Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Sáng ngày 28/12/2023, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật (NKT) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo có TS. Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

TS. Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Tô Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện nay, cả nước có trên 7 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2023, có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2035; Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2023-2030; các Bộ, ngành ban hành 09 Thông tư, 10 Quyết định và 04 Công văn để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác NKT trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm và sinh kế…
Đối với công tác trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, năm 2023 ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.
TS. Tô Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả tại Hội nghị
Đến nay, cả nước có trên 1,6 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Thực hiện Chương trình trợ giúp NKT và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, đã bố trí cho các Bộ, ngành và tổ chức của NKT thực hiện nhiệm vụ như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam 2.650 tỷ đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 800 triệu đồng; Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam 300 triệu đồng; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 350 triệu đồng…
Trong công tác dạy nghề và tạo việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với NKT, bảo đảm NKT chiếm ít nhất 10% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương; Tăng cường công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, NKT. Từ 2011- 2023, ước tính trên cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho từ 300.000 – 350.000 NKT.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về công tác chăm sóc y tế, NKT được hưởng những ưu tiên trong khám chữa bệnh như: Được hưởng chính sách bảo hiểm y tế; NKT đặc biệt nặng và NKT nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai được ưu tiên khám chữa, bệnh; NKT được tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm KT; xác định KT bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình PHCN phù hợp; NKT được tạo điều kiện trong PHCN.
Về công tác giáo dục và đào tạo, đến nay cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành quy định thống nhất sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong toàn quốc, nghiên cứu biên soạn tài liệu ngôn ngữ ký hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt.
Bên cạnh đó, các tổ chức của NKT được hỗ trợ thành lập và tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các công tác hỗ trợ NKT, từ việc tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách cho đến tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT. Một số tổ chức hội hoạt động có hiệu quả cao và ngày càng phát triển như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã phát triển được mạng lưới ở 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 1.612 Hội cấp xã, phường; Hội Người mù Việt Nam đã có tổ chức ở 57 tỉnh, thành hội 529 hội xã, phường; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã phát triển ở 63/63 tỉnh, thành phố, với trên 6.500 xã/phường.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam đạt được trong năm 2023. Các lĩnh vực  trợ giúp NKT được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, góp phần giảm bớt rào cản, tạo môi trường hòa nhập tốt hơn cho NKT. Các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban quốc gia về NKT đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác trợ giúp NKT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị trong năm 2024, Ủy ban quốc gia về NKT cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của LHQ về quyền của NKT; Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật; Nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác NKT ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp đỡ NKT… Có giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, hoạt động phục hồi chức năng cho NKT.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT; hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của NKT.
Bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án về NKT, đồng thời quan tâm giám sát việc thi hành chính sách pháp luật về NKT./.
Theo Báo điện tử Lao động và Xã hội

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top