Trách nhiệm quản lý nhà nước trong trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Sáng nay (6.8), Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.

Chịu trách nhiệm giải trình chính là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.

Tham dự Phiên giải trình còn có Thứ trưởng các Bộ liên quan như: Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Giao thông – Vận tải; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam; Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi và người khuyết tật cho vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: mức trợ cấp còn thấp; một số người cao tuổi và người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, việc làm; nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật; năng lực cán bộ cơ sở làm công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội hết sức quan trọng này…


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh  phát biểu khai mạc Phiên giải trình

Là cơ quan của QH chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi và Luật Người khuyết tật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá trách nhiệm của Bộ LĐ, TB và XH, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật, qua đó có căn cứ và cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật ngày càng gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung và người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng. “Phiên giải trình là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai, minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về thực trạng quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Qua đó, thống nhất về nhận thức và đồng thuận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian tới; từng bước tháo gỡ các khó khăn, phòng ngừa và tiến tới gỡ bỏ các rào cản trên con đường bao vệ, bảo đảm và thực thi quyền của người cao tuổi, người khuyết tật để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Báo cáo tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung thừa nhận thực tế triển khai các hoạt động của một số bộ, ngành, địa phương với công tác người cao tuổi còn chậm, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác người cao tuổi. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể còn coi công tác người cao tuổi chỉ là hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn.

Đời sống của người cao tuổi và người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước trong khi mức trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% so với chuẩn nghèo nông thôn. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đúng mức. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại cho người khuyết tật là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là khu vực đô thị, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật Người khuyết tật.


Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên giải trình

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ nhất trí với quan điểm của các đại biểu về việc nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật, cố gắng sớm nhất cuối năm nay sẽ báo cáo Chính phủ xem xét vấn đề này. Nhất trí việc cần xem xét giảm độ tuổi người cao tuổi từ 80 hiện nay xuống 75, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, cần sớm nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân online

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top