Một năm học đầy nỗ lực và yêu thương
Thầy trò Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu.
Năm học 2024 – 2025, Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu đã tiếp nhận 200 học sinh khuyết tật theo diện biên chế và 40 em ngoài cộng đồng được can thiệp miễn phí tại trường. Các em trong độ tuổi từ 6 đến 18, được phân thành 17 lớp học văn hoá theo chương trình giáo dục đặc biệt bậc Tiểu học, cùng 5 lớp can thiệp cá nhân và 1 lớp thư viện đồ chơi.
Hàng ngày, học sinh được học 2 buổi: Buổi sáng học văn hóa theo chương trình tiểu học dành cho học sinh khuyết tật, buổi chiều tham gia can thiệp chuyên sâu hoặc học nghề. 100% học sinh được tiếp cận các hình thức can thiệp phù hợp như: Âm ngữ trị liệu, tâm vận động, vật lý trị liệu, can thiệp cá nhân và nhóm.
Hoạt động học tập, dạy nghề tại trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu.
Giáo viên không quản ngại khó khăn, tình nguyện tổ chức thêm các buổi can thiệp sớm, đồng thời tư vấn cho phụ huynh cách hỗ trợ trẻ tại nhà. Nhiều phụ huynh đánh giá cao hiệu quả can thiệp và mong muốn được đưa con đến trường thường xuyên hơn.
Với sự hỗ trợ của tổ chức WWO, nhà trường đã được trang bị đầy đủ phòng tâm vận động, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu và thư viện đồ chơi – tạo môi trường phong phú, thu hút sự tham gia tích cực của học sinh. Việc đánh giá định kỳ được duy trì để đảm bảo phương pháp can thiệp sát với nhu cầu của từng em.
Bên cạnh dạy văn hoá, công tác hướng nghiệp được chú trọng với 9 lớp nghề cho 160 học sinh trong năm học, gồm: 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp tin học văn phòng, 2 lớp thêu, 1 lớp cơ khí – rửa xe máy, 1 lớp hoa lụa và 1 lớp móc len. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã có thể làm chủ nghề nghiệp, có thu nhập ổn định từ 6 – 10 triệu đồng/tháng, thậm chí xây dựng được tổ ấm riêng, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4
Công tác chăm sóc – quản lý học sinh nội trú được duy trì nghiêm túc. Học sinh được tổ chức sinh hoạt 24/24h, bao gồm cả ngày lễ, cuối tuần. Đội ngũ quản sinh và nhân viên dinh dưỡng chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ; tổ chức dạy kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh, tình yêu thương và sự tự lập cho các em.
Về công tác y tế – dinh dưỡng, nhà trường thực hiện khám sức khoẻ định kỳ, theo dõi tăng trưởng, cấp phát thuốc, uống sữa hàng ngày và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Khẩu phần ăn được xây dựng khoa học theo mùa, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh bếp ăn, phòng chống cháy nổ.
Với những kết quả tích cực đó, nhà trường nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tập thể cán bộ, giáo viên của trường luôn đoàn kết, tâm huyết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “chắp cánh” cho học sinh khuyết tật.
Khao khát nâng cấp trường, tiếp tục “chắp cánh” cho học sinh khuyết tật
Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả nổi bật, Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình hoạt động.
Trước hết, số lượng học sinh có nhu cầu can thiệp và học nghề ngày càng tăng, trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có đã bắt đầu quá tải. Dù được hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, nhưng nhiều thiết bị chuyên dụng vẫn còn thiếu hoặc không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động trị liệu và dạy nghề.
Đội ngũ giáo viên hiện nay vừa phải dạy văn hoá, vừa tham gia can thiệp chuyên sâu, lại đảm nhận công tác tư vấn cho phụ huynh – dẫn đến áp lực công việc lớn, thiếu nhân sự chuyên biệt trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu như âm ngữ trị liệu, tâm vận động.
Kinh phí hoạt động, đặc biệt cho các hoạt động can thiệp sớm và dạy nghề còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và một phần hỗ trợ xã hội hóa. Điều này khiến nhà trường khó mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở vật chất và tăng cường chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên.
Trước những khó khăn trên, nhà trường kiến nghị, UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị can thiệp, học nghề hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh.
Tăng cường biên chế, đào tạo và bổ sung giáo viên chuyên biệt phục vụ các hoạt động can thiệp sớm. Đặc biệt, huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hoạt động tư vấn – can thiệp cộng đồng, nhất là với học sinh ngoài cộng đồng chưa có điều kiện theo học chính thức tại trường.
Sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội là điều kiện cần thiết để Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu tiếp tục hành trình nâng đỡ, chữa lành và đồng hành cùng các em khuyết tật trên con đường hòa nhập và tự lập.
Ngọc Sơn