Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành đã có những quy định khá đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy rất ít vụ việc được xử lý theo hướng hình sự, dẫn đến hiệu quả răn đe còn hạn chế. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác có khung hình phạt cao nhất lên tới tù chung thân. Tuy nhiên, việc khởi tố hình sự nhiều khi bị ràng buộc bởi điều kiện “chỉ được khởi tố khi nạn nhân có yêu cầu”, nên có nhiều phụ nữ bị bạo hành lại lựa chọn không tố cáo hoặc xin giảm nhẹ cho chồng vì nhiều lý do khác nhau như:
- Nạn nhân e ngại sẽ bị trả thù, bạo hành nghiêm trọng hơn nếu lên tiếng. Nhiều người thậm chí tự trách bản thân, cho rằng mình cũng có phần lỗi, nuôi hy vọng người chồng sẽ thay đổi.
- Sợ bị chê cười, lo gia đình mang tiếng. Một số vùng vẫn tồn tại tư duy phong kiến “trọng nam khinh nữ”, xem việc chồng “dạy vợ” là bình thường, trong khi nhiều nạn nhân lại phụ thuộc hoàn toàn vào chồng về tài chính.
- Nạn nhân thường không biết tìm nơi nào an toàn để cầu cứu, lo sợ quá trình tố tụng kéo dài, tốn kém. Thêm vào đó, với tâm lý “Tòa trọng chứng hơn trọng cung”, họ lo ngại nếu không có bằng chứng rõ ràng thì kẻ gây án cũng không bị xử lý thích đáng.
Có nhiều trường hợp, khoản tiền phạt dành cho hành vi bạo lực gia đình lại do chính người vợ phải đứng ra nộp. Điều này tạo ra nghịch lý khiến một số phụ nữ vì xót tiền, ngại tốn kém mà cam chịu, không dám kêu cứu khi bị đánh đập ở những lần sau. Mặt khác, các biện pháp hỗ trợ như “chỗ tạm lánh cộng đồng” hay “nhà ở an toàn” vẫn còn xa rời thực tế. Nhiều nạn nhân không thể sử dụng các dịch vụ này vì còn phải ở nhà chăm sóc con cái.
Mức độ thương tích do bạo lực gia đình, cụ thể là hành vi hành thường nghiêm trọng hơn nhiều so với các vụ ẩu đả đường phố. Theo thống kê, tỷ lệ thương tích trong các vụ bạo hành gia đình vượt mức xử lý hình sự thông thường tới 11%, với nhiều trường hợp nạn nhân không chỉ bị đánh đập nhiều lần mà mức độ bạo lực ngày càng gia tăng. Nhiều phụ nữ bị gãy răng, dập gan, tổn thương nội tạng, gãy xương, chấn thương sọ não… Tuy nhiên, do hiện trường chủ yếu xảy ra trong nhà, không có người chứng kiến hay camera ghi lại, lại thêm việc nạn nhân và thủ phạm là vợ chồng có đăng ký kết hôn nên việc phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ ở Tuyên Quang, người chồng dùng gậy lau nhà đánh liên tiếp vào mặt và người vợ, khiến nạn nhân nhập viện với triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, chấn thương màng nhĩ. Hay nghiêm trọng hơn là vụ việc xảy ra tại Hà Nội ngày 17/12/2024, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não sau khi bị chồng bạo hành.
Theo Tổng cục Thống kê cho biết 58% phụ nữ từng bị chồng đánh ít nhất 1 lần.
Bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Tại nhiều nơi trên thế giới, nhân phẩm của phụ nữ vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, kéo theo những tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc dù Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ nhằm phòng ngừa bạo lực gia đình, song trên thực tế, hiệu quả vẫn chưa cao. Nhiều hình thức truyền thông còn mang tính hình thức, cứng nhắc, chủ yếu phổ biến văn bản pháp luật, thiếu sự gần gũi, dễ tiếp cận với người dân. Ở một số địa phương, nạn nhân sau khi bị bạo hành vẫn không biết tìm đến đâu để nhờ giúp đỡ, bởi mạng lưới hỗ trợ ở cơ sở còn mỏng, hoạt động chi hội phụ nữ vẫn nặng tính phong trào, chưa thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore hay Úc, các giải pháp đều tập trung vào việc tác động tâm lý để nạn nhân nhận thức rõ rằng hành vi bạo lực là không thể chấp nhận được, từ đó khuyến khích họ dũng cảm đứng lên tố cáo thủ phạm. Tuy nhiên, cách tiếp cận này, nếu chỉ dừng lại ở việc “khuyên can” thì khó có thể tạo ra thay đổi căn bản, bởi bạo lực gia đình vẫn đang bị che giấu sau cánh cửa gia đình. Để giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực gia đình đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tham khảo thêm giải pháp:
- Khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt camera tại phòng khách với mục đích chính là bảo đảm an ninh, hỗ trợ giám sát con nhỏ, người cao tuổi hoặc phòng chống trộm cắp. Việc này cũng có thể đóng vai trò như một biện pháp bảo vệ người vợ mỗi khi chồng “nổi điên”.
- Do thực tiễn cho thấy kẻ bạo hành phụ nữ chỉ thực sự “sợ” khi có sự vào cuộc của công an, nên cần xem xét quy định cho phép cơ quan điều tra được khởi tố vụ án mà không cần đơn yêu cầu từ nạn nhân nếu mức thương tích vượt ngưỡng pháp luật (ví dụ trên 11%).
- Nhà nước nên có chính sách chi trả thù lao cho luật sư trong các vụ việc bạo lực gia đình (mức đề xuất từ 10–20 triệu đồng/vụ). Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ cần phối hợp với các công ty luật chuyên ngành để thành lập mạng lưới hỗ trợ nạn nhân. Luật sư được phép can thiệp sớm khi phát hiện dấu hiệu bạo hành, giữ bí mật danh tính thân chủ, và có thể đứng ra yêu cầu Tòa án hoặc Viện kiểm sát ra quyết định tạm thời như cấm người chồng có hành vi bạo lực quay về nơi cư trú chung.
Tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là hành vi hành hung vợ con xảy ra tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Điều đó cho thấy, yếu tố then chốt để ngăn chặn tình trạng này chính là việc xây dựng và thực thi một hệ thống pháp lý đủ mạnh, có chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe và điều chỉnh hành vi con người. Mong rằng các cơ quan chức năng và tổ chức liên quan sẽ vào cuộc một cách quyết liệt, thảo luận và đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bạo lực gia đình, từ đó ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ hơn, đủ sức bảo vệ nạn nhân và góp phần chấm dứt “bạo lực phía sau cánh cửa”.