Tình trạng nhiều hộ kinh doanh lớn tại các chợ và tuyến phố đồng loạt đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc trả lại mặt bằng hàng loạt, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ áp lực kép của hai chính sách mới. Thứ nhất, Chỉ thị 09 của Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu nhập lậu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tránh nguy cơ bị xử phạt từ các quốc gia đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thứ hai, từ ngày 1/6, chính sách bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có doanh thu lớn chính thức có hiệu lực, tiến tới lộ trình xóa bỏ hoàn toàn thuế khoán trong năm 2026.
Cả hai chính sách được áp dụng cùng lúc đã tác động mạnh vào phương thức kinh doanh của tầng lớp tiểu thương tại các chợ đầu mối. Nhiều hộ kinh doanh chưa kịp thích nghi ngay được, thậm chí một số người phản ứng quá khích, do chưa được chuẩn bị đầy đủ về mặt thông tin và tâm lý tuân thủ chính sách, nên họ chọn cách tạm thời đóng cửa, ngừng bán để “nghe ngóng” tình hình. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh lớn như nhà hàng, hiệu thuốc,… đã quen với việc sử dụng hóa đơn điện tử, thì những cửa hàng nhỏ, đặc biệt là các quán ăn sáng, bán lẻ lề đường vẫn lúng túng trong việc xác định nghĩa vụ thuế và chưa rõ mình thuộc nhóm đối tượng nào phải in hóa đơn.
Gần đây, có nhiều ý kiến chỉ trích tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không chỉ trên mạng xã hội mà cả tại các diễn đàn nghị trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng phần lớn các mặt hàng này có quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ tiêu dùng phổ thông, ít gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nên thời gian qua các cơ quan quản lý cũng chưa làm gắt.
Kể từ sau thời kỳ mở cửa biên giới với Trung Quốc, người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm giá rẻ, ví dụ như chăn len con công với hàng chục triệu chiếc được tiêu thụ về các vùng quê. Những mặt hàng này phù hợp với thu nhập mức sống của đại đa số nhân dân, chính sách quản lý cũng không quá chặt vì vậy không nên phủ nhận toàn bộ hàng hóa giá rẻ mang lại. Giờ đây trước sức ép của các đối tác thương mại khiến chúng ta không thể tiếp tục duy trì tình trạng “mắt nhắm mắt mở” trước tình trạng hàng giả, hàng nhái. Hơn nữa, việc để hàng hóa vi phạm tràn lan sẽ làm tổn hại đến uy tín quốc gia và gây nguy cơ bị trừng phạt thương mại với chính các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Ngay cả những thương hiệu thời trang nội địa làm ăn chân chính hiện cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhái, khiến họ khó có thể phát triển và vươn ra thị trường quốc tế.
Về phương án xử lý, tạm thời nên phân loại hàng hóa kinh doanh tại chợ thành hai nhóm để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, lực lượng kiểm tra, giám sát cũng cần được quán triệt thống nhất tinh thần chỉ đạo từ Chỉ thị, hạn chế tình trạng mỗi địa phương hiểu và áp dụng một cách khác nhau, gây lúng túng cho người kinh doanh. Việc thực thi hiệu quả chính sách phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ tại cơ sở.
- Nhóm hàng hóa cần kiểm soát kiểm tra chặt CO/CQ theo chỉ thi 09-BCT: nguyên vật liệu nhập lậu sản xuất và xuất khẩu; hàng thời trang fake (nhái) đắt tiền mà thu siêu lợi nhuận như: quần áo, giày dép, túi xách thuộc các thương hiệu sang LV, Guchi, Nike, …
- Nhóm hàng hóa thiết yếu giá rẻ không rõ xuất xứ thì tạm thời chưa nên kiểm tra gắt gao mà thông báo để tiểu thương yên tâm tiếp tục kinh doanh như: tất, chăn, dụng cụ cơ khí, lưới đánh cá, hàng thời trang giá rẻ lợi nhuận ít (quần áo trẻ em, quần áo ngủ, đèn pin, ô dù, mũ không thương hiệu…).
Việc bắt buộc hộ kinh doanh phải phát hành hóa đơn thay vì áp dụng thuế khoán là một bước đi nhằm siết chặt quản lý thuế theo hướng minh bạch và chính quy. Điều này có tác động kinh tế hai chiều – có lợi về dài hạn nhưng có thể gây áp lực ngắn hạn:
Trong ngắn hạn, các hộ kinh doanh có thể gặp khó khăn do chi phí tuân thủ gia tăng, quy trình kê khai phức tạp hơn so với cơ chế thuế khoán truyền thống. Điều này có thể dẫn đến việc một số hộ nhỏ rút khỏi thị trường, kéo theo nguy cơ suy giảm tăng trưởng khu vực kinh tế cá thể và phát sinh tình trạng thất nghiệp cục bộ.
Về dài hạn, chính sách này giúp tăng thu ngân sách nhà nước thông qua việc thu đúng, thu đủ; đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa doanh nghiệp chính thức và hộ kinh doanh cá thể. Việc buộc phát hành hóa đơn cũng là giải pháp hiệu quả để thu hẹp khu vực kinh tế phi chính thức, vốn lâu nay gây thất thu lớn cho ngân sách và khiến quy mô thực tế của nền kinh tế không được phản ánh chính xác.
Để chính sách bắt buộc hóa đơn điện tử được tiểu thương và hộ kinh doanh hưởng ứng tích cực, cần có những giải pháp chuẩn bị tâm lý tuân thủ và tránh gây hoang mang, phản ứng tiêu cực trong xã hội:
- Phân biệt hộ kinh doanh thuộc và không thuộc diện bắt buộc phát hành hóa đơn. Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng bắt buộc, cơ quan chức năng nên trấn an tinh thần, hướng dẫn cụ thể để họ yên tâm tiếp tục hoạt động bình thường.
- Truyền thông chính sách cần được thực hiện một cách kiên trì, nhẹ nhàng và dễ hiểu. Thay vì tuyên truyền theo hướng tiêu cực, hù doạ như “chủ quán từ chối chuyển khoản là chủ động trốn thuế có thể bị xử lý hình sự”, “cấm xuất cảnh đối với doanh nhân A, doanh nhân B”… dễ gây tâm lý hoang mang, phản ứng phòng vệ trong cộng đồng tiểu thương, thì cần triển khai các chiến dịch truyền thông đơn giản, gần gũi, ví dụ như các video ngắn trên TikTok hoặc Facebook Reels nói về lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, tạo niềm tin cho khách hàng, giữ chân khách quen, dễ quản lý doanh thu…
- Hỗ trợ cung cấp máy in hóa đơn điện tử, đồng thời phân công cán bộ thuế phối hợp cùng nhà cung cấp thiết bị xuống tận chợ, khu buôn bán để hướng dẫn tiểu thương trên tinh thần hợp tác, giúp hộ kinh doanh hiểu rõ rằng thuế suất chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu, và không có việc “truy thu hồi tố” nếu họ thực hiện đúng từ đầu.
Việc triển khai hóa đơn điện tử và thực hiện Chỉ thị 09/CT-BCT là chủ trương rất đúng đắn của Đảng Nhà nước để làm cho kinh tế nước ta có cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên số, tăng uy tín quốc gia, tăng trưởng bền vững và hội nhập toàn cầu. Chính sách này cần được thực hiện xuyên suốt, nhất quán, tránh làm một vài tháng như đuổi vỉa hè thì người dân sẽ mất lòng tin, đặc biệt là những hộ kinh doanh đang nỗ lực chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Chuẩn hóa xuất xứ minh bạch sẽ giúp hàng Việt đi xa hơn, những nhãn hàng Việt làm ăn chính thống kiên trì làm thương hiệu sẽ có nhiều cơ hội bứt phá tăng trưởng mạnh cả trong và ngoài nước, uy tín hàng thời trang Việt sẽ được nâng cao trên thị trường quốc tế. Trong dài hạn, năng lực cạnh tranh của các nhãn hàng Việt sẽ càng tăng dần, góp phần đưa nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển.
Khi áp dụng cùng lúc hai chính sách có thể tạo ra cú sốc về tinh thần với các tiểu thương, họ phải chịu áp lực kép nên tránh làm cứng nhắc, chủ hộ kinh doanh quá khích vì họ không cần biết tăng trưởng ở đâu, chỉ biết làm ăn bế tắc vào ngõ cụt là họ phản ứng chính sách sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá. Cần xác định đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và linh hoạt trong tuyên truyền, hỗ trợ. Nếu thực hiện thiếu linh hoạt khiến nhiều hộ đồng loạt rút lui khỏi thị trường (có thể một bộ phận rút khỏi thị trường vì cao tuổi không thể thực thi hoá đơn điện tử thì phải chấp nhận), thì chính sách sẽ thất bại do tác động tiêu cực đến an sinh của cả triệu hộ kinh doanh cá thể và kinh tế tư nhân, ngoài ra có thể tạo ra làn sóng phản đối thay vì chấp hành.
Từ 01/01/2026, hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm (tương đương bán khoảng 15 bát phở/ngày) sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế như sau:
- Mua phần mềm bán hàng để xuất hóa đơn: Sapo, KiotViet, Misa…
- Dùng phần mềm hóa đơn VAT điện tử kết nối với cơ quan thuế (theo danh sách do Cục Thuế chỉ định).
- Chỉ nhập nguyên liệu có hóa đơn VAT để khấu trừ thuế đầu vào (kể cả nhân công, chi phí vận hành…).
- Thuê dịch vụ kế toán trọn gói (từ 500.000 đồng/tháng) để lập báo cáo thuế, làm việc với chi cục thuế.
Đối với quán phở có mức giá 35.000–45.000 đồng/bát, bán khoảng 100 bát/ngày, doanh thu ước tính đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, chủ quán nên cân nhắc chuyển sang mô hình doanh nghiệp, bởi thuế hộ kinh doanh được tính 4,5% trên doanh thu, trong khi doanh nghiệp chỉ chịu thuế 20% trên phần lợi nhuận. Khi chuyển đổi, cần chuẩn bị kế toán thuê ngoài trọn gói (từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng), có nhân sự, hệ thống hóa đơn đầu vào/đầu ra minh bạch, và chủ quán sẽ giữ vai trò giám đốc doanh nghiệp.
Huy Hà