Báo Người cao tuổi số 127 (2487) đăng bài phản ánh vụ việc nêu trên. Theo đó, các việc làm từ kiểm tra hợp đồng quảng cáo báo chí, đến bỏ phiếu tín nhiệm… đều nhắm vào một mục tiêu là loại bỏ bà Tạ Thị Thu Chung khỏi Văn phòng Công ty than Nam Mẫu. Mới đây, Giám đốc Công ty đã kí quyết định điều động bà Chung về phân xưởng Phục vụ đời sống, làm công nhân phục vụ bàn, phụ bếp. Trước đó, Giám đốc Công ty này cũng đã kí nhiều quyết định thuyên chuyển công tác đối với nhân viên đang trong thời kì thai sản,… Như đã phản ánh, bà Tạ Thị Thu Chung, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành âm nhạc, được Xí nghiệp than Nam Mẫu (nay là Công ty) tiếp nhận về làm việc tại Văn phòng-Quản trị. Sau này, bà Chung được giao phụ trách truyền thông, với các công việc: Viết đề xuất, chuẩn bị các bước để Công ty kí hợp đồng truyền thông với các báo và tạp chí (khi được lãnh đạo Công ty chấp nhận)… Ngoài ra, bà Chung còn tham gia viết bài, xây dựng kịch bản, biên tập, phát thanh viên các chương trình phát thanh và truyền hình… Từng được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho đi học làm MC tại Trường Sân khấu Điện ảnh. Trong quá trình hơn 13 năm công tác, bà Chung luôn hoàn thành, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều Bằng khen của TKV và Công ty than Nam Mẫu khen thưởng. Chứng chỉ MC do Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh cấp cho bà Tạ Thị Thu Chung Bỗng dưng, Phòng Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ (TPK) lôi ra kiểm tra các hợp đồng báo chí, tuyên truyền năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, mục đích quy trách nhiệm cho bà Chung. Bà Chung giải trình hợp lí từng trường hợp Phòng TPK đưa ra, khẳng định mình không có lỗi. Sau đó, Văn phòng tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm, mới lòi ra Dự thảo phương án bố trí sắp xếp lao động của Văn phòng Công ty, trong đó bộ phận truyền thông có 2 người, được xác định thừa một người. Văn phòng họp bỏ phiếu, kết luận: “Đồng chí Tạ Thị Thu Chung có số phiếu tín nhiệm thấp nhất… Như vậy, đồng chí Tạ Thị Thu Chung không thuộc định biên của Văn phòng…”. Cuộc đẩy bà Chung ra khỏi Văn phòng được tiếp tục bằng Quyết định số 3696/QĐ-TNM ngày 8/8/2019, do đích thân Giám đốc Nguyễn Văn Thành kí, về việc phê duyệt cơ cấu tổ chức của Văn phòng kể từ ngày 1/8/2019. Kèm theo Quyết định này là Phụ lục, trong đó nói rõ: “1 nhân viên thừa: Điều chuyển sang Phân xưởng Xây dựng – Môi trường làm công nhân vệ sinh môi trường”. Dường như thấy việc điều một nhân viên văn phòng, một cử nhân đi làm “Công nhân vệ sinh môi trường” có vẻ quá đáng, ngày 14/8/2019, ông Thành kí Quyết định số 3824/QĐ-TNM, điều động 4 người, trong đó có 3 lái xe về Phân xưởng Cơ giới, riêng bà Chung điều về Phân xưởng Phục vụ đời sống kể từ 15/8/2019, làm “công nhân phục vụ bàn, phụ bếp”. Qua đó cho thấy, việc xử lí nhân viên của Công ty than Nam Mẫu hoàn toàn trái pháp luật về lao động. Bà Chung kí Hợp đồng lao động số 4712 với Xí nghiệp than Nam Mẫu (nay là Công ty than Nam Mẫu) vào ngày 1/4/2006, loại hợp đồng “Không xác định thời hạn”, với công việc phải làm là “Nhân viên và các công việc khác khi có quyết định của Xí nghiệp”. Đặc biệt trong đó có thỏa thuận: “Khi có quyết định của Xí nghiệp về việc bố trí, điều chuyển làm các công việc khác, thì thực hiện theo phụ lục hợp đồng”. Trước đó, ngày 2/3/2006, ông Vũ Việt Hải, Phó Giám đốc Xí nghiệp than Nam Mẫu kí Quyết định số 460/QĐ-TCLĐ, về việc tiếp nhận và bố trí công việc đối với bà Chung, nhận nhiệm vụ “nhân viên”, nơi làm việc “Văn phòng – Quản trị”. Hợp đồng lao động và quyết định tiếp nhận này đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lí. Giấy chứng nhận tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác kịch bản – đạo diễn sân khấu của bà Chung Như vậy, chưa nói đến sự bất nhẫn khi điều chuyển một cử nhân văn hóa đi phục vụ bàn, phụ bếp, thì việc muốn điều chuyển cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. Điều 31 Bộ luật Lao động quy định tại Khoản 1: “Khi gặp khó khăn đột xuất… hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động”; Khoản 2 quy định: “Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác… người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc… và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động”. Nhưng đây là trường hợp điều chuyển tạm thời công việc. Trường hợp điều chuyển công việc đối với bà Chung, phải áp dụng các quy định pháp luật khác. Ông Nguyễn Văn Thành (ngồi giữa), Giám đốc Công ty than Nam Mẫu – TKV Trường hợp bà Chung có hợp đồng lao động và quyết định tiếp nhận, bố trí công việc còn nguyên giá trị pháp lí, nếu muốn điều chuyển phải được sự nhất trí của người lao động và phải lập Phụ lục hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, phải tuân thủ quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động, trong đó có quy định 2 bên phải thỏa thuận và được tiến hành bằng việc kí kết phụ lục, hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Nếu không thỏa thuận được, thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Việc Giám đốc Công ty than Nam Mẫu kí Quyết định số 3824/QĐ-TNM, điều chuyển lao động, phải được hiểu là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Thế nhưng, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lí do bất khả kháng, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc, người sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 38 Bộ luật Lao động. Điều này không được Giám đốc Công ty than Nam Mẫu thực hiện. Mặt khác, về thể thức Quyết định số 3824/QĐ-TNM gộp cả 4 trường hợp điều chuyển vào một quyết định, là không đúng quy định đối với quyết định hành chính… Không chỉ hành xử như vậy với bà Chung, trước đó ông Thành còn kí nhiều quyết định điều động nhân viên thai sản, hoặc đang nghỉ thai sản đi làm việc khác một cách trái pháp luật. Số nhân viên thai sản và đang nghỉ thai sản này đều có trình độ trung cấp dược, y sĩ và cử nhân quản trị kinh doanh. Trong đó, có nhân viên là cử nhân bị làm “công nhân phục vụ bàn, phụ bếp” trong thời gian đang nghỉ thai sản, còn lại điều chuyển phục vụ bếp ăn tập thể trong khi đang mang thai khoảng 6 tháng. Do ông Thành nổi tiếng ở Công ty than Nam Mẫu là trù dập nhân viên, nên chúng tôi không tiện nêu tên các nhân viên này, nhưng bảo đảm là đúng sự thật. Việc làm nêu trên của Giám đốc Công ty than Nam Mẫu đã vi phạm nghiêm trọng Điều 155, Điều 158 Bộ luật Lao động. Không những vậy, còn có dấu hiệu ngược đãi người lao động, vi phạm Khoản 2, Điều 8 Bộ luật Lao động về các hành vi bị nghiêm cấm. Báo Người cao tuổi đề nghị Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, xử lí nghiêm theo pháp luật các sai phạm của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty than Nam Mẫu. Theo: Hoàng Linh/Báo Người Cao tuổi (ngaymoionline.com.vn)