Vì sao thương binh Võ Văn Nhân bị đình chỉ chế độ?

Năm 2013, không chỉ bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công, ông Võ Văn Nhân còn phải hoàn trả số tiền trên 65 triệu đồng đã lĩnh vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, cho đến nay, ông Võ Văn Nhân liên tục có đơn thư gửi các cấp chính quyền để khiếu nại, kêu cứu không phải vì số tiền trợ cấp thương binh mà là vì danh dự của một người chiến sỹ tham gia bảo vệ tổ quốc.

Xác nhận của ông Lợi – quân y sỹ đã chăm sóc ông Nhân

Tạp chí Đồng hành Việt nhận được đơn của ông Võ Văn Nhân, trú tại tổ dân phố số 6, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái phản ánh về việc ông bị dừng trợ cấp thương binh mặc dù ông vẫn đang là thương binh.

Theo toàn bộ hồ sơ ông Võ Văn Nhân cung cấp cho Tòa soạn Tạp chí Đồng hành Việt, được biết ông Võ Văn Nhân là chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tại xã Thanh Thủy, hiện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên cũ thuộc biên chế tiểu đoàn 9, trung đoàn 149 F356 Quân khu 2 từ năm 1985 cho đến khi xuất ngũ vì lý do sức khỏe (bị thương) năm 1987, được Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái ra quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh và hưởng trợ cấp chế độ thương binh từ 1/1/1995 đồng thời cho truy lĩnh từ 1/12/1987 đến 30/12/1994.

Ông Võ Văn Nhân cho biết: Ông bị thương do pháo đạn của Trung Quốc bắn sang tại khu vực Cóc Nghè năm 1986 khi đang làm nhiệm vụ. Thời điểm này, ông Nhân và đơn vị đang làm nhiệm vụ phòng ngự chiến đấu tại các cao điểm của xã Thanh Thủy. Việc ông Nhân bị thương khi đang làm nhiệm vụ đã được nhiều đồng đội, đồng chí của ông Nhân xác nhận trong đó phải kể đến sự xác nhận của ông Nguyễn Văn Tư, sỹ quan trực tiếp tham gia chiến đấu cùng ông Nhân và ông Nguyễn Đức Cam – Tham mưu trưởng Sư đoàn 356 quân khu 2 cùng các cựu sỹ quan, chiến sỹ thuộc E149 – F356 Quân khu 2 đều có giấy xác nhận.

Xác nhận của ong Nguyễn Đức Cam – Thủ trưởng của ông Nhân

Cũng theo hồ sơ do ông Võ Văn Nhân cung cấp cho Tạp chí đồng hành Việt, còn có đơn đề nghị của Hà Văn Lợi, quân y sĩ đã trực tiếp sơ cứu cho ông Võ Văn Nhân khi ông Nhân bị thương. Đồng thời, theo đơn của ông Hà Văn Lợi đề nghị hủy bỏ kết luận tại biên bản làm việc với Đoàn Thanh tra của sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái do tại thời điểm làm việc có yếu tố bất ngờ và sự gợi ý của Đoàn Thanh tra nên ông đã ký vào biên bản có nội dung không đúng sự thật và đề nghị xác nhận cho ông Nhân bị thương là đúng thực tế.

Đặc biệt, trong bộ hồ sơ ông Võ Văn Nhân cung cấp cho Tạp chí Đồng hành Việt còn có rất nhiều tài liệu của các cục, phòng của Quân khu II xác nhận ông Nhân bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Đặc biệt hơn, theo phản ánh của ông Nhân, khoảng tháng 10 năm 1999, Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái không biết dựa vào đâu, với lý do gì đã ra quyết định tạm dừng chế độ trợ cấp đối với Ông.

Để làm sáng rõ vấn đề, ông Nhân đã có đơn khiếu nại đến đơn vị cũ và Quân khu 2. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã tiến hành thẩm tra, xác minh toàn bộ sự việc và có văn bản trả lời khiếu nại của ông. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã khẳng định: Ông Võ Văn Nhân có thời gian phục vụ quân ngũ là 2 năm 4 tháng, trong thời gian tại ngũ ông không vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội. Sau khi có cơ sở xem xét ông đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ thương tật; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã cử cơ quan thanh tra quốc phòng làm việc trực tiếp với phòng Chính sách Quân khu 2, tại biên bản làm việc ngày 24 tháng 5 năm 2000, đại diện Phòng Chính sách Quân khu 2 đồng chí đại tá: Trần Phương Bổng và đại diện thanh tra quốc phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái là đồng chí trung tá Nguyễn Quang Chung thống nhất kết luận Ông bị thương là có thật, ông đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ thương tật theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở kết luận của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái, năm 2001, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái đã có quyết định cấp lại Giấy chứng nhận thương binh và trả trợ cấp thương tật cho ông Võ Văn Nhân, ông Võ Văn Nhân tiếp tục được hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4 với tỷ lệ 21% theo kết quả giám định y khoa trước đây.

Tưởng chừng như sự việc chỉ dừng ở đây, nhưng bất ngờ năm 2012, Sở LĐTB&XH tiếp tục một lần nữa có quyết định tạm dừng trợ cấp thương binh đối với ông Võ Văn Nhân với lý do: Để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xác minh làm rõ tính xác thực của giấy tờ hồ sơ gốc của cơ quan xác lập hồ sơ thương binh ban đầu theo kết luận của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, cho dù trước đó ông Nhân đã bị tạm dừng trợ cấp 1 lần để kiểm tra xác minh và đã được các cục, phòng của Quân khu 2 thẩm tra, xác nhận Ông bị thương khi đang làm nhiệm vụ là đúng sự thật và đủ điều kiện để tiếp tục hưởng chế độ theo quy định. Từ Quyết định tạm dừng trợ cấp thương binh, tháng 7/2013, Sở LĐTB&XH đã có văn bản đình chỉ và thu hồi trợ cấp thương binh của ông Võ Văn Nhân với một số lý do như: không đúng thông tư hướng dẫn; các văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực, văn bản chưa được ban hành. Đặc biệt trong quyết định giải quyết khiếu nại năm 2014, Sở LĐTB&XH đã đưa ra 2 người làm chứng trong đó một người không biết ông Nhân có bị thương hay không và 1 người khẳng định ông Nhân bị mất ngón tay trước khi nhập ngũ nhưng lại không để ý đến giấy xác nhận của tập thể, cá nhân là sỹ quan, chiến sỹ trực tiếp chiến đấu cùng ông Nhân… – Ông Nhân cho biết.

Những việc làm trên của Sở LĐTB&XH thật sự rất khó hiểu và không rõ Sở LĐTB&XH làm như vậy với mục đích gì vì bản thân ông Nhân đã bị tạm dừng trợ cấp một lần để được thẩm tra, xác minh. Việc thẩm tra, xác minh đã được đơn vị chức năng, có thẩm quyền là các cục, phòng của Quân khu 2 xác định một cách nghiêm túc, có văn bản trả lời rõ ràng, căn cứ vào đó, Sở LĐTB&XH đã có quyết định cấp lại Giấy chứng nhận thương binh và tiếp tục chi trả trợ cấp dù không cho truy lĩnh trong suốt thời gian tạm dừng đã gây ra nỗi bức xúc, oan khuất đối với ông Võ Văn Nhân, người đã được các cấp của quân đội nhân dân Việt Nam thẩm tra, xác minh và công nhận việc Ông bị thương khi đang làm nhiệm vụ là đúng sự thật.

Việc đưa ra một số lý do về văn bản hết hiệu lực, văn bản chưa được ban hành, áp dụng văn bản không phù hợp theo từng thời điểm như trong quyết định trả lời khiếu nại của Sở LĐTB&XH có phần chưa đầy đủ, cũng như chưa phản ánh đúng tình thực trạng, thực tế sự việc nên đã gây ra những bức xúc trong việc khiếu nại kéo dài 7 năm chưa có hồi kết của ông Võ Văn Nhân; tăng lên những bức xúc trong những con người đã tham gia giải phóng và bảo vệ chủ quyền dân tộc; làm mất niềm tin đối với các chính sách người có công – Ông Nhân phản ánh.

Tạp chí Đồng hành Việt ghi nhận sự cố gắng trong việc rà soát đối tượng hưởng chính sách để tránh trường hợp thương binh giả như tại nhiều địa phương, giữ gìn ý nghĩa của các chính sách, đảm bảo sự công bằng đối với người có công. Tuy nhiên, như những nội dung phản ánh của ông Võ Văn Nhân, Tạp chí Đồng hành Việt xin chuyển đến Sở LĐTB&XH để có câu trả lời thỏa đáng.

Trong trường hợp ông Võ Văn Nhân không phải là thương binh thật mà có sự ngụy tạo hồ sơ, Tạp chí Đồng hành Việt sẽ tiếp tục phản ánh khách quan sự thật để lấy đây là một điển hình trong việc lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với người có công, lên án mạnh mẽ và qua đó truyền thông để chính sách pháp luật được thực hiện nghiêm túc.

Nếu trường hợp, ông Võ Văn Nhân là thương binh thật đúng theo sự xác nhận của các đơn vị có thẩm quyền của Quân khu 2 thì đề nghị Sở LĐTB&XH trả lại sự trong sạch của một người lính, một người cựu chiến binh đã bỏ lại một phần cơ thể để bảo vệ đất nước. Đây không chỉ là vấn đề về tiền trợ cấp hàng tháng theo quy định mà lớn hơn đó là danh dự của một chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, một người lính cụ Hồ. Và quan trọng hơn là chính sách pháp luật được thực hiện nghiêm túc, công bằng…

Và trong trường hợp vì lý do chính sách chưa đáp ứng được thực tế sự thật khách quan đối với những đối tượng người có công như ông Nhân thì đề nghị Sở LĐTB&XH tham mưu cho UBND tỉnh đồng thời kiến nghị lên Bộ LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách đối với người có công, tránh để những trường hợp vì thiếu chính sách mà làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương đối với những người đã có nhiều cống hiến thậm chí là xương máu đối với đất nước, đối với dân tộc.

PV

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang