“Trung ứng vách sắt” Trương Tấn Bửu

(ĐHVO). Trong bóng đá Việt Nam, có một người đã lập nên một mốc son vàng, trở thành cầu thủ Việt Nam duy nhất đoạt Huân chương Công trạng thế kỷ của FIFA (FIFA Centennial Order of Merit). Đó là ông Trương Tấn Bửu (22/04/1914 – 4/2/2001)

Từ năm 1896, môn bóng đá đã theo chân lính Pháp đến Nam Kỳ – vùng đất khi đó đã bị triều đình nhà Nguyễn cắt cho Pháp làm thuộc địa. Đến năm 1907, có hai đội bóng thuần Việt được thành lập nên đội theo mô hình các câu lạc bộ bóng đá của Pháp lúc bấy giờ. Đó là đội Gia Định Sport do ông Ba Vẻ và ông Phú Khai thành lập và đội Ngôi sao xanh ( Etoile Bleue ) do ông tri huyện Nguyễn Đình Trị thành lập. Sau một thời gian, hai đội hợp nhất, lấy tên là đội Ngôi sao Gia Định. Tại giải vô địch Nam Kỳ lần đầu tiên, đội Ngôi sao Gia Định đã thắng giòn giã và tiến thẳng tới tận chung kết. Trong trận này, đội Ngôi sao Gia Định đã chiến thắng đội Cercle Sportif Saigonnais của ông bầu Breton, Hội trưởng Hội thể thao Nam Kỳ và đoạt chức vô địch. Đến tận năm 1954, Ngôi sao Gia Định vẫn là đội bóng mạnh nhất Nam Kỳ với nhiều cầu thủ được ghi danh như Maurice Tài, Cón, Lý Đức, Dương Văn Quới (Trụ Đồng), Hiếu, Thọ Hai, Tư (Mũi tên Vàng Đông Dương), Dương Bạch Mai, Mỹ (Cọp Đông Nam Á), Đỗ Quang Thách (Thuật sỹ bóng đá), Thọ Ve, Bùi Nghẻn, Khê, Đặng Khải… Một trong những cầu thủ đó là ông Trương Tấn Bửu, người được Liên đoàn Bóng đá Thế giới trao Huân chương Công trạng Thế kỷ, vì những đóng góp to lớn của ông cho bóng đá Việt Nam và thế giới.

Ông Trương Tấn Bửu tên thật là Trương Văn Niên, sinh ngày 22/04/1914 tại xã Trường Bình, Cần Giuộc (Long An). Từ năm 1930, khi mới 17 tuổi, ông đã chính thức khoác áo đội Thiếu sinh quân ( Enfants De Troupe ). Sau đó, ông gia nhập đội Auto – Dall, Stade Militaire và cuối cùng đầu quân cho đội Ngôi sao Gia Định. Ông Bửu có vóc người cao lớn, kỹ thuật chơi bóng tốt và có tầm quan sát rộng. Vị trí đá của ông trên sân là ở tuyến giữa (Trung ứng). Ông đã chơi bóng như một libero của bóng đá hiện đại với những pha thu hồi bóng dũng mãnh, những đường chuyền như đặt, khiến tiền đạo đội nhà luôn có ưu thế khi tranh cướp bóng với hậu vệ đội bạn. Ông là cầu thủ sở hữu kỹ thuật vượt trội so với những người cùng thời.

Đội bóng thể công những ngày đầu. Ông Trương Tấn Bửi mặc áo sáng màu ngồi phía trước

Người hâm mộ hồi ấy đã dùng từ “chặt bóng” để nói về đường chuyền của ông. Chân ông lướt sát mặt cỏ, tiếp xúc quả bóng ở phía dưới khiến bóng vọt lên cao, qua đầu hậu vệ đối phương rồi rơi gần thẳng đứng trước mặt tiền đạo đội nhà khiến việc khống chế bóng của đồng đội trở nên dễ dàng. Dù chuyền mạnh đến mấy, đường bóng ông chuyền ít khi vọt ra khỏi vạch sân. Nếu bóng đá hiện đại những năm 1980 có cầu thủ Ronald Koeman của Hà Lan nổi tiếng thế giới với cú sút phạt sấm sét, thì những cú sút của ông Trương Tấn Bửu thời đó còn dữ dội hơn. Từ khoảng cách 18 đến 20 m, những cú sút như búa bổ của ông nếu bị đập xà thì sẽ khiến cả khung thành rung lên bần bật. Ông đã được người hâm mộ và đồng nghiệp gọi một cách trân trọng là “Trung ứng vách sắt” hoặc “Túc cầu Đại vương” của bóng đá Việt Nam.

Ông Trương Tấn Bửu tham gia đội tuyển Nam Kỳ và liên tục thi đấu cho đội tuyển từ năm 1936 đến năm 1945 tại nhiều nơi ở Châu Á như Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Campuchia… Đầu năm 1945, khi đang chơi cho đội Stade Militaire và cả đội tuyển Nam Kỳ, ông tham gia rải truyền đơn cho cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông vào bộ đội và bị thương trong chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Tới năm 1954, ông theo sư đoàn 330 tập kết ra Bắc cùng hai người con trai là Trương Tấn Nghĩa và Trương Tấn Kiệt, đóng quân tại Thanh Hóa. Ngày 23/9/1954, theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục thể thao Quân đội (về sau gọi tắt là Thể công) được thành lập với nòng cốt ban đầu là 23 cán bộ chiến sĩ của Trường sĩ quan Lục quân 1. Năm 1955, nghe tin ông Trương Tấn Bửu đang ở Thanh Hóa, đội Thể công vội về đón ông lên Hà Nội. Lúc đó ông Bửu đã 41 tuổi, vừa làm cầu thủ vừa làm huấn luyện viên cho đội. Ông là huấn luyện viên trưởng đầu tiên của bóng đá Việt Nam dẫn đội đi thi đấu tại Trung Quốc và Campuchia năm 1956 và 1957. Năm 1958, ông dẫn đội Thể công tham dự Giải SKDA (Quân đội các nước XHCN) tại CHDC Đức. Năm 1959, ông Trương Tấn Bửu cùng một số cầu thủ Thể công và cả một số cầu thủ các đội bóng khác được điều về thành lập Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương (Nhổn). Ông được bổ nhiệm chức Phó giám đốc, trực tiếp phụ trách đội bóng đá Trường huấn luyện. Năm 1970, Trường huấn luyện giải thể, ông về làm chuyên viên tại Ủy ban TDTT và làm trưởng đoàn hoặc HLV đội tuyển đi thi đấu tại nước ngoài. Năm 1975, ông về làm giám đốc Sở Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi về hưu năm 1987.

Hồ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm cùng đội Thể công tại giải đấu SKDA

Trong lịch sử bóng đá thế giới, ông Trương Tấn Bửu là người duy nhất của Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tặng Huân chương Công trạng Thế kỷ (FIFA Centennial Order of Merit) vì sự đóng góp to lớn cho bóng đá Việt Nam và thế giới.

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang