Báo động tình trạng lừa đảo xin việc làm

(DHVO).Hiện nay, tình trạng dùng thủ đoạn lừa đảo để nhận tiền xin việc diễn ra khá phổ biến và đáng báo động. Nhiều người vì cả tin và mong muốn có việc làm đã bị kẻ xấu lợi dụng để rồi rơi vào tình cảnh mất tiền nhưng việc thì chẳng thấy đâu.

Tình trạng này đã xuất hiện một thời gian dài ở nhiều địa phương. Nạn nhân đa phần là những người chưa có việc làm, mong muốn tìm được một công việc ổn định. Xuất phát từ tâm lý thấp thỏm, lo âu khi chưa tìm được việc làm lại cộng với sự nhẹ dạ, cả tin nên nhiều người dân đã để các đối tượng – những người dùng lời nói ngon ngọt, thậm chí thông tin sai sự thật nhằm khiến người dân tin rằng họ có địa vị, có nhiều mối quan hệ và từ đó thuyết phục người dân đưa tiền họ để tìm việc làm. Số tiền này có thể là vài chục, cũng có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Người dân vì tin tưởng, hy vọng nên phải dành giụm, thậm chí vay mượn để có tiền đưa cho các đối tượng xin việc hộ.

Ngày tháng trôi qua, sự chờ đợi dường như trở thành vô vọng khi họ chưa có việc làm, người nhận tiền đưa ra những câu trả lời quanh co và hứa hẹn để đến khi thời gian trôi qua quá lâu, có thể là vài năm, họ không nhận được tin tức gì về công việc, cũng không thể gặp được người nhận tiền mới biết là mình đã bị lừa. Đến lúc đó, nhiều người dân vì quá sốt ruột và mong muốn lấy lại số tiền đã mất nên đã tìm đến các cơ quan chức năng như viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra. Nhiều vụ lừa đảo đã được đưa ra xét xử trước pháp luật, nhiều đối tượng đã bị trừng trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều vụ việc quá trình điều tra và xét xử gặp nhiều khó khăn do không đủ chứng chứ chứng minh tội phạm; do không nhận được sự hợp tác từ các bên…

Thời gian qua, tạp chí Đồng hành Việt đã nhận được đơn thư phản ánh của nhiều nạn nhân khắc khoải đòi lại tiền xin việc. Chị Trần Thị Hằng (trú tại Vị Xuyên, Hà Giang) là một trong những người gửi nhiều đơn thư đến tạp chí.

Đơn kêu cứu của chị Hằng gửi đến Tạp chí Đồng hành Việt

Đơn kêu cứu của chị Hằng gửi đến Tạp chí Đồng hành Việt

Theo nội dung đơn kêu cứu của chị Hằng: bà Cao Tuyết Loan là công an nghỉ hưu, có hộ khẩu thường trú tại phòng 302, Tổ 22, phường Phương Liên,  quận Đống Đa, TP Hà Nội có nhận từ chị số tiền là 130.000.000 đồng để xin việc cho chị vào ngành công an. Sau đó, vì tin tưởng chị Hằng có đưa thêm cho bà Loan hai bộ hồ sơ của Tô Văn Hiệp và Trần Văn Đức, cùng có hộ khẩu thường trú tại Hà Giang – những người quen của chị với số tiền là 350.000.000 đồng cũng để xin việc. Vì bà Loan đưa ra nhiều thông tin về những mối quan hệ của mình khiến chị Hằng tin rằng bà Loan có thể xin được việc nên chị đã tin tưởng đưa một số tiền lớn nhờ bà xin việc hộ, những tưởng chị và những người quen của mình sẽ tìm được việc làm. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những lời hứa suông.

Khi sự việc không thành, đến năm 2016, bà Loan thu xếp trả cho chị Hằng số tiền là 53.000.000 đồng, số còn lại là 427.000.000 đồng. Từ cuối năm 2016 và sang năm 2017, chị Hằng đã nhiều lần yêu cầu bà Loan trả nốt số tiền 427 triệu kia nhưng phía bà Loan không chịu trả lại tiền và luôn hứa hẹn hết lần này đến lần khác, thậm chí còn thách thức chị Hằng khởi kiện mình. Sau đó, chị Hằng đã làm đơn gửi đến Công an Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội với mong muốn nhờ vào sự can thiệp của pháp luật để trừng trị kẻ có tội và giúp chị lấy lại được số tiền đã mất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chị Hằng vẫn đang khắc khoải chờ đợi đến ngày số tiền kia quay trở về với mình để chị có thể trả lại cho Hiệp và Đức.

Phóng viên tạp chí đã liên hệ đến bà Cao Tuyết Loan để nhận được thông tin hai chiều. Bà Loan cũng thừa nhận rằng bà đã nhận và chuyển số tiền đó cho người khác để nhờ xin việc cho chị Hằng nhưng khi không thành công họ vẫn không trả lại nên bà không thể trả cho chị Hằng được. Hiện tại do việc kinh doanh không được nên sau này khi nào bà Loan có tiền bà Loan sẽ thu xếp trả cho chị Hằng sau.

Thiết nghĩ, vấn nạn xin việc vẫn đang diễn ra hàng ngày không chỉ khiến người dân bị tổn hại về tinh thần, tài sản mà còn làm cho trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, những hành vi này cần được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm khắc để đảm bảo quyền lợi của người dân và trật tự an toàn xã hội.

Tạp chí điện tử Đồng hành Việt sẽ tiếp tục đưa tin phản ánh sự việc trên tới bạn đọc.

PV Khánh Linh/donghanhviet.vn

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang