Theo Điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam (từ 2 tuổi trở lên) chiếm 7,06% dân số tương đương khoảng 6,2 triệu người. Trong đó có khoảng 2,79% là nhóm trẻ em từ 2 đến 17 tuổi (tương đương khoảng 700.000 em) Tỷ lệ trẻ em khuyết tật ở khu vực nông thôn cao hơn 1,2 lần so với thành thị.
Nhờ có các chính sách ưu tiên của Đảng và Chính phủ dành cho người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, con đường đến trường, đến lớp cũng bớt đi gian nan, nhưng theo báo cáo điều tra của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc -UNICEF thì “Trẻ khuyết tật từ 5 đến 14 tuổi sống trong hộ nghèo cơ hội được đi học thấp hơn 21% so với trẻ không có khuyết tật.” (*)
Đoàn đại biểu Liên hiệp hội về NKT Việt Nam thăm và tặng quà cho các cháu học sinh khuyết tật tại Điện Biên.
Có thể thấy có các rào cản chính, ngăn các bước chân khuyết tật của các em đến trường là:
Rào cản xã hội: Do môi trường sống, do hoàn cảnh mà rất nhiều gia đình không thể hỗ trợ con em đến lớp. Thậm chí nhiều gia đình có con em khuyết tật nặng còn có suy nghĩ: “Khuyết tật thế thì đi học cũng chả làm gì!”. Cộng đồng nơi gia đình trẻ khuyết tật ở, chưa có sự quan tâm, động viên để gia đình và trẻ được đi học.
Tâm lý các em khuyết tật phần nhiều là mặc cảm, đến lớp bị bạn bè trêu chọc dẫn đến cảm giác tự ti và khó hòa nhập xã hội.
Rào cản về môi trường: Tính đến nay tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở từng cấp từng địa phương rất khác nhau, cho dù trường học có đạt chuẩn quốc gia thì số trường học có Đường dốc cho xe lăn (wheelchair ramp) vẫn là con số hết sức khiêm tồn, đấy là chưa nói đến giấy mơ xa vời là có thang máy.
Đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn thiếu, nhất là giáo viên dạy các em học sinh khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ. Có cả tâm lý còn e ngại nhận các em khuyết tật dạng trí tuệ vào lớp học, do sợ ảnh hưởng đến thành tích học tập chung của lớp. Nguồn sách giáo khoa, đồ dùng học tập được thiết kế phù hợp cũng vô cùng khan hiếm…
Phóng viên tạp chí Đồng hành Việt thăm và tặng quà cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi tại Làng trẻ em SOS Hà Tĩnh.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (CRC – Convention on the Rights of the Child) Trong CRC quy định rõ ràng về quyền được đi học của trẻ em. Cụ thể tại điều 28 – Quyền được giáo dục: Các quốc gia thành viên cam kết “Thừa nhận quyền của trẻ em được học hành”. Việc được đi học với trẻ em khuyết tật có ý nghĩa rất lớn bởi giáo dục hòa nhập không chỉ giúp trẻ khuyết tật phát triển kỹ năng học tập mà còn thúc đẩy sự quan hệ xã hội nhân văn hơn, gắn kết xã hội và tạo điều kiện cho mọi trẻ em phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Để ngày càng có những bước chân các em khuyết tật được tung tăng đến trường cần có những giải pháp đồng bộ như: Phát hiện và can thiệp sớm: Tăng cường các chương trình sàng lọc và can thiệp sớm để hỗ trợ trẻ khuyết tật ngay từ những năm đầu đời; Đào tạo giáo viên: Nâng cao năng lực cho giáo viên về phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ khuyết tật, đảm bảo môi trường học tập thân thiện và hiệu quả; Phát triển cơ sở vật chất: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ học tập và các dịch vụ cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật học tập và phát triển; Tăng cường nhận thức cộng đồng: Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm giảm kỳ thị, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và nhu cầu của trẻ khuyết tật; Hợp tác quốc tế: Tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF để học hỏi kinh nghiệm và triển khai các chương trình hỗ trợ hiệu quả.
Giáo dục hòa nhập là chìa khóa để đảm bảo mọi trẻ em, bao gồm cả trẻ khuyết tật, được hưởng quyền học tập bình đẳng và phát triển toàn diện. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên sẽ góp phần xây dựng một xã hội công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhật Nam
(*) Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2016-2017 của UNICEF