí Trần Duy Hưng xuất hiện, các chiến sĩ công an Hà Nội đã bất ngờ vây bắt toàn bộ toán được giao nhiệm vụ bắt cóc Chủ tịch thành phố, thu giữ tang vật và phương tiện di chuyển của chúng mà không tốn một viên đạn nào.

Hồ Công Thiết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top