Hãy lì xì sách thay tiền

(ĐHVO). Tết này, “hãy lì xì sách thay thì tiền” vì tương lai bền vững của con trẻ. Đó là thông điệp được CLB Không gian đọc Hy vọng – cộng đồng người khuyết tật yêu sách tổ chức mong muốn mang đến giá trị thiết thực trong cộng đồng xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ.

Có một ngày… những công việc đang dang dở phải tạm ngưng, những chuyến xe về quê nhà trở nên náo nức, những phiên chợ trở nên đông đúc hơn, nhà nhà trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, báo hiệu Tết đến. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người người đều đi chùa cầu may mắn, đi viếng những ông bà tổ tiên và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất.Và hơn cả đó là tiếng cười nói ríu rít của các em nhỏ mỗi tết sang, khi chúng nhận được những bao lì xì xinh xắn. Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu Xuân năm mới.


Tuy nhiên, tục mừng tuổi đầu năm đang dần bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp như xưa. Một đứa trẻ khi được mừng tuổi, sau tiếng cảm ơn không còn là niềm vui sướng đi khoe vì may mắn nhận lì xì mà vội vàng kiểm tra xem bên trong có bao nhiêu tiền mà chưa kịp nghe lời chúc, không những thế mà còn dè bỉu với những mệnh giá tiền thấp. Khi giá trị của tục lì xì đã không còn mang đúng như ý nghĩa ban đầu của nó, dần dần tạo nên thói quen xấu dẫn đến hành vi cư xử thiếu tôn trọng, hình thành tư duy vật chất của con trẻ thì liệu chúng ta có nên thay đổi, thay vì lì xì bằng tiền?

Thay vào đó chúng ta nên tặng các em một thứ có giá trị hơn cả: món quà của tri thức – SÁCH. Sách là nguồn tri thức khổng lồ mà ta khó có thể khai thác hết. Có rất nhiều các loại sách: sách khoa học, sách văn học, sách kinh doanh,… Mỗi loại sách đó sẽ cho ta những kiến thức và hiểu biết khác nhau và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Doanh nhân sẽ tìm sách kinh doanh để đọc, bác sĩ sẽ đọc sách về ngành y, còn học sinh nên đọc những loại sách khoa học, văn học và lịch sử để bổ sung kiến thức về các môn học. Bởi thế, việc lựa chọn sách phù hợp để đọc, để trau dồi kiến thức là vấn đề quan trọng, bởi những kiến thức trong sách sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ của chúng ta.Việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về chuyên môn mà sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Sách dạy ta đạo làm người, cách đối nhân xử thế với cha mẹ và những người xung quanh. Sách dạy ta phải sống lương thiện và sống có ích. Ngoài ra sách còn dạy ta biết yêu thương bản thân mình và yêu thương nhân loại. Sách giúp ta biết khóc khi gặp những cảnh ngộ đáng thương bằng cách đi theo từng diễn biến tâm trạng của những nhân vật trong chuyện. Sách khiến ta biết cười để thấy tâm hồn mình rộng mở và chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến với ta.


Để tiếp nhận được những kiến thức trong sách ta phải có phương pháp đọc sách đúng đắn. Đầu tiên, người đọc nên đọc lướt để biết được nội dung chính của cuốn sách. Sau đó, người đọc đọc kỹ từng câu từng từ để hiểu được một cách kỹ càng của từng chi tiết. Chúng ta không chỉ đọc một lần mà phải đọc đi đọc lại nhiều lần, có như vậy ta mới hiểu được nội dung cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc sách, người đọc nên tập trung chứ không nên vừa làm việc khác vừa đọc sách, vì như vậy người đọc sẽ có cái nhìn không tổng thể và khó có thể hiểu được từng nội dung. Nói cách khác, chúng ta cần có cái tâm khi đọc sách, khi đó ta mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng mà các tác giả muốn truyền đạt thông qua từng cuốn sách. Mỗi ngày nên dành cho mình ít nhất 30 phút để đọc sách thì sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị và còn rất nhiều thứ chúng ta phải học. Sách sẽ dạy chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn học nên chúng ta nên hình thành, định hướng cho con em có thói quen đọc sách và chọn sách. Điều đó là hành trang rút ngắn con đường hướng đến thành công của bất cứ ai.

Hiểu và cảm nhận rõ được văn hóa tốt đẹp của việc đọc sách và càng cảm thấy tốt hơn khi giờ đây có biết bao con người, bao tấm gương nguyện làm những thiên thần mang thế giới tri thức đến mọi nẻo đường mọi miền quê. Và ta không thể không kể đến anh Đỗ Hà Cừ – một người không may mắn khi mang trên mình một cơ thể khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Anh Cừ hiện là chủ của Không gian đọc Hy Vọng, cùng với các anh chị cùng hoàn cảnh như: chị Trần Thị Mượt, chị Nguyễn Lan Hương và các chủ Không gian đọc khác ở tỉnh Thái Bình và nhiều địa phương khác. Tuy họ không phải những con người bình thường như chúng ta vì họ là người khuyết tật, họ mang trong mình sự khiếm khuyết nhưng họ lại có trí tuệ phi thường. Họ lập ra những tủ sách miễn phí thuộc câu lạc bộ “Không gian đọc Hy Vọng” cùng nhau lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc cho mọi người kể cả người lớn và trẻ em, mang hạt giống tri thức gieo vào những bộ não của đất nước sau này.


Tiếp nối Chương trình Tết sách 2021 do CLB Không gian đọc Hy Vọng tổ chức tại Không gian đọc Ước Mơ  (Link video chương trình: https://www.youtube.com/watch?v=tJhb6M2_JCE&t=11s), anh Đỗ Hà Cừ cùng với những chủ không gian đọc khác phát động Chương trình Tết sách 2022 với thông điệp “Hãy lì xì sách thay thì tiền”. Chương trình với mục tiêu khuyến khích phụ huynh thay đổi thói quen mừng tuổi, lì xì đầu năm mới cho con cháu  bằng món quà ý nghĩ như Sách thay vì bằng tiền. Đồng thời, chương trình dự kiến tổ chức tặng sách miễn phí cho các em nhỏ và cùng lan tỏa những thông điệp ý nghĩ về sách. Quả thực ngày tết đã vui rồi nhưng sẽ vui hơn nữa nếu tết 2022 này chúng ta tặng cho mọi người một món quà ý nghĩa.

Phạm Phương Anh – Ban truyền thông CLB Không gian đọc Hy Vọng

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top