Sự kiện do Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình và Chương trình Phòng chống mua bán người ASEAN – Australia (ASEAN-ACT) tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, người khuyết tật tại Việt Nam chiếm khoảng 6,11% dân số, tương đương hơn 7 triệu người. Trong đó, đa số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa – nơi điều kiện tiếp cận thông tin, dịch vụ y tế, pháp lý, giáo dục còn nhiều hạn chế. Sự thiếu hụt các nguồn lực hỗ trợ thiết yếu khiến họ dễ rơi vào tầm ngắm của các tổ chức buôn người, trở thành nạn nhân mà không có khả năng tự bảo vệ hay kêu cứu.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định cam kết quốc tế của mình trong công cuộc phòng, chống mua bán người thông qua việc tham gia các công ước quốc tế như Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2012), Nghị định thư về phòng ngừa và trừng trị mua bán người (2011), Công ước ASEAN về phòng chống mua bán người (2016) và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (2014). Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều thách thức trong việc triển khai các cam kết này vào cuộc sống, đặc biệt là khi liên quan đến người khuyết tật – nhóm cần được bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận những nội dung then chốt như: cập nhật kết quả nghiên cứu mới nhất về mức độ dễ bị tổn thương của người khuyết tật đối với nạn mua bán người; giới thiệu các tài liệu hướng dẫn sàng lọc, xác định và hỗ trợ nạn nhân; chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong đảm bảo phục hồi và hòa nhập; bàn thảo những giải pháp tăng cường phối hợp liên ngành hiệu quả. Hội thảo cũng dành thời lượng để phân tích các mô hình hỗ trợ phù hợp với các dạng khuyết tật khác nhau, hướng tới xây dựng hệ thống hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh: “Mục tiêu lớn nhất của hội thảo là hình thành một mạng lưới phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội dân sự, để cùng hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán là người khuyết tật. Sự đồng hành, chia sẻ và cam kết từ mỗi đơn vị chính là chìa khóa tạo nên chuyển biến thực sự trong công tác bảo vệ quyền con người”.
Hội thảo lần này không chỉ là dịp để lắng nghe và đối thoại, mà còn là cơ hội để các bên nhìn lại những khoảng trống trong chính sách, thực tiễn và cam kết cùng nhau hành động vì một xã hội nhân ái, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Những đề xuất, sáng kiến, và mô hình chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo hứa hẹn sẽ được nhân rộng và lồng ghép vào chương trình phòng chống mua bán người ở các cấp, từ trung ương đến địa phương.
Khép lại lễ khai mạc, ông Đặng Văn Thanh đã mang đến một thông điệp đầy tâm huyết: “Chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể chọn cách đối xử với nhau. Và trong sự lựa chọn đó, việc bảo vệ người yếu thế chính là thước đo phẩm giá của một xã hội văn minh”. Hội thảo “Tăng cường phối hợp liên ngành đảm bảo hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán là người khuyết tật” là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong việc kiến tạo một tương lai nhân văn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Hồng Liên