Bảo đảm quyền làm việc cho lao động là người khuyết tật

Lao động là nhân tố quan trọng trong sự phát triển đất nước. Ở Việt Nam, lao động là người khuyết tật (lao động khuyết tật) là thành phần lao động chiếm tỉ lệ không nhỏ trong hệ thống nguồn nhân lực lao động. Tuy nhiên, do ở vị trí yếu thế hơn so với các lao động bình thường khác nên dẫn đến quyền được làm việc của lao động khuyết tật chưa được bảo đảm một cách hiệu quả gây ảnh hiểm nghiêm trọng đến quyền cơ bản của công dân. Bài viết giúp người đọc hiểu hơn về lao động khuyết tật từ các quy định pháp luật về bảo đảm quyền làm việc cho lao động khuyết tật đến thực tiễn thực hiện những quy định này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm việc cho lao động khuyết tật ở Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Việt Nam hiện nay vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại cùng với đó là ảnh hưởng của nhiều yếu tố như điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra nên số lượng người khuyết tật (NKT) chiếm tỉ lệ khá cao so với các nước trên thế giới. Do đó, bảo đảm quyền làm việc cho lao động khuyết tật (LĐKT) có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ vấn đề kinh tế mà còn thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc. Khi được bảo đảm quyền làm việc, NKT sẽ có thêm tự tin cống hiến những năng lực mình có, đây cũng là lực lượng lao động không nhỏ góp phần phát triển kinh tế. Việc làm sẽ giúp NKT gạt bỏ đi tâm lý e ngại, tự ti, giúp họ hòa nhập cộng đồng, không còn tâm lý dựa dẫm phụ thuộc vào người khác, giảm bớt gánh nặng cho toàn xã hội.

Bên cạnh những quy định của pháp luật quốc tế thì pháp luật trong nước cũng rất chú trọng đến việc bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT, với sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 và Bộ luật Lao động 2019 cùng với hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan khác quy định về bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT. Song vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những chính sách để bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả, từ quy định pháp luật đến thực tiễn còn khoảng cách khá lớn nên bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT còn gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, công tác giám sát, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật để bảo đảm quyền làm việc cho đối tượng này vẫn chưa được thực hiện triển để. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật và thực hiện pháp luật tốt hơn để bảo vệ quyền làm việc cho LĐKT ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết.

Những bất cập về bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT theo quy định hiện hành

Chưa có quy định về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi cho LĐKT

Bộ luật Lao động 2019 không quy định cụ thể về thời gian làm việc đối với  LĐKT để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong lao động. Tuy nhiên, thực tế có thể xảy ra tình trạng LĐKT bị làm dụng làm thêm giờ, bị bóc lột sức lao động trong khi họ lại là đối tượng yếu thế hơn so với các lao động bình thường khác và thường có tâm lý tự ti, e ngại nên trong nhiều trường hợp họ thường chọn im lặng khi bị lợi dụng về thời gian làm việc.

Quy định về làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với lao động là  NKT

Pháp luật chỉ quy định về cấm sử dụng lao động là NKT suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, mặc dù thể hiện tính nhân văn nhưng cũng là một thách thức đối với người sử dụng lao động. Thách thức ở đây chính là người sử dụng lao động phải rất cân nhắc khi nhận nhiều lao động là NKT vào làm việc, vì khi cần tăng ca, thêm giờ để kịp tiến độ sản xuất là câu chuyện không được làm vì bị cấm. Điều này vô hình chung làm nhà tuyển dụng e dè, hạn chế nhận lao động là người khuyết tật.

Quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận LĐKT vào làm việc còn chưa hiệu quả

Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng LĐKT vào làm việc đến 30% tổng số lao động nhưng vẫn rất khó nhận được những ưu đãi về thuế bởi lẽ thủ tục để được hưởng ưu đãi rất phức tạp và phải gia hạn thường xuyên LĐKT mỗi năm. Luật Người khuyết tật không quy định việc ưu đãi việc làm cho NKT là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích, điều này chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng và sử dụng LĐKT. Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận NKT vào làm việc là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này. Ngoài khó khăn khi bố trí việc làm cho NKT, các doanh nghiệp còn khá vất vả với việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu NKT trong khi làm việc. Vậy nên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng các doanh nghiệp vẫn không muốn nhận NKT vào làm việc.

Quy định pháp luật về dạy nghề cho LĐKT chưa thực sự phù hợp

Vấn đề dạy nghề gắn với tạo việc làm ở đầu ra cho NKT, tuy nhiên quy định về thời gian dạy nghề còn ngắn chủ yếu là đào tạo sơ cấp và dưới 03 tháng, chưa gắn với nội dung yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy đối với nhiều LĐKT thì thời gian đào tạo 03 tháng không đủ để thành nghề, ví dụ trường hợp LĐKT chưa biết chữ, khiếm khuyết các bộ phận cơ thể thì quá trình tiếp thu các kiến thức về tin học, máy móc sẽ chậm nên thời gian đào tạo nghề với thời hạn dưới 03 tháng là không đủ nên dẫn đến trình độ tay nghề không cao, khi đó NKT tìm kiếm việc làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT

Hệ thống pháp luật liên quan đến NKT đang từng bước được hoàn thiện đã tạo nhiều cơ hội hơn cho NKT được học tập, dạy nghề và tìm kiếm việc làm. NKT cũng khá dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để học nghề, tìm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hàng nghìn dự án của NKT và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT(1). Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vẫn còn những hạn chế như:

(1) Các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng LĐKT chưa thật sự được các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm. Phía người sử dụng lao động có nhiều lý do để từ chối nhận LĐKT vào làm việc, trong đó có lý do xuất phát từ quy trình, thủ tục để được nhận các ưu đãi phức tạp và phải gia hạn nhiều lần, dẫn đến số lượng LĐKT làm việc tại các doanh nghiệp còn rất thấp.

(2) Đào tạo nghề cho NKT còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Số lượng NKT tham gia học nghề chiếm tỉ lệ thấp, mặc dù hiện nay các quy định về ưu đãi đối với người học nghề rất được Nhà nước chú trọng nhưng số lượng NKT biết đến việc học nghề và có mong muốn tham gia học nghề còn rất ít. Một bộ phận LĐKT vẫn không tìm được việc làm mặc dù đã qua đào tạo nghề, nguyên nhân chính do chất lượng đầu ra. Vì vậy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với LĐKT là vô cùng cần thiết.

(3) Việc NKT vay vốn để tự sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có quy định vay vốn dành riêng cho NKT hoặc chưa có nguồn vay vốn riêng dành cho NKT trong Quỹ việc làm. Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích NKT tạo việc làm bằng cách vay vốn qua Quỹ quốc gia về việc làm nhưng lại không phân bổ số vốn dành riêng cho NKT trong Quỹ việc làm. Đây là lý do chính trở thành rào cản khiến NKT khó tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi. Cùng với đó, mức vay vốn để giải quyết việc làm còn thấp. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có NKT, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỉ lệ NKT được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp. Tại nhiều địa phương, hàng năm số vốn đưa về cho các tổ chức chính trị – xã hội eo hẹp trong khi số lượng người có nhu cầu vay cao, điều này dẫn đến thay vì dồn vốn cho một số người với mức vay cao thì phân bổ cho nhiều người với mức vay thấp(2).

Giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT

Một là, có quy định riêng về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi cho lao động là NKT. Sửa quy định cấm sử dụng LĐKT từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nên đổi từ cấm sang cho phép nhưng có điều kiện về lương, thưởng, chế độ ưu đãi. Như vậy sẽ vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa tăng thêm thu nhập cho  lao động là NKT. Bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động cần phải thực hiện giám định mức độ khuyết tật cho LĐKT trước khi nhận LĐKT vào làm việc để có thể bảo đảm đáp ứng vấn đề làm thêm giờ.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về khuyến khích doanh nghiệp nhận LĐKT vào làm việc để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách khuyến khích nhận LĐKT vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện nay chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm việc tuy đã có những tích cực nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng, các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp còn chưa nhiều và khó thực hiện trên thực tế khiến cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lảng tránh việc nhận LĐKT vào làm việc. Do đó cần cụ thể hóa, chi tiết hóa chính sách ưu đãi đối với người sử dụng lao động khi tuyển dụng LĐKT như: doanh nghiệp sử dụng dưới 30% lao động là NKT thì không được hỗ trợ vay vốn; miễn cho doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội đối với người LĐKT và số tiền thâm hụt đó sẽ được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước; hỗ trợ tiền cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lao động cho NKT; có sự tách biệt giữa biện pháp khuyến khích với biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp sử dụng NKT nhằm giảm bớt gánh nặng cho người sử dụng lao động, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới các trung tâm giới thiệu việc làm cho NKT dưới nhiều hình thức khác nhau như trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm người tìm việc – việc tìm người dành cho NKT hoặc các câu lạc bộ giới thiệu việc làm…(3).

Ba là, hoàn thiện các quy định pháp luật về đào tạo nghề cho LĐKT nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề. Hiện nay, để nâng cao chất lượng nguồn lao động là NKT thì bên cạnh khuyến khích những cơ sở giáo dục và dạy nghề được thành lập thì việc bảo đảm số lượng người được tham gia học và nội dung học cũng hết sức cần thiết. Cùng với đó cần tiến hành bổ sung thêm các chính sách ưu đãi đối với các học viên là LĐKT tham gia đào tạo nghề. Cần sửa đổi quy định pháp luật về thời gian đào tạo từ 03 tháng nâng lên 06 tháng hoặc 01 năm tùy theo từng ngành nghề. Xây dựng chương trình học dành riêng cho đối tượng đặc biệt là NKT, trong đó có cả chương trình dạy ngoại ngữ cho người khuyết tật. Thực hiện nghiên cứu sửa đổi các quy định về các ngành nghề trong chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với thị trường lao động.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT. Mặc dù các quy định pháp luật đã được ban hành cụ thể, tuy nhiên trên thực tế vấn đề vi phạm quyền làm việc cho LĐKT vẫn xảy ra, LĐKT khi quyền lợi bị xâm phạm họ thường chỉ biết im lặng. Do vậy cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật tại các cơ sở làm việc có LĐKT.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức xã hội về quyền làm việc cho LĐKT, phổ biến các chính sách nhằm bảo đảm quyền làm việc đến LĐKT. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách, lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề cho lao động là NKT như các chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất thấp, được ưu tiên cho thuê đất… để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các các chính sách đó, cũng như khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuyển dụng LĐKT vào làm việc.

Sáu là, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho LĐKT để tham gia xin việc, tìm việc và làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp. Nhiều NKT thay vì học tập, tự lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn thì lại chọn cách thu mình lại và thiếu tự tin. Vì vậy, NKT cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, để đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng từ đó khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Chỉ khi NKT hiểu rõ được quyền lợi, nghĩa vụ, khả năng của bản thân, họ mới có thể thuyết phục được người khác tôn trọng, nhìn nhận năng lực của mình. Phía gia đình LĐKT cần nhận thức đúng các quy định pháp luật về quyền làm việc thì mới có thể hỗ trợ, khuyến khích NKT phát triển một cách tối đa năng lực của họ. Từ đó nâng cao nhận thức, sự tự tin để họ thể hiện bản thân, sẵn sàng hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Bảy là, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức trên các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm và quản lý đối với NKT. Tăng cường hơn nữa năng lực giới thiệu việc làm sau đào tạo nghề của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm nhằm giúp LĐKT đã qua đào tạo nghề được tiếp cận với nhiều nguồn việc làm hơn.

Kết luận

Quyền làm việc có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với LĐKT mà còn ý nghĩa đối với nền kinh tế và sự phát triển của toàn xã hội. Quyền làm việc của LĐKT được bảo đảm sẽ góp phần đưa những người này tiến tới hòa nhập xã hội, bảo đảm quyền con người được thực hiện một cách đầy đủ, từ đó xây dựng nền tảng xã hội công bằng và tiến bộ.

Bảo đảm quyền làm việc cho LĐKT được quy định đầy đủ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với LĐKT, điều này có ý nghĩa đặc biệt góp phần tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Để đạt được hiệu quả cao trước hết cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp, các ngành, sự quan tâm của toàn cộng đồng và cùng sự thực hiện từ phía người LĐKT.

(1) Nguyễn Bích Ngọc (2016), Việc làm cho người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội.

(2) https://baodansinh.vn/phat-trien-dao-tao-nghe-cho-nguoi-khuyet-tat-72440.htm

(3) https://tuvanmienphi.vn/vi/phap-luat/94-mot-so-vuong-mac-trong-chinh-sach-lao-dong-viec-lam-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-va-kien-nghi.html

Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top