Vai trò giao tiếp đối với sự phát triển của trẻ điếc

(DHVO). Giao tiếp là phương tiện trao đổi thông tin giữa mọi người trong cộng đồng, kế thừa tinh hoa lịch sử, văn hóa của nhân loại, mở rộng tầm hiểu biết. Thông qua giao tiếp, con người còn bộc lộ thái độ, cảm xúc đối với đối tượng, nhờ vậy đời sống tình cảm phong phú và sâu sắc hơn. Giao tiếp được thể hiện bằng nhiều hình thức như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, cử chỉ điệu bộ, các biểu hiện trên nét mặt… Do đó, ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu của giao tiếp, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển khả năng giao tiếp của mỗi con người.

Trẻ điếc bị khiếm khuyết về chức năng nghe, nói ngôn ngữ rất hạn chế, việc thể hiện suy nghĩ, tình cảm bằng lời không hiệu quả, trẻ thường sử dụng loại hình ngôn ngữ đặc biệt là ngôn ngữ ký hiệu để thể hiện nhu cầu giao tiếp của mình. Vì vậy, để trẻ điếc có thể sống và hòa nhập cộng đồng, việc phục hồi chức năng nghe, nói, phát triển khả năng giao tiếp cho trẻ là vấn đề đặc biệt lưu ý trong công tác giáo dục trẻ điếc. Thông qua giao tiếp, trẻ điếc nhận thức về thế giới xung quanh, lĩnh hội được các hành vi, chuẩn mực đạo đức, phát triển kỹ năng sống, tự lập, tự kiểm soát được hành vi trước các tình huống, sự việc phát sinh. Tùy thuộc độ mất thính lực, điếc được phân loại theo các mức độ sau:

Điếc nhẹ (20 – 40 dB): Trẻ nghe được hầu hết những âm thanh, nhưng không nghe được tiếng nói thầm. Những trẻ điếc nhẹ vẫn có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói.

Điếc vừa (40 – 70 dB): Ở mức độ này, trẻ nghe được những âm thanh to, không nghe được hết tiếng nói bình thường. Những trẻ điếc vừa nói không rõ, phát âm thiếu chuẩn xác, người đối thoại phải chú ý nghe mới hiểu.

Điếc nặng (70 – 90 dB): Trẻ điếc ở mức độ nặng chỉ nghe được tiếng nói to, sát tai, khó khăn trong trong giao tiếp.

Điếc sâu (Lớn hơn 90 dB): Trẻ điếc sâu hầu như không nghe được trừ một số âm thanh thanh thật to như tiếng sấm, tiếng trống to.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Những trẻ điếc nặng và sâu khả năng giao tiếp ngôn ngữ nói của trẻ rất hạn chế (nói sai nhiều, vốn từ ít, khó hiểu…). Do âm thanh có tần số và cường độ khác nhau, cho nên mức độ điếc ở những tần số khác nhau cũng dẫn đến khả năng nghe được âm thanh lời nói khác nhau: những trẻ bị điếc ở tần số cao thì khó có thể nghe những âm thanh lời nói ở tần số đó, nhưng những âm thanh ở tần số trung và trầm, trẻ vẫn có thể nghe được. Ngươc lại, những trẻ điếc ở tần số trầm thì lại có thể nghe được những âm thanh lời nói ở tần số cao nhiều hơn. Vì vậy, trong giáo dục trẻ điếc cần xác định rõ, mức độ giảm sức nghe và tần số để có biện pháp tác động thích hợp.

Ngay từ khi sinh ra con người phải học để hiểu được những âm thanh trong cuộc sống. Thời gian đầu mới sinh, trẻ nhỏ chưa hiểu được lời nói nhưng trẻ có thể hiểu được khái quát ý nghĩa của lời nói dựa vào cường độ, nhịp điệu và ngữ điệu, nhận biết giọng nói của người mẹ. Trẻ tiếp nhận ngôn ngữ thông qua giao tiếp với mẹ, dần dần hình thành những mối liên hệ giữa những âm thanh lời nói, rồi biểu đạt bằng lời. Trẻ bị điếc bẩm sinh sẽ bị mất đi tiến trình học ngôn ngữ đầu tiên này. Vì vậy, cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, nhằm ngăn chặn những rối loạn thứ phát trong qua trình phát triển. Thời gian phát hiện càng trễ, khả năng ngôn ngữ của trẻ càng yếu kém.

Ngôn ngữ trẻ điếc có thể phát triển tốt nhất, đối với gia đình nhận được sự hỗ trợ, tư vấn sớm. Trẻ được can thiệp trước 6 tháng tuổi thì khả năng ngôn ngữ gần như trẻ nghe bình thường. Nếu gia đình nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn càng muộn thì sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ càng bị chậm trễ. Ngược lại, gia đình không nhận được sự hỗ trợ nào thì trẻ điếc sẽ không có ngôn ngữ nói, thậm chí ngôn ngữ ký hiệu cũng ít ỏi. Hơn nữa, chất lượng của can thiệp sớm cũng ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Thông thường trẻ điếc rất ngại giao tiếp bằng lời nói, thường gặp trở ngại khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Để thu hút sự chú ý của người khác, trẻ chủ yếu dùng cử chỉ điệu bộ hoặc sự đụng chạm vào đối tượng muốn tiếp xúc, hành vi này khiến người tham gia giao tiếp cảm thấy khó chịu không thoải mái. Hơn nữa, trẻ dễ nóng giận, cáu gắt khi không được thỏa mãn yêu cầu qua giao tiếp đơn thuần bằng lời.

Trẻ điếc nhận thức thế giới xung quanh chủ yếu bằng mắt, tri giác thị giác rất phát triển và nhạy bén. Kỹ năng phân tích rất tinh tế, phân biệt được điểm giống, khác nhau, các sự vật hiện tượng, bằng thị giác rất rõ ràng chuẩn xác. Ngoài ra, trẻ có khả năng nhận thức bằng đa giác quan, kết hợp thị giác, xúc giác, khứu giác và cơ quan vận động vào quá trình nhận thức.

Mỗi trẻ điếc là một cá nhân với đầy đủ những tiềm năng, đặc điểm, hoàn cảnh sống riêng trong quá trình phát triển. Do vậy, việc lựa chọn phương tiện giao tiếp, cần dựa vào điều kiện chăm sóc, giáo dục, khả năng của trẻ… không nên cực đoan bắt trẻ sử dụng một phương tiện giao tiếp nào, cũng không có một cách tiếp cận nào tốt nhất cho mọi trẻ điếc. Vì vậy, dù tiếp cận theo phương thức nào cũng phải dựa trên nhu cầu và năng lực của trẻ mà tiến hành. Một số trẻ tiếp cận theo phương thức nghe nói với sự hỗ trợ của ký hiệu, số khác hoàn toàn lĩnh hội tri thức qua ngôn ngữ ký hiệu. Nhìn chung, trẻ điếc cần được tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu ngay từ nhỏ để làm tiền đề cho việc học nói hay học ngôn ngữ ký hiệu sau này, tránh sự trì trệ và tâm lý trong quá trình phát triển.

Hiện nay, nhờ sự phát triển Khoa học kỹ thuật, Y học việc phát hiện trẻ khuyết tật nói chung và trẻ điếc nói riêng ngày càng sớm, góp phần hiệu quả cho công tác can thiệp và giáo dục sớm. Trẻ điếc ngày càng có cơ hội tự khẳng định mình, được giao lưu trao đổi, học tập, tiếp thu kinh nghiệm dưới mọi hình thức giao tiếp. Các phương tiện kỹ thuật, công nghệ, thông tin hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính,… đã giúp cho người điếc vươn ra ngoài xã hội và cả thế giới, họ có thể trao đổi thông tin với nhau trực tiếp hay Email, bằng các phương thức giao tiếp ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ viết.

Nhu cầu học ngôn ngữ ký hiệu trong cộng đồng ngày càng nhiều, một mặt tìm hiểu một loại hình ngôn ngữ mới, mặt khác để giao tiếp với người điếc. Hơn nữa, người điếc không chỉ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giao lưu trong cộng đồng điếc, mà còn đảm nhận vai trò giảng dạy, hướng dẫn những người quan tâm học tập loại hình ngôn ngữ này.

TS. Đặng Thị Mỹ Phương

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang