Cần làm gì khi không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã?

(ĐHVO). Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 01/07/2021 vừa qua khiến nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp, trong đó bao gồm người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, vô cùng phấn khởi vì số tiền trợ cấp đã được tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, một số người hụt hẫng, thấy khó hiểu không biết tại sao họ đang nhận trợ cấp được một thời gian dài nay lại bị cắt trợ cấp khuyết tật. Trong trường hợp người khuyết tật không đồng ý với việc trên thì họ cần làm gì? Sau đây, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt sẽ giải đáp thắc mắc trên.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Câu hỏi: Tôi tên là Nguyễn Thị N. (28 tuổi), quê ở Thanh Hóa, tôi bị yếu hai chân bẩm sinh, được xác định là người khuyết tật nặng và hưởng trợ cấp khuyết tật 26 năm nay. Mấy hôm trước, tôi cùng với những người khuyết tật khác được triệu tập lên Ủy ban nhân dân xã để xác định lại khuyết tật. Khi đó, Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã hỏi tôi các câu hỏi như: có ăn uống được không? Có nghe được rõ không? Có nói được không?… Rồi quyết định tôi bị khuyết tật nhẹ nên không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp từ 01/7/2021. Bây giờ tôi không đồng ý với kết luận trên của Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã thì phải làm như thế nào? Mong Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Sau đây, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt xin tư vấn cho chị như sau:

I. Căn cứ pháp lý

Luật Người khuyết tật năm 2010;

– Nghị định 28/2012/NĐ-CP;

– Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

– Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH.

II. Giải quyết vấn đề

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.

Khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng Giám định y khoa. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thuộc một trong các trường hợp xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật 2010.

Theo đó, bạn có quyền yêu cầu được xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định y khoa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH và dẫn chiếu đến quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật năm 2010, Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật có trách nhiệm hoàn chỉnh 01 bộ hồ sơ chuyển đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của huyện trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định hồ sơ khám giám định bao gồm:

– Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân xã nơi đối tượng đang cư trú.

– Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).

– Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

– Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).

– Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

Ngay sau khi nhận hồ sơ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ khám giám định, nếu hồ sơ đã hoàn chỉnh thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chuyển hồ sơ khám giám định đến Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh. Trong thời gian 30 ngày làm việc, Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm tổ chức khám giám định và kết luận dạng tật và mức độ khyết tật.

Lưu ý: Trường hợp người đại diện hợp pháp của chị khi làm thủ tục khám giám định cho người khuyết tật phải có các giấy tờ sau:

– Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh hợp pháp.

– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chị đăng ký hộ khẩu thường trú về quyền đại diện hợp pháp đối với người khuyết tật.

– Trường hợp đại diện hợp pháp của người khuyết tật là cơ quan, tổ chức thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đó theo quy định.

Như vậy, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng với những hướng dẫn trên đây, chị có thể bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp chị không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định khuyết tật hoặc có căn cứ nghi ngờ rằng kết luận của Hội đồng xác định khuyết tật không có sự khách quan, chính xác.

Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt qua Hotline: 19006248.

Tiểu Nguyên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top