Chàng trai Quảng Nam: “Làm nên sự sống từ những khiếm khuyết”

(ĐHVO). Khi nghe những câu chuyện tương tự như thế này, nhiều người sẽ không còn mặc cảm với những khiếm khuyết cơ thể, đơn giản là vì chúng không phải là xấu, là bỏ đi, là vô giá trị…”

Nếu nhìn qua ai cũng tưởng ông trời ban cho Thiên quá nhiều: chiều cao, tài vẽ đẹp, chụp ảnh giỏi,… Thế nhưng để lạc quan và có thần thái như hôm nay, Thiên đã phải nỗ lực rất nhiều để chiến thắng nỗi tự ti khi bị khiếm thính dẫn tới khả năng giao tiếp vô cùng khó khăn.

Chàng trai Quảng Nam: Hoàng Trung Thiên

Ba ơi, sao con không thể nghe rõ thầy cô giảng bài, các bạn nói chuyện, mọi người nói lời yêu thương?

Hoàng Trung Thiên ở Quảng Nam cứ vừa nói bập bẹ, vừa ra dấu tay làm kí hiệu cho người đối diện như thế suốt 20 năm qua. Thiên bị khiếm thính ngay từ nhỏ, cậu không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh nên dẫn đến khả năng nói chậm, cứ thế lâu dần việc giao tiếp của Thiên trở nên khó khăn. Khiếm thính và nói “ngọng”  nhưng với nỗ lực và nghị lực sống, Thiên dần học cách thích nghi với khiếm khuyết cơ thể. Thiên có thể làm gần như mọi việc, chỉ có điều, có những việc tưởng chừng rấy đơn giản với nhiều người như nghe lời yêu, nói lời cảm ơn với ai đó thì với Thiên chỉ biết im lặng và cảm nhận bằng ánh mắt và nơi trái tim của mình. Dù vậy trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, cậu bé Trung Thiên vẫn tin rằng “lớn lên mình có thể nghe rõ âm, nói tròn chữ”.

Người ta hay bảo, với trẻ em điều quan trọng nhất là “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” nhưng Thiên khác với tất cả mọi người. Lên lớp 1, mẹ cho Thiên đeo máy trợ thính để cảm nhận niềm vui “giống như các bạn” chẳng được bao lâu thì Thiên phát hiện ra đôi tai ấy cứ nghe những tiếng lùng bùng, chẳng cảm nhận được âm thanh của cuộc sống.

“Đồ câm điếc thì làm được gì” – đó từng là câu nói ám ảnh với Trung Thiên trong suốt nhiều năm khi em đang ở độ tuổi lẽ ra chỉ nên có niềm vui. Những câu đùa cợt vô tư của bạn bè nhưng vô tình khiến Thiên ngày càng mặc cảm về bản thân mình. Nhất là khi bắt đầu học lớp 2, đủ lớn hơn, biết hơn về khiếm khuyết ấy. Đối với ai đó, khi vui họ sẽ cười và chia sẻ niềm vui, khi buồn cũng có thể tâm sự với người khác. Thiên thì không! Một câu Thiên phải nói lại 5,7 lần, mất vài phút để biểu đạt. Bố mẹ Thiên cũng là người khiếm thính nên mỗi lần ấm ức, buồn tủi Thiên chỉ lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong.

Căn nhà gia đình Thiên hầu như không có tiếng nói tiếng cười, chỉ duy nhất một không gian lặng im. Dần dần, để tạo cho mình lớp áo giáp chống lại những mặc cảm, tự ti, Thiên chọn cách cô lập chính mình. Vào giờ ra chơi, khi các bạn ra sân vui đùa, Thiên thường ngồi trong lớp vẽ và vẽ. Thiên nói, khi vẽ em được sống trong một thế giới khác. Thiên hầu như chẳng chơi với ai, thậm chí chẳng nhìn ngó xung quanh.

Có những lúc đang ngồi học, Thiên bật khóc trong vô thức vì bỗng nhiên nhận ra bản thân chẳng bao giờ được “bình thường” như mọi người. Nhưng Thiên chẳng bao giờ tâm sự hay chia sẻ cùng ai, Thiên chỉ lủi thủi ngó ra cửa, mong có con bướm nào ghé, xem có cái lá nào đậu lại không rồi lại lẳng lặng vẽ lại một cách đẹp nhất. Từ lúc biết mình như thế, Thiên cũng thôi cười nói, vui chơi như lũ trẻ cùng tuổi. Thiên bảo em nghe bằng mắt, nên em cần rất nhiều năng lượng để lắng nghe cuộc sống này.

“Cuộc sống là của mình, chỉ có mình mới có quyền quyết định!?”

Gia đình Thiên, không có ai có khiếu vẽ, nhưng riêng Thiên thì đam mê hội hoạ và có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Ước mơ lớn nhất của Thiên là được vào đại học. Bố mẹ Thiên từng không ủng hộ con trai theo đuổi giấc mơ, ngay cả dòng họ của Thiên cũng vậy. Cứ mỗi lần Thiên nhắc tới việc đi học Đại học ở Sài Gòn, thì cả nhà lại lo ngại và ngăn cản bởi sau này ra trường liệu Thiên có thể xin việc làm với tình trạng khiếm khuyết của mình. Thiên chia sẻ: “Nhớ lại quãng thời gian đó em vẫn còn cảm giác cô đơn, sợ hãi. Tuy nhiên, những bức tranh vẽ đã giúp em xoa dịu sự trống trải. Em hay cầm cọ và tưởng tượng ra cánh đồng hoa rực rỡ rồi vẽ theo. Nhờ hội hoạ mà em tự bước qua được bóng tối, hòa đồng với mọi người hơn và tự tin khi biết được năng khiếu của mình là gì. Có người nói chạy được thì tốt, không chạy được thì đi bộ, cùng lắm thì bò, nhưng vẫn phải đi về phía trước. Nên dù em có điếc thì em vẫn nghe cuộc sống bằng ánh mắt, bằng tâm hồn và thể hiện qua nét vẽ.

Sau hơn 3 tháng học nghề tại một trung tâm ở Đà Nẵng, Thiên vẫn quyết tâm vào Sài Gòn để theo học ngành thiết kế đồ hoạ tại trường Cao Đẳng Quốc tế FPT Arena dù không có một sự ủng hộ nào.

Thiên vô tình biết tới tổ chức ICI Việt Nam –  Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh Nhân Trẻ Thế Giới, CED – Trung tâm nghiên cứu giáo dục Người khiếm thính Việt Nam. Nơi ấy có những con người đầy năng lượng, luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân và cống hiến cho cộng đồng mà không cần biết bạn là người có hoàn cảnh như thế nào? Thiên đã tìm được những người anh chị, người bạn thực sự mà mình chưa bao giờ có. Biết Thiên có năng khiếu vẽ đẹp, các anh chị trong Ban tổ chức đã chọn Thiên làm người thiết kế cho những tài liệu liên quan đến chương trình của JCI, từ đó Thiên đã cảm nhận “sự sống” trong mình bắt đầu ươm mầm.


Thiên tham gia Đại hội đầu năm của JCI – 2020 New Year Convention & Inauguration Ceremony

Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 Ngọc Diễm – Chủ tịch JCI Việt Nam xúc động trao giải thưởng “Tình nguyện viên âm thầm cống hiến của JCI Vietnam 2019” cho Hoàng Trung Thiên

Ước mơ của Thiên: “Một người khiếm thính mạnh mẽ theo đuổi đam mê khám phá thế giới”

Tiếng lòng con người không ai có thể ngăn được và không ai có thể nói thay ai.  Đối với Thiên mà nói, mỗi một người Thiên gặp sẽ mang lại cho mình một bài học nào đó dù có thể rất nhỏ. Nhưng Thiên yêu những bài học nhỏ nhặt đó, từng chút từng chút một làm nên Thiên của bây giờ. Thiên thích vẽ, thích chụp ảnh và giờ còn gì hạnh phúc bằng khi Thiên chính thức được là một nhân viên thiết kế đồ hoạ tại Công ty Cổ phần Kiến trúc Thước Tầm. Ở nơi đó, Thiên được các anh chị yêu thương, hỗ trợ từ công việc cho đến sinh hoạt hàng ngày. Thiên đã làm được sau vô số lần gửi đơn xin việc mà chưa kịp phỏng vấn chỉ vì lý do: “Em là người khuyết tật”.

Cuộc sống thì không ai có thể lạc quan mãi được. Thiên chia sẻ: “Cũng nhiều lần em tự khóc giữa Sài Gòn này, cần những người có thể kéo mình ra khỏi những cảm xúc tiêu cực.” Những lúc mệt mỏi, Thiên lại tự nương tựa vào vai mình và nghĩ tới lúc bắt đầu. Thiên nhớ về chị Trần Hoàng Nghi – Giám đốc Truyền thông Công ty Thước Tầm đã tin yêu trao cho Thiên cơ hội làm việc, cô Dương Phương Hạnh – Giám đốc CED, người đã từng đồng cảm, mời Thiên tham gia vào Câu lạc bộ tín hiệu môi để Thiên hoà nhập với mọi người và cả những anh chị trong JCI Việt Nam. “Sự yêu thương, sự động viên của người khác đã vực em dậy, nên em nghĩ mình cứ tham gia cống hiến cho các tổ chức, cứ tự tin làm những điều mình nghĩ là đúng, rồi sẽ có lúc những điều đó có thể vực những người khiếm khuyết một phần cơ thể nào đó giống như em.

Dù Thiên đã tốt nghiệp cao đẳng rồi, nhưng ước mơ được học Đại học từ hồi bé vẫn còn, nên nhất định Thiên phải tham gia học tập tại một trường Đại học liên thông ngành phù hợp. Cùng với đó, Thiên đang dự định xây dựng “Hành trình du lịch Việt Nam”. Hành trình ấy sẽ bắt đầu vào năm 2023, ghi lại những hình ảnh đẹp về các cung đường, thiên nhiên hùng vĩ, khám phá văn hoá ở mỗi nơi mà Thiên đi qua thông qua lăng kính của mình.  Trong dự định của hành trình du lịch Việt Nam, Thiên ấp ủ ý tưởng gây quỹ để sửa trường, xây lớp học cho trẻ em nghèo miền núi…

“Nên việc trước mắt bây giờ em phải rèn luyện sức khoẻ để đi học, đi làm tích luỹ tiền để mua máy ảnh, mở một tài khoản tiết kiệm. Em rất thích làm một travel blog, trước đây em có học một khoá chụp hình, nhưng mỗi lần thực hành thì toàn phải đi mượn máy hình thôi…!” Ánh mắt Thiên trong veo, nụ cười rạng rỡ khi nói về dự định đẹp đẽ ấy…

Kiều Oanh

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top