(ĐHVO). Sáng nay ngày 28/9, tại khách sạn La Thành đã diễn ra buổi Tọa đàm các chính sách phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam; Bà Phan Thị Quỳnh Như – Phó Ban Luật pháp Chính sách – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng; Bà Đàm Việt Hà – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng; Bà Phạm Thanh Hường – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; Cùng đại diện các cơ quan, ban ngành và người khuyết tật quan tâm.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm, ông nhấn mạnh rằng sự kỳ thị về giới và tình trạng khuyết tật khiến phụ nữ và trẻ em khuyết tật có nguy cơ cao bị bạo lực. Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm tìm hiểu những vấn đề nổi bật liên quan đến bạo lực đối với người khuyết tật và cùng nhau xác định những rào cản đối với người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khuyết tật, trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng điều hành tọa đàm thảo luận về thực trạng và khuyến nghị để đảm bảo việc thực thi các chính sách phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Những chia sẻ, đề xuất, góp ý tại tọa đàm đều là những đề xuất tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, để phụ nữ, trẻ em khuyết tật được sống trong một xã hội an toàn, văn minh hơn.
Bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Ban Luật pháp Chính sách – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về giải pháp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Phát biểu tại tọa đàm, Bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Ban Luật pháp Chính sách – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về giải pháp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới – góc nhìn từ hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực cho chị em là ban chủ nhiệm, ban điều hành câu lạc bộ, tổ chức các chương trình Tọa đàm, hội thảo giao lưu chia sẻ… để huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương có những giải pháp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều một số bất cập như sự kỳ thị đối với người phụ nữ khuyết tật, không nhận được sự chia sẻ cảm thông từ cộng đồng; kinh phí hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật vẫn còn thiếu,… Theo đó, Phó Ban Luật pháp Chính sách – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ 3 nhóm nội dung nhiệm vụ và giải pháp quan trọng: Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ Hội, Hội viên, phụ nữ và cộng đồng về thực hiện các chính sách xã hội và công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật; Hai là, các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật; Ba là, nâng cao năng lực của cán bộ, chất lượng tổ chức Hội, thực hiện tốt công tác giảm sát phản biện xã hội, đề xuất chính sách hỗ trợ, phát huy phụ nữ khuyết tật, phối hợp các bộ ban ngành, các tổ chức, đặc biệt sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương đóng vai trò quan trọng.
Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng phát biểu tại Tọa đàm
Cũng tại tọa đàm, Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) chia sẻ về dự án tăng cường năng lực phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ khuyết tật tại 3 tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam đã được Viện triển khai thực hiện trong thời gian qua. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong việc ứng phó với tình trạng bạo lực dựa trên cơ sở giới; Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và các vấn đề khác liên quan đến sự phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới.
Theo Bà Đàm Việt Hà để phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ khuyết tật tại 3 tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam cần xây dựng năng lực cho nhóm ToT, thăm nhà và tư vấn đồng cảnh tại nhà, tham gia đối thoại với các bên liên quan. Tính đến 9/2023, Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng đã có những hoạt động hỗ trợ 63 người khuyết tật có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực giới như hỗ trợ về tâm lý và thảo luận giải pháp phù hợp với người khuyết tật… Từ những hoạt động này, Bà Đàm Việt Hà đưa ra kiến nghị, đề xuất chính: Nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho bản thân người khuyết tật, người nhà người khuyết tật cũng như những đơn vị liên quan trong việc phòng chống bạo lực giới đối với người khuyết tật; Tỉnh/huyện cần sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa các ban ngành liên quan để hỗ trợ chuyển gửi các trường hợp bị bạo lực giới kết nối với các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu; Nâng cao chất lượng của dịch vụ hỗ trợ kết nối với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ.
Bà Đoàn Minh Hiền, Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Đoàn Minh Hiền, Đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam khẳng định: Trẻ em là tương lai của đất nước. Mọi trẻ em Việt Nam đều có quyền được sống trong một môi trường an toàn, không bị bạo lực và xâm hại, không bị phân biệt đối cử và bị kỳ thị. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ em chính là sự tôn trọng sự phát triển của nhân loại. Chính vì vậy, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đặc biệt quan tâm công tác phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần đối với trẻ em, bao gồm cả trẻ em khuyết tật. Hội đã tổ chức các hoạt động tham gia góp ý các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các văn bản có liên quan tới bạo lực trẻ em (Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP…); hoạt động trao quà, học bổng hàng năm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; các hoạt động tập huấn, truyền thông về quyền trẻ em và lồng ghép nội dung về quyền trẻ em khuyết tật…
Luật sư Lê Hải Yến, Trưởng phòng luật Viện ACDC chia sẻ kinh nghiệm tư vấn pháp luật tại buổi tọa đàm
Luật sư Lê Hải Yến, Trưởng phòng luật Viện ACDC tiếp tục buổi tọa đàm với những chia sẻ về kinh nghiệm tư vấn pháp luật đối với các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Theo bà Yến, bài học kinh nghiệm qua hoạt động tư vấn pháp luật của ACDC đúc kết được bao gồm: Thái độ (của cán bộ tư vấn pháp luật) phải thân thiện, cởi mở, chân thành kiên trì; Tạo bầu không khí thoải mái trong lúc tư vấn pháp luật; Tạo sự tin cậy nhất định từ người khuyết tật đối với người tư vấn (đóng vai trò là một người khác trước khi đóng vai chuyên gia tư vấn),…
Bà cho rằng: “Lựa chọn giải pháp trong tư vấn pháp luật là vô cùng quan trọng”, khi tư vấn pháp luật phải đặt lợi ích của khách hàng lên đầu tiên. Trong quá trình tư vấn, cán bộ tư vấn pháp luật luôn lưu ý người khuyết tật cần tìm kiếm giải pháp hỗ trợ từ cộng đồng, các tổ chức đoàn thể (tổ chức hòa giải cơ sở, Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật, Hội bảo vệ quyền trẻ em…) trong quá trình phòng, chống bạo lực, bạo lực gia đình. Ngoài ra, khi tư vấn phải luôn cảnh báo những bất lợi, rủi ro (có thể xảy ra) đối với mỗi phương án để người khuyết tật lựa chọn phương án có lợi nhất cho họ. Sau khi tư vấn, cán bộ tư vấn pháp luật ACDC luôn lưu ý giới thiệu người khuyết tật đến các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để được trợ giúp pháp lý toàn diện, chi tiết.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại buổi Tọa đàm
Tại tọa đàm cũng nhận được nhiều đóng góp ý kiến, những chia sẻ về thực trạng, khó khăn và các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Tin tưởng rằng, những chia sẻ tâm huyết tại tọa đàm sẽ mở ra những hướng đi mới trong công tác bảo vệ tốt nhất quyền lợi của phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng và đối tượng yếu thế trong xã hội nói chung.
Hồng Liên