Thái Nguyên: Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2021

Chiều ngày 27-12, Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2021.

Theo số liệu thống kê được công bố, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế – xã hội của đất nước và mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Cả hệ thống chính trị và toàn dân đã phải căng mình chống dịch. Trong bối cảnh đó, tỉnh Thái Nguyên với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền địa phương; sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Một số kết quả cụ thể:

1. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 6,51%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn năm 2021 cũng gặp nhiều khó khăn do vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, với sự chủ động, bám sát, nắm bắt diễn biến tiến độ, chỉ đạo kịp thời của ngành chức năng và các địa phương nên hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được kết quả tốt.

3. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng linh hoạt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để duy trì và phát triển sản xuất nên sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá.

4. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ dự báo còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Hoạt động bán lẻ trên địa bàn vẫn bị tác động do tâm lý lo ngại về dịch bệnh, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm các nhóm hàng hóa thiết yếu và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết. Hoạt động du lịch chưa thể phục hồi nhanh chóng nên sẽ ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

5. Vận tải kho bãi là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 khi nhiều địa phương trong cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng thì hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi khá và đạt tăng trưởng so với cùng kỳ.

6. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn cầu, hạn chế cả ở phía cung và phía cầu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã có những giải pháp duy trì, thúc đẩy sản xuất và tìm kiếm thị trường nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh trong năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.

7. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng cũng như nhu cầu sử dụng một số loại hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng chung. Bình quân năm 2021, CPI chỉ tăng 1% so với cùng kỳ; đây là tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

8. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới tính đến thời điểm 20/12/2021 tăng 16,6% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký tăng 73,8% so với cùng kỳ, kết quả này cho thấy sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

9. Vốn đầu tư của cả ba khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI trong năm 2021 đều đạt tăng trưởng khá nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 ước đạt trên 52 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2020.

10. Do các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều khoản thu trong năm 2021 bị giảm so với cùng kỳ, nhưng nhìn chung công tác quản lý thu, chi ngân sách đã đáp ứng kịp thời kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh.

Bạn đọc quan tâm có thể xem chi tiết trên Website của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (http://cucthongkethainguyen.gov.vn).

Đỗ Thị Thìn

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top