Tỉnh Gia Lai: 90 năm hình thành và phát triển với những nội lực và tiềm năng đáng mừng

(ĐHVO). Gia Lai là vùng đất cổ xưa, từ “thuở bình minh” của loài người đã có mặt những tộc người cổ đến chinh phục và khai phá miền đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành bản sắc cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Gia Lai.

Hai dân tộc sinh sống từ lâu đời ở vùng đất này là dân tộc Jơ Rai và Bah Nar. Từ cuối thế kỷ XVII, người Kinh bắt đầu lên sinh sống tại vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai. Cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn vùng đất Tây Sơn thượng đạo để xây dựng cơ sở ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Từ cuối thế kỷ XIX, các nhóm nông dân người Kinh từ khu vực Duyên hải miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi,…) tiếp tục di cư lên vùng đất Gia Lai, lập ra các làng ở An Khê và Bắc Tây Nguyên.

Trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập vào sâu nội địa tỉnh Gia Lai ngày nay để truyền đạo. Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên, tạo nên nhiều sự xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị và chúng đã tìm mọi cách chia rẽ người Kinh – Thượng và các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau. Với chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp đã tăng cường đưa một bộ phận người Kinh từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền trồng chè, cà phê và các công trường làm đường dọc quốc lộ 19, 14 và từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên vùng đất Gia Lai.

Quang cảnh lễ Kỷ niệm 90 năm hình thành và phát triển tỉnh Gia Lai tại Quảng trường Đại đoàn kết-TP. Pleiku

Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/05/1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6/1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Ngày 20/9/1975, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai – Kon Tum, sau đó lại được chia tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 17 huyện, thị xã, thành phố, 220 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,55 triệu người với 44 dân tộc cùng sinh sống.

Trải qua 02 cuộc chiến tranh, tỉnh Gia Lai có 18.628 người hoạt động kháng chiến, 14.530 người có công cách mạng, 9.220 thương, bệnh binh được hưởng chính sách, chế độ. Tỉnh Gia Lai còn có một bộ phận người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về điều kiện ăn ở, nuôi dưỡng, học hành, chữa bệnh… Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 13.563 người khuyết tật, chiếm 1,96% dân số, trong đó, người khuyết tật hệ vận động chiếm tỷ lệ cao nhất (47,91%), kế đến là khuyết tật hệ thần kinh (27,86%), còn lại là các khuyết tật khác thuộc về nghe, nói, nhìn. Do vậy, tỉnh Gia lai rất cần có sự quan tâm chung tay giúp đỡ, chia sẻ của các cấp, các ngành và cộng đồng, đồng thời với sự nỗ lực, cố gắng không thể thiếu của chính bản thân người khuyết tật.

Quang cảnh TP. Pleiku

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngay từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ XX, những đảng viên, chiến sĩ cách mạng đã lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Từ tháng 4 đến tháng 6/1945, tổ chức Đoàn thanh niên Gia Lai được thành lập với nhiều hoạt động tiến bộ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Chỉ trong vòng hơn một tuần, cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân trong toàn tỉnh đã thắng lợi trọn vẹn, hệ thống chính quyền cai trị của thực dân và phong kiến bị xoá bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng được thiết lập trong toàn tỉnh.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Gia Lai diễn ra trong bối cảnh ở địa phương chưa có cơ sở Việt Minh, nhưng quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng từ rất sớm lý tưởng và mục tiêu đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương, nên khi có thời cơ đã nổi dậy giành chính quyền. Đây là tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.

Ngày 01/10/1945 đến tháng 12/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập và dần dần thành lập tiếp 03 chi bộ nữa, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 24 đồng chí. Ngày 10/12/1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Sự ra đời của Đảng bộ Tây Sơn đã phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời, đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh lịch sử, là đội tiên phong lãnh đạo quân và dân trong tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.


Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai liên hoan văn nghệ chào mừng 90 năm thành lập tỉnh

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đem hết sức người, sức của đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước. Trong 9 năm kháng chiến, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai hưởng ứng tích cực các phong trào do Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh phát động, lập nên những làng chiến đấu, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm, như: Stơr, Soáp Dùi, xã Gào…; lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng Đắk Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa…, từng bước làm thất bại âm mưu của quân thù, tiến lên giải phóng, làm chủ đại bộ phận vùng nông thôn, siết chặt vòng vây quân địch ở thị xã Pleiku và thị trấn Cheo Reo, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, lớp lớp con em của nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công hiển hách trên mọi chiến trường. Nhiều địa danh, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, còn mãi sáng chói, lưu truyền trong sử sách. Đó là những anh hùng lực lượng vũ trang, như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt và hàng ngàn người con ưu tú khác của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã anh dũng hy sinh. Đó là những chiến công vang dội, như: Chiến thắng Plei Me; chiến thắng Cheo Reo, Phú Bổn; Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Xuân – Hè 1972… , góp phần đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965), Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968) và Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 – 1975) của đế quốc Mỹ, giải phóng Gia Lai vào ngày 17/03/1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/04/1975.

Những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là bản anh hùng ca vĩ đại về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Sau giải phóng, tỉnh Gia Lai bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế lạc hậu, phân tán, du canh, du cư, tự cấp, tự túc; cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chưa phát triển và bị chiến tranh tàn phá nặng nề; đời sống của đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; rồi đói, bệnh, mù chữ, nạn thất nghiệp và tệ nạn xã hội ở thị xã, thị trấn chưa được giải quyết; an ninh chính trị nhiều vùng mới giải phóng chưa ổn định, các thế lực thù địch cấu kết, lén lút hoạt động chống phá cách mạng; chính quyền cách mạng chưa vững mạnh. Khi chuyển sang giai đoạn mới, nhận thức tư tưởng trong Đảng và quần chúng chưa chuyển biến kịp, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm, còn bỡ ngỡ, lúng túng trong công tác quản lý và xây dựng kinh tế… Để giải quyết những nhiệm vụ vừa cấp bách và vừa lâu dài, tỉnh Gia Lai đã tập trung phát huy truyền thống của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; phát động cao trào sản xuất, khôi phục kinh tế, văn hoá; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, từng bước cải thiện đời sống nhân dân; trấn áp kịp thời bọn phản động Ful-rô và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo tiền đề để kinh tế – xã hội có những bước phát triển tiếp theo.

Chỉ sau hơn một năm giải phóng, từ một địa bàn bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, có hơn 1/3 số dân bị đói phải cứu trợ, tỉnh Gia Lai đã trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế – xã hội ổn định, an ninh trật tự đảm bảo, chính quyền cơ sở được củng cố; đồng bào các dân tộc đều được hưởng các chính sách tự do, bình đẳng. Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu, trong đó: Tập trung khôi phục và cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh, chú trọng khai hoang, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, sản xuất lương thực, cải tạo công thương nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1985, nền kinh tế tỉnh Gia Lai có bước chuyển mới, nông nghiệp chuyển dần theo hướng phát triển toàn diện, từ độc canh cây lương thực sang phát triển cây công nghiệp, tạo hàng hoá xuất khẩu; các ngành công nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện… từng bước vươn lên đáp ứng nhu cầu phát triển, tiêu dùng và xuất khẩu. Đến năm 1985, Gia Lai đã vượt qua khó khăn, vươn lên đạt những thành tích mới trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Tổng sản phẩm xã hội tăng 1,39 lần, thu nhập quốc dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 1985 đạt trên 3,3 triệu rúp/đôla; cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ; định canh, định cư được hơn 1/4 đồng bào các dân tộc, từng bước tiến tới xóa nạn mù chữ, hạn chế bệnh sốt rét, bình quân một vạn dân có 1.500 học sinh, 1,4 bác sĩ, 33,5 giường bệnh…

Biển Hồ-một địa điểm thăm quan hấp dẫn tại TP. Pleiku

Có thể nói, kinh tế của tỉnh Gia Lai thường xuyên đạt được mức tăng trưởng khá, là điều kiện để diện mạo của địa phương từng bước đổi thay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2015 – 2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP tỉnh Gia Lai đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp – xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%.

Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001 – 2005 tỉnh Gia Lai đạt gần 13.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015 – 2020 đã tăng hơn 10 lần, đạt 104.402 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 13,95%, năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Gia lai đã thông suốt, với tổng chiều dài khoảng 12.862 km; gồm 6 tuyến Quốc lộ tổng chiều dài 764,5km, 10 tuyến đường tỉnh tổng chiều dài 372km, 965 km đường đô thị, 1.900 km đường huyện, 8.344 km đường xã, 517 km đường chuyên dùng. Tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 01/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ đầu tư các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây và đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn. 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Tỷ lệ đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 95,24%; đường trục thôn, làng được cứng hóa đạt tỷ lệ 86,93%; đường làng, ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 69,54% và trên 60% đường trục chính nội đồng đã được đầu tư. Cảng Hàng không Pleiku đạt cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của tổ chức ICAO đảm bảo phục vụ các loại máy bay A320, A321 hoặc tương đương; công suất 600.000 Hk/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh …

Sự thay đổi về diện mạo hạ tầng kinh tế – xã hội hôm nay là động lực để tỉnh Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trên các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch,… Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Gia Lai có 515 Dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số Dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong năm 2021, tỉnh Gia Lai đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 Dự án, tổng vốn đăng ký là 21.645 tỷ đồng (trong đó có 16 Dự án điện gió được đầu tư). Tỉnh Gia Lai hiện có là 7.982 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, 358 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, với nét riêng nổi bật của tỉnh là xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Thành phố Pleiku, Thị xã An Khê và Huyện Ayun Pa đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Toàn tỉnh có 100 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, có 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt 21.598 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 7,02%; năm 2021 đạt 7.881 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,38%/năm, năm 2021 đạt 610 triệu USD. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó có giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng vừa triển khai công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hoạt động quản lý, nghiên cứu, phát triển công nghệ từng bước được đổi mới; công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 31 di tích đã xếp hạng, trong đó có 01 quần thể Di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 14 Di tích, cụm Di tích Quốc gia; 16 Di tích cấp tỉnh… Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Công tác an sinh xã hội ở tỉnh Gia Lai được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020).

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ. Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ, phát huy. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh…

Phát huy nhưng thành tựu đã đạt được, kịp thời rút kinh nghiệm những việc còn hạn chế, tỉnh Gia Lai quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là: Tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là TP. Pleiku và các khu vực có khả năng phát triển cao để thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương trong toàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế; xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Căm-pu-chia – Lào – Việt Nam. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng bình quân 9,5% trở lên; phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đến năm 2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) đến năm 2025 giảm xuống dưới 1%.

Qua 90 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 168 Huân chương Độc lập các hạng; 490 Huân chương Lao động các hạng; 57 tập thể, 18 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 01 tập thể, 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 123 Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tỉnh Gia Lai có 17 tập thể được tặng thưởng Huân chương Thành đồng; trên 20.000 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng; gần 500 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp; trên 57.000 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ.

Nhìn lại chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh Gia Lai (1932 – 2022) chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được và các thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Những thành tựu to lớn đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới ở tỉnh Gia Lai là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự do; ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm vươn lên đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Chúng ta luôn khắc ghi, trân trọng và quyết tâm phấn đấu trong thời gian tới đưa tỉnh Gia Lai phát triển vững mạnh về mọi mặt, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày một cải thiện và nâng cao.

Nguyễn Thị Thùy Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top