Bình Thuận: Xây dựng môi trường không rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật

(ĐHVO). Một trong những mục tiêu được UBND tỉnh Bình Thuận đề ra trong kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật (NKT) năm 2023 đó là xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình.


Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh: Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bình Thuận

Chương trình trợ giúp NKT năm 2023 của tỉnh Bình Thuận đề ra mục tiêu cụ thể: 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 500 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.

Có 50% NKT trong độ tuổi lao động có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm phù hợp; 80% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao đảm bảo điều kiện để NKT tiếp cận.

Về quyền tham gia giao thông, 30% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% NKT khi tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định.

Tỷ lệ NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 25% so với tỷ lệ chung cả tỉnh. 50% huyện, thị xã, thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận và thu hút 10% NKT tham gia tập luyện; 10% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và luyện tập thể dục, thể thao.

Về công tác trợ giúp NKT, 80% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 80% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.

Để hiện thực hóa được những mục tiêu nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, các đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp NKT năm 2023. Trong đó, cần chú trọng các nội dung: Tập huấn nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NKT; thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế đối với NKT; hỗ trợ NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi, tặng quà tại các dịp kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và ngày Quốc tế người khuyết tật (03/12).

Kim Huyên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top